Hội thảo về chúa Tiên Nguyễn Hoàng ở Quãng Trị 2013

Thứ sáu - 27/09/2013 02:19 602 0
UBND tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học tổ chức hội thảo khoa học “Quảng Trị - đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng”.
Hội thảo về chúa Tiên Nguyễn Hoàng
Hội thảo về chúa Tiên Nguyễn Hoàng
Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1545 - 1613) chọn Ái Tử của Quảng Trị làm đất dựng nghiệp từ năm 1558 và ông đã gắn bó, thủy chung với vùng đất này cho đến lúc ông qua đời tại đây.
Với mong muốn nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan và công bằng về sự kiện lịch sử có ý nghĩa này, làm sáng tỏ vị thế của chúa Tiên Nguyễn Hoàng cũng như đất Quảng Trị với những địa danh Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát trong tiến trình lịch sử dân tộc, ngày 25/9, UBND tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học tổ chức hội thảo khoa học “Quảng Trị - đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng” nhân kỷ niệm 455 năm chúa Tiên Nguyễn Hoàng khởi nghiệp ở Ái Tử và 400 năm ngày mất của ông.
Tham vấn trí thức
Có 33 tham luận là những kết quả nghiên cứu mới, lần đầu tiên công bố tại hội thảo. Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính đánh giá: “Đây là lần đầu tiên một hội thảo khoa học về chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Nguyễn đối với đất Quảng Trị mang tầm quốc gia, được tổ chức”.
Năm 1558, Thái sư Trịnh Kiểm đề xuất vua Lê bổ nhiệm Nguyễn Hoàng làm trấn thủ xứ Thuận Hóa. Làng Ái Tử 455 năm trước khi được Nguyễn Hoàng chọn lập dinh trấn đầu tiên chỉ là một ngôi làng bình thường của huyện Vũ Xương, nay thuộc xã Triệu Ái và thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong.
GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc cho rằng Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá hoàn toàn không lựa chọn cho riêng cá nhân, mà có sự tham vấn của bậc trí thức hàng đầu đất nước Nguyễn Bỉnh Khiêm, được sự chấp thuận và ủy thác của cả chúa Trịnh và vua Lê, nhất là được sự hưởng ứng của đông đảo dân chúng hai vùng Thuận Hóa và Thanh - Nghệ. Đây rõ ràng là một sự lựa chọn công khai, chuẩn xác vì sự phát triển của vương triều Lê - Trịnh và của đất nước, trong bối cảnh vô cùng rối ren và bế tắc ở giữa thế kỷ XVI.

Dựng lại cảnh khi Nguyễn Hoàng vào Ái Tử, dân sở tại dâng “nước” để ông lập quốc
GS Nguyễn Quang Ngọc nhận định đóng góp lớn nhất của chúa Tiên Nguyễn Hoàng là “thực thi một chính sách tương đối độc lập, khai phóng và thân dân, huy động mọi nguồn lực biến Thuận Quảng từ vùng đất đói nghèo trở nên trù phú, năng động và an cư lạc nghiệp, làm cơ sở cho việc triển khai chặng đường nước rút của công cuộc mở cõi và định cõi của dân tộc Việt Nam”.
Nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàn chú ý đến đặc điểm nhân văn của chúa Nguyễn Hoàng, cũng là một lợi thế của nhà chính trị: “Nhờ biết giữ mình, lánh họa, vượt qua hiểm họa, chuyển họa thành phúc, Nguyễn Hoàng đã đặt nền móng quan trọng cho công cuộc phát triển Đàng Trong, mở cõi của các chúa Nguyễn, bắt đầu bằng việc đặt phủ Phú Yên năm 1611. Từ năm 1611 dưới thời chúa Nguyễn Hoàng đến năm 1757 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, trong vòng 146 năm, đất nước đã được mở rộng từ Phú Yên đến Cà Mau".
Ba lần lập dinh trấn
Nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử Nguyễn Xuân Hoa cho rằng trong 55 năm dựng nghiệp ở Quảng Trị, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã ba lần lập dinh trấn. Dinh Ái Tử (1558 - 1570) là vùng đất mới thời khởi nghiệp, nơi thu phục nhân tâm. Dinh Trà Bát (1570-1600) thế phát triển mới của vùng đất Thuận - Quảng. Đầu năm Canh Ngọ 1570, Trịnh Kiểm đã dâng biểu xin vua Lê cho gọi Tổng binh Quảng Nam là Nguyên quận công Nguyễn Bá Quýnh về trấn thủ Nghệ An và giao Nguyễn Hoàng kiêm quản cả hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam. Chính trong tình thế đó, Nguyễn Hoàng đã quyết định dời dinh trấn sang làng Trà Bát, ngôi làng nằm gần Ái Tử, chếch về phía đông bắc. Nay là hai làng Trà Liên Đông, Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong. Có thể nói, khoảng thời gian từ 1570 đến 1600, với 30 năm hình thành và phát triển, dinh trấn Trà Bát đã giữ vai trò là trung tâm hành chính, quân sự và kinh tế của hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam, thực chất là của vùng Đàng Trong về sau.
Lần thứ ba vừa từ kinh đô về lại Trà Bát năm 1600, Nguyễn Hoàng lại quyết định dời dinh trấn từ Trà Bát sang phía đông dinh Ái Tử trước đây, với tên gọi mới là Dinh Cát. Dù ba lần lập dinh trấn, nhưng Nguyễn Hoàng vẫn bám giữ trục Ái Tử làm căn cứ địa, giữ vững vùng đất dựng nghiệp mà mình đã chọn từ buổi đầu tiên, song lần này với một tâm thế khác hơn trước, tâm thế muốn chuyển từ một vị Tổng trấn tướng quân trở thành một "chân chúa", độc lập với uy quyền của Trịnh Tùng vừa mới trở thành chúa Trịnh ở phương Bắc.
Vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm là vì sao Nguyễn Hoàng chọn Quảng Trị làm chỗ dựng nghiệp cho đến khi ông qua đời? Tiến sĩ Phan Thanh Hải cho rằng “vùng “tam dinh” là vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trên vùng đất Thuận Hoá vào giữa thế kỷ XVI. Chỉ đóng lị sở tại Quảng Trị Nguyễn Hoàng mới khống chế được cả tuyến đường thủy bộ Bắc - Nam cả hành lang giao thông và giao lưu kinh tế Đông - Tây (từ cửa khẩu Lao Bảo và các “nguồn” ở phía tây về Cửa Việt). Đây là trung tâm cung cấp hồ tiêu và nhiều loại hương liệu quý cho thị trường nhiều nước trên thế giới".

 
Sau hơn 400 năm đi qua những di tích lịch sử có liên quan đến thời chúa Nguyễn Hoàng nếu không bị chôn vùi dưới lòng sông thì cũng đã biến mất. Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản lịch sử này, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - GS Phan Huy Lê đề nghị cần nghĩ đến một ngôi đền, một công trình tạo hình và một lễ hội để ghi nhận và tôn vinh công lao của chúa Tiên Nguyễn Hoàng. 

Tác giả: Lâm Quang Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập58
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm56
  • Hôm nay687
  • Tháng hiện tại19,376
  • Tổng lượt truy cập2,151,647
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây