Triệt giải đình cổ nhà Nguyễn để đấu giá đất?

Thứ tư - 23/08/2017 01:29 858 0
TP - Năm 2016, UBND tỉnh TT-Huế quyết định đầu tư dự án khu dân cư Bàu Vá 4, thuộc phường Phường Đúc (thành phố Huế). Dự án ảnh hưởng trực tiếp đến một ngôi đình thời nhà Nguyễn, buộc phải triệt giải, hạ độ cao toàn bộ khu đồi nơi công trình cổ tọa lạc để làm hạ tầng kỹ thuật, phân lô khu dân cư. Phương án này không nhận được sự đồng tình của chính quyền phường và thành phố Huế, với lý do ngôi đình cần được bảo tồn.
Hiện còn nhiều kiến trúc có giá trị về mặt văn hóa, tâm linh và nghệ thuật.
Hiện còn nhiều kiến trúc có giá trị về mặt văn hóa, tâm linh và nghệ thuật.

Đình Lịch Đợi là đình nào?

Theo quyết định trên, chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh TT-Huế (gọi tắt là BQLDA tỉnh) cùng cơ quan chức năng phối hợp bồi thường để tháo dỡ đình làng Lịch Đợi và hạ cốt nền khu đất 1.500m2 còn lại của đình làng.

Trước đó, BQLDA tỉnh tổ chức họp với UBND thành phố Huế, chính quyền, người dân, cùng đại diện các họ tộc phường Phường Đúc về công tác giải phóng mặt bằng liên quan khu đất đình làng. Đến tháng 2/2017, UBND phường Phường Đúc có văn bản gửi UBND thành phố Huế nêu ý kiến về quy hoạch làm ảnh hưởng đến đình làng sắp bị giải tỏa, với lưu ý: “Đình với kiến trúc thời Nguyễn, dáng vẻ đẹp, kiến trúc cảnh quan còn có nhà bia, trụ biểu còn khá nguyên vẹn. Khu vực này đang quy hoạch khu dân cư, nên vị trí đình làng có ảnh hưởng, dễ xảy ra biến dạng chức năng thiết chế văn hóa cơ sở, làm mất đi nơi sinh hoạt tín ngưỡng, cũng như sinh hoạt văn hóa của nhân dân”.

Theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn thành phố Huế hiện nay không có ngôi đình nào là Lịch Đợi như trong hồ sơ dự án của BQLDA tỉnh. Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc tùy tiện định danh như vậy đối với công trình kiến trúc xưa khi làm hồ sơ dự án khu dân cư dễ gây hiểu nhầm đây là ngôi đình có lai lịch không rõ ràng, thậm chí không có giá trị gì về văn hóa, lịch sử. Theo TS Trần Đình Hằng, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, không có ngôi đình nào tên là Lịch Đợi ở đất Huế, mà chỉ có miếu Lịch Đại (Đợi) Đế vương. Khu vực xung quanh miếu Lịch Đợi nay đã bị “địa danh hóa” thành vùng Lịch Đợi theo cách gọi dân gian, thuộc phường Phường Đúc, Huế.

Còn ngôi đình Lịch Đợi ghi trong hồ sơ dự án khu dân cư Bàu Vá 4 chính xác là đình Đệ Cửu (đệ cửu phường), hình thành từ khi người Pháp dồn dân thành lập thị xã Huế và chia Huế thành 9 phường (cửu phường). Ngôi đình này thuộc phường thứ 9 nên có tên là đình Đệ Cửu. Trong khuôn viên đình hiện còn lưu giữ tấm bia đá bằng chữ Hán lập năm Mậu Thân (1908), dưới thời vua Duy Tân, ghi công đức của những nhà hảo tâm trong buổi đầu mới lập ra Đệ Cửu phường.

UBND thành phố Huế kiến nghị bảo tồn

Trước quyết định tháo dỡ đình làng, hạ cốt nền khu đất đình làm khu dân cư do tỉnh TT-Huế phê duyệt, cuối tháng 6/2017, UBND thành phố Huế có công văn gửi UBND tỉnh kiến nghị bảo tồn đình làng. Công văn nêu rõ, đình làng tuy hư hỏng, xuống cấp, nhưng nhiều kiến trúc còn lại vẫn mang giá trị rất lớn về mặt văn hóa, tâm linh và nghệ thuật. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư sẽ khai thác phần lớn đất đình làng, tạo lô đất ở sát lưng đình làng, cộng thêm 6 lô đất ở khác phía trước mặt tiền nằm hoàn toàn trên đất đình… sẽ gây sụp đổ, không thể phục hồi, trùng tu, tôn tạo hay giữ lại kiến trúc ban đầu, chắn lối vào đình, phá vỡ kiến trúc vốn có và không phù hợp với tâm linh, tín ngưỡng của người dân xứ Huế. Do đó, UBND thành phố Huế đề nghị giữ lại các lô đất ở đã được quy hoạch như nêu trên để dùng làm đất tín ngưỡng thuộc đình làng, sử dụng trồng cây xanh tạo cảnh quan và giữ gìn các giá trị cho đình làng.

Trước vấn đề này, Sở Xây dựng TT-Huế hiện kiến nghị UBND tỉnh giao Sở VHTT chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan xác định cụ thể giá trị văn hóa của ngôi đình, để quyết định có nên nghiên cứu, điều chỉnh lại dự án khu dân cư Bàu Vá 4 hay không?

Tác giả: Ngọc Văn (Báo TP)

Nguồn tin: tienphong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây