Nhà Lý (1009-1225)

Thứ hai - 07/06/2021 11:17 795 0
Lý Thái Tổ (1009-1028) 
Lý Thái Tông (1028-1054) 
Lý Thánh Tông (1054-1072) 
Lý Nhân Tông (1072-1127) :
Lý Thần Tông (1127-1137) 
Lý Anh Tông (1138-1175) 
Lý Cao Tông (1175-1210) 
Lý Huệ Tông (1210-1224) 
Lý Chiêu Hoàng (1224-1225) 
  • Lý Thái Tổ (1009-1028) : năm 1009 Lê Long Đĩnh chết, dưới sự hậu thuẫn của quan Chi hậu là Đào Cam Mộc và sư Vạn Hạnh, quần thần đã tôn quan Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, tức Lý Thái Tổ. Ông cho dời đô về Thăng Long và đặt niên hiệu là Thuận Thiên. 

  • Lý Thái Tông (1028-1054) : năm 1028 Lý Thái Tổ băng hà, thái tử Lý Phật Mã dưới sự phò trợ của Vũ vệ tướng quân Lê Phụng Hiểu đã dẹp được loạn Tam vương và lên ngôi Hoàng đế, tức Lý Thái Tông. Ông là vị vua tài năng và nhân từ, có công lao rất lớn trong việc đánh Chiêm Thành rồi đánh Ai Lao mở mang bờ cõi xuống phiá Nam. 

  • Lý Thánh Tông (1054-1072) : năm 1054 Lý Thái Tông băng hà, thái tử Lý Nhật Tôn kế ngôi hoàng đế, tức Lý Thánh Tông. Ông là vị vua tài ba xuất chúng, lại có lòng nhân từ độ lượng. Bên trong ông ổn định tình hình, bên ngoài ông chú trọng mở mang bờ cõi. Ông có công lao to lớn trong việc “phá Tống, bình Chiêm”. 

  • Lý Nhân Tông (1072-1127) : năm 1072 Lý Thái Tông băng hà. thái tử Lý Càn Đức lên ngôi khi mới 7 tuổi, tức Lý Nhân Tông. Ông được xem là một vị minh quân của vương triều Lý. Nhờ vào sự giúp đỡ của Thái Phi Ỷ Lan làm Nhiếp chính, cùng với sự phò tá của Thái sư Lý Đạo Thành và Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt, mà nước Đại Việt đã trở thành một đế chế hùng mạnh với 2 lần đánh tan quân Tống xâm lược, đất nước phát triển đến mức cực thịnh. Ông cũng được coi là người đặt nền móng cho giáo dục đại học ở nước ta. 

  • Lý Thần Tông (1127-1137) : năm 1127 Lý Nhân Tông băng hà, con là thái tử Lý Dương Hoán nối ngôi, tức Lý Thần Tông. Trong thời gian trị vì ông đã đánh Chân Lạp và Chiêm Thành buộc 2 nước này phải đến tiến cống. Ông cũng là vị vua gắn liền với giai thoại nhân gian “Vua hóa hổ”. Tương truyền, ông là hậu thân của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Khi vua Lý Nhân Tông không có con để nối ngôi thì sư Từ Đạo Hạnh sau khi chết đã đầu thai làm con của Sùng Hiền Hầu là em trai vua Nhân Tông, tức Lý Dương Hoán. Do lúc sinh thời sư Từ Đạo Hạnh là người đắc đạo, biết được ác nghiệp của mình là sẽ bị hóa thành hổ nên trước khi đầu thai ông đã nhờ người bạn đồng tu của mình là nhà sư Nguyễn Minh Không giúp đỡ. Sau này chính sư Nguyễn Minh Không đã chữa trị căn bệnh “hoá hổ” của vua Thần Tông vậy. 

  • Lý Anh Tông (1138-1175) : năm 1138, vua Lý Thần Tông băng hà, con thứ 2 là thái tử Lý Thiên Tộ kế vị, tức Lý Anh Tông. Vì vua lên ngôi còn nhỏ nên bị Thái úy nhiếp chính Đỗ Anh Vũ nắm hết quyền hành, mẹ ông là bà Lê Thị Lại tư thông với Vũ. Năm 1158 Đỗ Anh Vũ chết, vua Anh Tông lúc này mới trọng các hiền thần như Tô Hiến Thành, Hoàng Nghĩa Hiền, Lý Công Tín. Các hiền thần này đã giúp vua đánh Đông, dẹp Bắc giữ yên bờ cõi và sự thịnh vượng của các đời vua trước. 

  • Lý Cao Tông (1175-1210) : năm 1175, vua Lý Anh Tông băng hà, con thứ 2 là thái tử Lý Long Cán được sự phò trợ của Phụ chính Tô Hiến Thành lên ngôi kế vị, tức Lý Cao Tông. Vua là người bên trong thì ham thích tửu sắc, ăn chơi, săn bắn bên ngoài thì thích tiền của, xây cung điện. Sau khi Tô Hiến Thành mất, chính sự rối ren, giặc giã nổi dậy khắp nơi, lòng dân oán thán, ngoại xâm rình rập. 

  • Lý Huệ Tông (1210-1224) : năm 1210 Lý Cao Tông mất, con là thái tử Lý Sảm lên ngôi, tức Lý Huệ Tông. Lý Huệ Tông lên ngôi trong lúc tình hình đất nước rối ren do cha là Cao Tông gây ra. Ông phải dựa vào thế lực họ Trần để giữ vững ngôi vua của mình. Lúc này thế lực họ Trần đang rất lớn mạnh. Trần Thị Dung làm hoàng hậu, anh là Trần Tự Khánh làm Phụ Chính Thái uý, Trần Thừa làm Nội thị phán thủ. Bề ngoài Huệ Tông dùng họ Trần nhưng thật chất bên trong ông đã nhìn thấy được cái họa quyền thần và luôn tìm cách để tiêu diệt. Nhưng do kém tài nên ông đành “lực bất tòng tâm” nhìn quyền thần ngang ngược. Ông uất hận đến độ phát cuồng. 

  • Lý Chiêu Hoàng (1224-1225) : năm 1223 Trần Tự Khánh chết, quyền hành lại rơi vào tay em họ của Tự Khánh là Trần Thủ Độ. Năm 1224, Trần Thủ Độ ép vua Huệ Tông đi tu để nhường ngôi cho con gái nhỏ là Lý Chiêu Hoàng khi đó mới 7 tuổi. Dưới tài đạo diễn của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng đã lấy Trần Cảnh là cháu họ của Trần Thủ Độ. Ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu (22/11/1225) Lý Chiêu Hoàng ban chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Ngày mồng 1 tháng chạp cùng năm (31/12/1225) Chiêu Hoàng chính thức trút bỏ hoàng bào mời Trần Cảnh lên làm hoàng đế chấm dứt 216 năm với 11 triều vua trị vì của nhà Lý mở ra thời đại của nhà Trần. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay1,470
  • Tháng hiện tại10,784
  • Tổng lượt truy cập2,080,038
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây