Muốn khởi nghiệp thành công, hãy nắm vững nguyên tắc 4S

Thứ sáu - 26/08/2016 21:09 1.514 0

Muốn khởi nghiệp thành công, hãy nắm vững nguyên tắc 4S

Để bắt đầu kinh doanh, bạn cần đặc biệt quan tâm đến bốn yếu tố (4S). Nếu ý tưởng kinh doanh của bạn đã bao hàm hết các yếu tố này, thì theo lý thuyết, bạn có thể sẵn sàng khởi nghiệp.
Các trường kinh doanh thường thích các từ viết tắt hoặc các công thức. Có thể bạn đã từng nghe đến công thức 4P trong marketing (đôi khi có thể là 7P) và 3C trong doanh nghiệp.
Bạn cũng từng ít nhất một lần sử dụng mô hình phân tích SWOT ( điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức)...
Mỗi công cụ đều có giá trị và lợi ích riêng mà bạn có thể áp dụng trong kinh doanh. Tuy nhiên, việc cố gắng áp dụng tất cả các công thức vào một công ty khởi nghiệp là tương đối phức tạp.
Để bắt đầu kinh doanh, bạn cần chú ý đến bốn yếu tố (4S). Nếu ý tưởng kinh doanh của bạn đã bao hàm hết các yếu tố này, thì theo lý thuyết, bạn có thể sẵn sàng khởi nghiệp.
1. Service (Dịch vụ)
Bạn đã xác định được giải pháp cho vấn đề hay vướng mắc của khách hàng chưa?
Giải pháp của bạn có cải thiện được cuộc sống của người tiêu dùng?
Khi sản xuất một sản phẩm hay cung cấp một dịch vụ, công ty của bạn cần đem lại giá trị cho khách hàng. Mặc dù sản phẩm mới liên tục được tạo ra, bạn không cần lãng phí thời gian để nghĩ về những điều đã có sẵn.
Hãy cân nhắc, có nhiều công ty tuyệt vời ra đời vì người sáng lập gặp phải một vấn đề mà chưa có giải pháp trên thị trường. Hoặc nếu giải pháp đã tồn tại, nó chưa đủ, không làm thỏa mãn hoặc quá đắt đỏ.
Tìm ra một vấn đề và biện pháp để giải quyết vấn đề đó.
2. System (Hệ thống)
Bạn có thể sản xuất và cung cấp sản phẩm hay dịch vụ mà mình phát triển?
Người khác có thể sản xuất và cung cấp nó cho bạn được không?
Hãy xác định rõ hệ thống mà bạn sẽ sử dụng để sản xuất và cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Đôi khi, một ý tưởng quá mới hay quá sáng tạo khiến cho việc sản xuất trở nên đắt đỏ, bị hạn chế hoặc không tồn tại. Nhưng một công ty hoặc dịch vụ nào đó có thể giúp bạn sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Thêm vào đó, bạn phải quyết định các vấn đề kinh doanh quan trọng khác, từ cấu trúc công ty cho đến việc quản lý tài chính và hồ sơ giấy tờ. Dù thời gian đầu, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm cho tất cả các công việc hành chính thì sau này bạn có thể giao chúng lại cho những người phù hợp.
Ưu tiên của bạn là đáp ứng và phát triển nhu cầu.
3. Strategy (Chiến lược)
Làm thế nào bạn tiếp cận khách hàng đầu tiên?
Bạn có biết làm cách nào để tìm ra khách hàng thứ một triệu?
Làm thế nào bạn có thể mở rộng quy mô công ty?
Bạn đã bao giờ cân nhắc về việc rời khỏi công ty nhưng vẫn thu được một khoản lợi nhuận?
Nhiều doanh nhân khởi nghiệp với những ý tưởng tuyệt vời, mở công ty và sau đó thất bại chỉ sau một thời gian ngắn khi hết tiền. Có thể họ thiếu khả năng mở rộng doanh nghiệp hay đã đa dạng hóa kinh doanh quá nhiều (hoặc quá ít).
Việc có tầm nhìn và cân nhắc chiến lược ngắn hạn cũng như dài hạn sẽ giúp đảm bảo rằng bạn đang dẫn dắt công ty theo hướng bền vững. Phát triển kế hoạch kinh doanh là một bước tuyệt vời để bắt đầu, nhưng ngày nay, sự linh hoạt là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công.
Hãy cân nhắc về chiến lược giống như bạn đang chuẩn bị cho một chuyến đi dài trên biển. Rõ ràng, bạn cần phải có một bản đồ và một đích đến cùng những công cụ phù hợp. Ngoài ra, bạn cũng cần ý thức rằng mình có thể phải đi chệch hướng so với kế hoạch ban đầu trong trường hợp khẩn cấp.
Kế hoạch ban đầu luôn là thách thức với hầu hết các doanh nhân mới khởi nghiệp bởi họ có quá ít kinh nghiệm và không biết phải mong đợi điều gì. Hãy tìm đến những cố vấn hay nhà đồng sáng lập dày dạn kinh nghiệm. Họ có thể giúp đỡ bạn rất nhiều.
Luôn luôn có một tầm nhìn và một kế hoạch.
4. Spine (Chông gai)
Bạn có đủ can đảm để bắt đầu?
Yếu tố cuối cùng cho kế hoạch khởi nghiệp chính là tìm được dũng khí để bắt đầu. Từ kinh nghiệm của mình, tôi biết rằng nếu bạn thỏa mãn được cả 3 yếu tố trên, chẳng có điều gì khiến bạn lùi bước. Tất nhiên, những yếu tố này chưa đủ để bạn thành công bởi nhiều start-up hội tụ cả 4 yếu tố vẫn từng thất bại.
Có thể bạn sẽ không thành công trong lần kinh doanh đầu tiên. Tôi tin rằng các doanh nhất tốt nhất là những người tự tin. khiêm tốn và luôn nhớ những bài học giá trị từ những thất bại mà họ gặp phải trước đó.
Khởi nghiệp cũng giống như hẹn hò. Buổi hẹn đầu tiên thường ít thoải mái nhất, khi nhiều điều còn là ẩn số và tâm trạng bất an khiến bạn không yên. Nhưng những lần sau, mọi thứ có thể trở nên dễ dàng hơn.
Linh Lam-Entrepreneur

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây