Trần Thái Tông (1225-1258) : lúc này do nhà Lý suy yếu, quyền hành tập trung trong tay họ Trần. Chính sự đạo diễn của Trần Thủ Độ đã đưa Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế mở ra triều đại nhà Trần. Trong lúc tại vị, ông đã lãnh đạo nhân dân chống lại cuộc xâm lược lần thứ 1 của quân Nguyên Mông.
Trần Thánh Tông (1258-1278) : năm 1258 vua Thái Tông nhường ngôi lại cho con mình là Trần Hoảng, tức Trần Thánh Tông, để trở thành Thái Thượng hoàng. Ông là vị vua nhân hậu, hòa ái. Ông đã cùng với Trần Nhân Tông 2 lần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược trong thời gian làm Thái Thượng hoàng.
Trần Nhân Tông (1278-1293) : năm 1278 vua Thánh Tông nhường ngôi lại cho con trai là Trần Khâm, tức Trần Nhân Tông, còn mình thì lui về làm Thái Thượng hoàng và nghiên cứu Phật pháp. Ông là vị vua thông minh, quyết đoán. Ông đã cùng với cha mình là Thái thượng hoàng Thánh Tông 2 lần đánh tan giặc Nguyên Mông. Ông cũng từng thân chinh đem quân đi đánh giặc Ai Lao quấy nhiễu. Sau khi nhường ngôi cho con, ông trở thành Thái Thượng hoàng, chú tâm nghiên cứu Phật pháp. Sau đó ông xuất gia tu hành và trở thành tổ sư thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Trần Anh Tông (1293-1314) : năm 1293 sau khi đánh tan được quân xâm lược Nguyên Mông, vua Nhân Tông về làm Thái Thượng Hoàng nhường ngôi cho con mình là Trần Thuyên, tức Trần Anh Tông. Ông cũng là vị vua đức độ, anh minh. Đất nước lúc bấy giờ vua hiền tôi trung nên tiếp tục phát triển thịnh vượng.
Trần Minh Tông (1314-1329) : năm 1314, vua Anh Tông nhường ngôi hoàng đế lại cho con trai của mình là Trần Mạnh, tức Trần Minh Tông, lui về làm Thái thượng hoàng. Ông tiếp tục truyền thống của các tiên đế, coi trọng kẻ sĩ nên đất nước có nhiều hiền tài giúp sức.
Trần Hiến Tông (1329-1341) : năm 1329 Trần Minh Tông lui về làm Thái Thượng hoàng, nhường ngôi cho con trai thứ là Trần Vượng, tức Trần Hiến Tông. Ông được xem là vị vua “lấy vì” do thực quyền đều do Thái Thượng hoàng Minh Tông nắm giữ.
Trần Dụ Tông (1341-1369) : năm 1341, vua Hiến Tông mất mà không có con nối dõi nên Thái Thượng Hoàng Minh Tông đã lập con thứ 10 của mình, em của Hiến Tông là Trần Hạo làm vua, tức Trần Dụ Tông. Do được Thái Thượng Hoàng chăm lo mọi việc từ trong ra ngoài nên vua Dụ Tông chỉ biết ham chơi hưởng lạc. Năm 1357 Thượng hoàng Minh Tông mất, đất nước bắt đầu rói ren, gian thần hoành hành.
Trần Nghệ Tông (1370-1372) : năm 1369 Dụ Tông mất, do không có con nên vua lập Nhật Lễ làm vua. Nhật Lễ là người dị tộc vốn không mang họ Trần, là con riêng của vợ Trần Nguyên Dục – một người anh của Dụ Tông. Nhật Lễ kém tài, kém đức lại có ý định đổi sang họ tộc của mình là Dương nên khiến quần thần vô cùng bất bình. Trần Phủ là anh của Dụ Tông đã hợp mưu phế thuất Nhật Lễ để lên ngôi hoàng đế, tức Trần Nghệ Tông. Vua cung kính, kiêm ước thì có thừa mà quyết đoán, cương nghị thì không đủ nên nạn bên trong đã được dẹp yên nhưng giặc bên ngoài thì giặc Chiêm Thành hoành hành ngang ngược.
Trần Duệ Tông (1372-1377) : năm 1372, Nghệ Tông nhường ngôi lại cho em là Trần Kính, tức Duệ Tông, rồi lui về làm Thái Thượng hoàng. Duệ Tông là người có tài nhưng tính tình tự phụ. Trong thời gian này giặc Chiêm Thành vẫn hay xâm lấn,cướp phá ở biên cương.
Trần Phế Đế (1377-1388) : năm 1377 vua Duệ Tông thân chinh dẫn 12 vạn quân đánh nước Chiêm Thành. Do khinh thường quân địch nên vua đã rơi vào bẫy phục kích mà tử trận. Thái Thượng hoàng Nghệ Tông thương tiếc nên lập Trần Hiện là con vua Duệ Tông làm hoàng đế, tức Trần Phế Đế. Lúc này bên trong thế lực của họ Hồ đang rất lớn mạnh, bên ngoài phía Nam có giặc Chiêm Thành, phía Bắc có giặc nhà Minh.
Trần Thuận Tông (1388-1398) : vì Phế Đế biết được dã tâm của Hồ Quý Ly nên âm thầm tìm cách trừ khử. Quý Ly biết được bèn xui với Thượng hoàng Nghệ Tông. Nghệ Tông nghe lời phế bỏ Phế Đế rồi đưa con út của mình là Trần Ngung lên ngôi, tức Trần Thuận Tông. Thuận Tông tuổi nhỏ nhu nhược nên mọi quyền hành đều tập trung vào tay Hồ Quý Ly. Sau khi giết được vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga thì mặt trận phía Nam xem như tạm ổn nhưng nội loạn bên trong xem ra ngày càng hỗn loạn.
Trần Thiếu Đế (1398-1400) : năm 1398 Hồ Quý Ly ép vua Thuận Tông nhường ngôi lại cho con nhỏ mới được 2 tuổi là Trần An, tức Thiếu Đế. Họ Hồ còn ép Thuận Tông đi tu và đã cho người theo để ám sát. Thiếu Đế tuổi còn quá nhỏ nên họ Hồ từ đó tung hoàng trong triều đình. Thiếu Đế ở ngôi được 1 năm thì bị ông ngoại là Hồ Quý Ly cướp ngôi, chấm dứt 175 năm cai trị của nhà Trần.
Ý kiến bạn đọc