Phải chăng không thể dời bãi đỗ xe trên đất di tích lăng Khải Định sang khu ruộng lúa thuộc làng Châu Chữ sát đó “do là đất nông nghiệp nên thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rất khó khăn” ?
(Bình luận thư TS Phan Thanh Hải – GĐ TTBTDT Cố đô Huế gởi cho Nguyễn Đắc Xuân về vụ xây dựng bãi đỗ xe tham quan lăng Khải Định)
ĐỂ BẢO VỆ CẢNH QUAN DI SẢN VĂN HÓA HUẾ CHO ĐỜI NẦY VÀ MUÔN ĐỜI SAU, NGÀY 27-7-2017 TÔI GỞI CHO TS PHAN THANH HẢI – GIÁM ĐỐC TTBTDT CỐ ĐÔ HUẾ MỘT LÁ THƯ ĐỀ NGHỊ ÔNG CHO CHUYỂN VIỆC XÂY DỰNG BÃI ĐỖ XE TRÊN KHU ĐẤT LƯU ĐỨC 5000m2 THUỘC LĂNG KHẢI ĐỊNH - DI SẢN THẾ GIỚI, QUA KHU RUỘNG LÚA THUỘC LÀNG CHÂU CHỮ Ở BÊN CẠNH. TS PHAN THANH HẢI KHÔNG ĐỒNG TÌNH VÀ HỒI ĐÁP CHO TÔI MỘT THƯ GIẢI TRÌNH VỀ CHỦ TRƯƠNG CỦA TTBTDT CỐ ĐÔ HUẾ VỀ VIỆC XÂY DỰNG BÃI ĐỖ XE NÓI TRÊN. LÁ THƯ CỦA TÔI GỞI CHO TS PHAN THANH HẢI, TÔI ĐÃ CÔNG BỐ TRÊN FB CỦA TÔI VÀO NGÀY 28-8-2017. NAY TÔI XIN BÌNH LUẬN LÁ THƯ CỦA TS PHAN THANH HẢI GỞI CHO TÔI (XEM ẢNH H1.H2.H3 Ở DƯỚI). ĐỂ TIỆN VIỆC BÌNH LUẬN TÔI CHÉP NGUYÊN VĂN LÁ THƯ VÀ DỪNG LẠI TỪNG ĐOẠN GHI TIẾP Ý KIẾN PHẢN BIỆN CỦA TÔI. RẤT MONG ĐƯỢC TÁC GIẢ LÁ THƯ VÀ BẠN ĐỌC CHẤP NHẬN CHO CÁCH BÌNH LUẬN THÔ THIỂN CỦA TÔI DƯỚI ĐÂY. CÁM ƠN. NĐX.
*
Thư của TS Phan Thanh Hải gởi cho
Nguyễn Đắc Xuân
Thừa Thiên Huế, ngày 28 tháng 7 năm 2017
TS Phan Thanh Hải (TS PTH) Kính gửi: Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐẮC
Ngày 27/7/2017, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhận được Thư nêu ý kiến của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đề ngày 27/7/2017 gửi TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế về việc góp ý một số vấn đề liên quan dự án đầu tư xây dựng Bãi đỗ xe phục vụ khách tham quan Lăng Vua Khải Định. Sau khi tiếp nhận và nghiên cứu nội dung thư góp ý, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có ý kiến phúc đáp như sau:
1. Trước hết, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xin chân thành cám ơn Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã dành sự quan tâm gắn bó và đồng hành với nhiều công việc của Trung tâm trong thời gian qua cùng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và kỹ thuật của Trung tâm hoàn thành được nhiều công việc góp phần nâng tầm giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất Cố đô Huế.
2. Về các ý kiến liên quan dự án đầu tư xây dựng Bãi đỗ xe phục vụ khách tham quan Lăng Vua Khải Định.
2.1 Vị trí xây dựng bãi đỗ xe:
TS PTH.- Dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe phục vụ khách tham quan Lăng Vua Khải Định được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt tại Quyết định số 1443/QĐ-UBND ngày 28/7/2015 trên cơ sở đề nghị Giám đốc Xây dựng Thừa Thiên Huế tại Tờ trình số 927/TTr-SXD ngày 17/7/2015, ý kiến thỏa thuận của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tại văn bản số 4165/BVHTTDL-DSVH ngày 18/11/2014, ý kiến của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tại văn bản số 1730/SVHTTDL-DSVH ngày 25/9/2014, ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 1961/TTr-SKHĐT ngày 29/9/2014.
Nguyễn Đắc Xuân (NĐX). Thị lực mắt của tôi chỉ còn ¼, tôi phải dùng kính lúp mày mò cố gắng lắm mới đọc hết được đoạn trích nầy. Tôi không tìm thấy văn bản đầu tiên nào của Trung Tâm Bảo Tồn Di Tích Cố Đô Huế (viết tắt là TT) xin phép sở Xây dựng được xây Bãi đỗ xe trên đất di tích lăng Khải Định rồi sau đó sở Xây dựng mới đề nghị với UBND tỉnh phê duyệt. Không phải tự nhiên mà sở Xây dựng làm việc đó? Mà khi TT xin xây dựng trên đất của di tích thì mắc chi mà sở Xây dựng không OK? Tôi rất mong TT công bố văn bản đó của TT! Tôi cũng rất khó hiểu từ những việc nhỏ như mở quán cà-phê trong nhà Đức Từ Cung, việc xây dựng nhà hàng lớn trong vườn Cung An Định, việc Trùng tu Phu Văn Lâu, việc trùng tu Nghinh Lương Đình v.v. TT đều có thông qua Hội đồng tham vấn khoa học của TT. Tại sao việc xin phép xây dựng bãi đỗ xe trong khu đất thuộc di tích lăng Khải Định – Di sản thế giới, TT lại không hề tham vấn ý kiến Hội đồng do TT đã hình thành từ mấy chục năm qua? Hay TT thấy đưa ra tham vấn Hội đồng thì sẽ có ý kiến phản biện “rách việc” như trường hợp ở Cung An Định? Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch là cơ quan quốc gia quản lý toàn bộ di sản của đất nước, những dự án, chương trình gì liên quan đến di sản nếu có đầy đủ chứng từ, hồ sơ đúng pháp luật thì Bộ quyết định cho, nếu chưa đầy đủ thì chưa cho chứ tại sao lại có chuyện cho phép bằng sự thỏa thuận? Thỏa thuận là đồng ý với nhau về những điều kiện nào đó có quan hệ đến hai bên. Là một nhà nghiên cứu, một nhà báo từng ngăn chặn được dự án TTBTDT Cố đô Huế xây bãi đỗ xe tham quan Đại Nội trên nền cũ Phủ Tôn Nhơn cách đây trên 20 năm, tôi chưa hề biết có chuyện Bộ VHTT&DL đi “thỏa thuận” với cấp dưới vi phạm di tích như thế. Với tư cách là một thành viên của Hội đồng tham vấn của TT tôi tha thiết mong TT cho tôi biết sự thực nội dung cuộc thỏa thuận nầy như thế nào. Mong TT giúp tôi để ông già 80 tuổi mắt mờ tai điếc vì sự nghiệp bảo vệ Huế khỏi phải chống gậy ra Trung ương thỉnh cầu Bộ VHTT&DL giải thích hộ! Không rõ các vị lãnh đạo TT ngày nay có biết ở Huế từng có vụ Cty Vietnam Hotel Project B.V. Hà Lan thuê được Đồi Vọng Cảnh xây dựng Life Resort, Công Ty Luksvaxi – Trung Quốc mua được được khu đất Bảo tàng Chủ tịch HCM tại số 7 đường Lê Lợi để làm Nhà Nghỉ đều đã trả tiền, được tất cả các cơ quan chức năng từ cơ sở lên đến Trung ương cấp phép, đã được động thổ xây dựng nhưng vì không hợp lòng dân - người chủ đã đổ bao nhiêu xương máu cho mảnh đất nầy - đều đã phải hủy bỏ, phải rút lui. So với Đồi Vọng Cảnh và số 7 Lê Lợi, khu đất di tích bên trái lăng Khải Định quan trọng hơn nhiều. Rút kinh nghiệm TT nên lắng nghe việc xây dựng bãi đỗ xe trên đất di tích lăng Khải Định đã được lòng dân chưa? Tôi đang chờ câu trả lời nầy của TT.
TS PTH.- Vị trí bãi đỗ xe nằm tại khu đất trống thuộc khu vực II khoanh vùng bảo vệ di tích Lăng Vua Khải Định có diện tích 4.975m2, thuộc loại công trình dịch vụ góp phần phát huy giá trị di tích nên chủ đầu tư đã có văn bản xin ý kiến thỏa thuận của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và đã được Bộ thống nhất thỏa thuận tại văn bản trên.
NĐX.- Xin hỏi TT “khu đất trống thuộc khu vực II khoanh vùng bảo vệ di tích Lăng Vua Khải Định có diện tích 4.975m2” có thuộc khu di tích lăng Khải Định không? Khu đất nầy thuộc di tích thì TT phải có trách nhiệm bảo tồn chứ tại sao TT lại đi thỏa thuận với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng bãi đỗ xe để làm kinh tế cho TT ? TT lại quan niệm xây dựng bãi đỗ xe trên đất di tích để “ góp phần phát huy giá trị di tích”. Trời đất ơi, một ông Tiến sĩ Giám đốc một Trung tâm Bảo tồn Di tích mang tầm quốc tế mà quan niệm phát huy giá trị di tích bằng một bãi đỗ xe như thế thì tôi không thể nào hiểu được. Giá trị của di tích và cái bến xe không dính dáng gì với nhau cả. Di tích có giá trị thực sự thì không có chỗ để xe thì khách tham quan cũng sẽ đi bộ đến chiêm ngưỡng. Phát huy giá trị của di tích thông thường là in sách, ảnh, làm đĩa, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm, chương trình quảng cáo, trong và ngoài nước, thuyết minh thông thạo nhiều ngoại ngữ.v.v. chứ sao lại đi làm bến xe là lãnh vực của giao thông, của ngành kinh doanh du lịch chứ ? Hằng ngày có hàng vạn khách du lịch đến Bảo tàng Louvre, Cung điện Versailles ở Pháp có ai thấy có cái bến xe nào ở gần hai nơi đó đâu? Chắc chắn hai cơ quan Bảo tàng Louvre và Versailles không bao giờ đi lo việc xây dựng bến xe cho khách đến tham quan Bảo tàng.
TS PTH.- Kết quả nghiên cứu các tư liệu và hình ảnh lịch sử cho biết, khu vực này vốn là bãi tập kết vật liệu xây dựng lán trại công trường của lính, thợ, phu xây dựng lăng Vua Khải Định (thời kỳ 1920-1931). Hiện nay, tại khu vực này vẫn còn một chiếc giếng cổ - vốn là giếng được đào để cung cấp nước sinh hoạt cho lính, thợ ngày xưa. Dự án có nội dung bảo tồn và phát huy giá trị chiếc giếng cổ này.
NĐX.- Xin hoan nghinh TT đã có chủ trương giữ lại cái giếng cổ. Nhưng xin hỏi, cái giếng nằm trên khu đất của di tích ngày xưa dùng làm nơi tập trung vật liệu xây dựng lăng Khải Định cũng là đất cổ của di tích, vì sao giữ giếng lại không giữ khu đất có cái giếng cổ? Đã giữ cái giếng cổ thì phải giữ khu đất có cái giếng cổ chứ? Đất của di tích thì TT mới có quyền quản lý. TT có quyền gì lấy đất của di tích xây bãi đỗ xe làm kinh tế cho TT?
TS PTH.- 2.2 Khu vực xây dựng Bãi đỗ xe nằm ngoài khu vực tiền án của Lăng Vua Khải Định (có bản vẽ tổng mặt bằng kèm theo), qua tham khảo ý kiến của nhà nghiên cứu phong thủy Vĩnh Cao thì đây là vị trí phù hợp để xây dựng bãi đỗ xe phục vụ khách tham quan. Nếu xây dựng bãi đỗ xe tại đây sẽ góp phần bồi đắp, nâng cao khu đất, giữ vững vị trí bên tả trước mặt lăng Vua Khải Định.
NĐX.- Về vấn đề phong thủy của một ngôi lăng vua nó có ảnh hưởng đến quốc gia chứ không riêng gì với cá nhân vua và dòng họ vua. Vì thế tôi đã nghe thầy Trần Tiễn Hy kể chuyện vua Khải Định đã nhờ Phó bảng Nguyễn Đình Hiến tìm đất xây dựng lăng vua Khải Định khó khăn đến như thế nào. Về sau vua Khải Định cho ông Hiến làm Phủ Doãn Thừa Thiên). Sau một trăm năm xây dựng lăng vua Khải Định (1920-2017) đến nay sự kiện quan trọng đầu tiên liên quan đến vấn đề phong thủy lăng Khải Định là việc xây dựng bãi đỗ xe bên tả trước lăng Khải Định. Vì thế tôi nghĩ anh Vĩnh Cao cán bộ của TT chắc đã thiết kế cho TT một bản đồ phương vị về phong thủy của lăng Khải Định. Và theo nguyên tắc sở Xây dựng khi cấp phép cho TT xây dựng bến xe phải duyệt qua Bản đồ phương vị nầy, khi thấy không vi phạm mới cấp phép. Đề nghị TT cho công bố bản đồ nầy để biết vị trí xây dựng bến xe nằm trong hay nằm ngoài tiền án của lăng Khải Định. TT chỉ nghe cán bộ của mình nói mà không có văn bản mà TT vẫn tin là TT đã sai phạm về nguyên tắc xây dựng đề án công trình. Nếu không có bản phương vị nầy mà sở Xây dựng vẫn duyệt cho xây dựng thì sở Xây dựng sai khi đề nghị UBND tỉnh duyệt cho phép. Nếu đúng như thế thì Quyết định số 1443/QĐ-UBND ký ngày 28/7/2015 của UBND không có giá trị.
TS PTH.- 2.3 Theo qui mô thiết kế được phê duyệt: (căn cứ kết quả điều tra, khảo sát tình hình thực tế và số liệu tổng hợp lượng khách tham quan từ năm 2011 đến 2014 kết hợp với dự báo tốc độ tăng trưởng đến năm 2025).
- Bãi xe phục vụ cùng lúc cho 31 xe ô tô (trong đó có: 12 xe 45 chỗ, 9 xe dưới 30 chỗ, 10 xe dưới 7 chỗ) và khoảng 30 xe máy, xe đạp cho cán bộ nhân viên và khách tham quan.
- Diện tích bố trí để trồng cây xanh thảm cỏ: 1240m2, chiếm tỷ lệ 25% diện tích khu đất xây dựng bãi đỗ xe (chưa kể diện tích cây xanh được giữ lại tại khu vực vành đai bảo vệ và khu vực ven theo khe Châu Ê).
NĐX. Với tính toán của TT “Bãi xe phục vụ cùng lúc cho 31 xe ô tô” cho đến năm 2025. Lăng Khải Định nếu không bị động đất chôn vùi thì cũng tồn tại ít nhất đến năm 2117. Sau năm 2025 đến năm 2117 lượng khách du lịch đến tham quan lăng Khải Định đông gấp đôi gấp ba lần so với năm 2015 thì lấy đất đâu mà mở rộng bến xe lớn hơn gấp hai gấp ba lần để phục vụ khách? Phải chăng tầm nhìn của TT chỉ giới hạn đến lúc các vị về hưu thôi sao? Cái tầm nhìn chỉ biết lợi ích cục bộ sẽ để lại hậu quả vô cùng khó khăn cho các thế hệ tương lai. Để hướng đến tương lai tốt đẹp tôi đã đề nghị chuyển nơi xây dựng bến xe qua các ruộng lúa làng Châu Ê ngay bên kia đường của khu đất xây dựng bến xe ngày nay.
TS PTH.- 2.4 Ranh giới bãi đỗ xe giới tiếp giáp với khe Châu Ê được xây dựng một kè đá hộc để chắn đất nâng cao trình bãi đỗ xe và bảo vệ dòng kênh Châu Ê, vị trí kè chắn đất cách mép nước trung bình của khe Châu Ê bình quân từ 7 đến 10m.
NĐX.- Con khe Châu Ê chảy từ trái sang phải đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong phong thủy lăng Khải Định. Con khe thiên nhiên nầy chảy ra sông Hương bao đời nay đẹp là nhờ phong cảnh hai bên bờ rất hài hòa của nó. Nay xây dựng bãi đỗ xe nhận con khe xuống tầng sâu trở thành một con kênh nhỏ thoát nước mà thôi. Công trình bãi đỗ xe phá hoại cảnh quan khe Châu Ê.
TS PTH.- 2.5 Đơn vị thi công đã có bản vẽ phối cảnh công trình bãi đỗ xe, được dựng tại khu vực phía trước tiếp giáp với tuyến đường hiện có. Tuy nhiên, vị trí này hơi khuất tầm nhìn nên Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ cho thay đổi ví trí để đảm bảo thuận lợi hơn và an toàn cho các phương tiện giao thông.
NĐX.- Đúng là khi đi khảo sát thực tế công trường xây dựng bãi đỗ xe lăng Khải Định tôi không thấy “Bản vẽ phối cảnh công trình bãi đỗ xe”. Được TT nhắc tôi, tôi lên xem lại thì thấy quả là tôi đã không thấy bản vẽ ấy. Đó là một thiếu sót và xin cám ơn TT. Tuy nhiên nhờ đó mà tôi lại phát hiện được một điều lạ: Tấm pa-nô chỉ vẽ phối cảnh công trình bãi đỗ xe với chú thích 6 hạng mục chính ngoài ra không hề có một chữ nào cho biết địa điểm, ai là chủ đầu tư, ai tư vấn thiết kế, ai tư vấn giám sát, ai tư vấn quản lý dự án, đơn vị nào thi công, thời gian xây dựng công trình. Đây là một sự vi phạm trong quy chế xây dựng một công trình mới. Như có báo đã hỏi: “Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có phải đang cố tình né tránh báo chí, dư luận và không cho mọi người tìm hiểu việc xây dựng ở đây?”Đề nghị TT giải thích về sự vi phạm nầy!
TS PTH.- 2.6 Theo ý kiến đề xuất của Nhà nghiên cứu chọn ví trí bãi đỗ xe tại khu vực trồng lúa: do là đất nông nghiệp nên thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rất khó khăn và theo ý kiến của Sở Xây dựng góp ý cho dự án này thì vị trí xây dựng bãi đỗ xe hiện tại là phù hợp và đảm bảo an toàn giao thông nhất trong khu vực.
NĐX.- TT không đồng ý “vị trí bãi đỗ xe tại khu vực trồng lúa” của tôi vì “do là đất nông nghiệp nên thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rất khó khăn”. Xin hỏi TT đã đi xin chưa mà biết rất khó khăn? Hằng ngày TT đi về trên đoạn đường từ rừng thông Thiên An lên lăng Khải Định trước đây có thuộc thổ cư đâu thế mà hàng chục biệt phủ, công trình nhà ở của tư nhân đang mọc lên như nấm. Tư nhân lo cho họ chắc cũng khó khăn mà họ làm được. Còn TT thực hiện một công trình phục vụ cho sự nghiệp công (Di sản thế giới) hàng trăm năm mà lo không được sao?
Tôi đã nghiên cứu kỹ bãi ruộng của làng Châu Chữ thuộc Thị xã Hương Thủy quê hương của tôi, rồi tôi mới đề nghị TT chuyển địa điểm xây dựng bãi đỗ xe qua đó. Bãi đỗ xe kèm theo nhiều dịch vụ như nghỉ ngơi, ăn uống, giải khát, mua bán hàng lưu niệm, hoa quả, sẽ giúp cho dân Châu Chữ của Thị xã Hương Thủy có thêm công ăn việc làm, giúp làng Châu Chữ phát triển theo hướng đô thị hóa, dân chúng được nhờ mà Thị xã Hương Thủy lại có thêm một nguồn thu thuế nữa quý biết bao! Có cái ông Chủ tịch Thị xã nào lại đi làm khó dễ phức tạp TT trong việc dành một bãi ruộng để biến thành một điểm kinh doanh mang tính đô thị bên cạnh một di sản thế giới. Nếu TT muốn tôi sẽ chống gậy theo TT về Thị xã Hương Thủy quê tôi đảnh lễ lãnh đạo Thị xã giải quyết ngay những khó khăn của TT, OK?
TS PTH.- 2.7 Sau khi xây dựng xong bãi đỗ xe mới, thì tại khu vực phía trước Lăng hiện sử dụng làm bãi đỗ xe tạm trong nhiều năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang chỉ đạo các bộ phận chuyên môn triển khai nghiên cứu xây dựng phương án bảo tồn tu bổ và phục hồi thích nghi toàn bộ khu vực này – chính là tiền án của Lăng Vua Khải Định. Và khu vực này sẽ kết nối với bãi đỗ xe bằng một chiếc cầu nhỏ, xây bằng gạch đá với kiểu dáng kiến trúc phù hợp để tạo điểm nghỉ ngơi thư giãn, ngắm cảnh và chụp ảnh lưu niệm của khách tham quan. Trong quá trình xây dựng phương án thiết kế phục hồi tại khu vực này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chuẩn bị kế hoạch dự kiến báo cáo xin ý kiến của các cơ quan quản lý chức năng liên quan và Hội đồng khoa học như các dự án đã thực hiện.
3. Trong quá trình triển khai dự án xây dựng bãi đỗ xe lăng Vua Khải Định, Trung tâm đã chỉ đạo đơn vị thi công và bố trí lực lượng giám sát thường xuyên theo dõi để đảm bảo hạn chế tối đa các ảnh hưởng bất lợi cho du khách và môi trường cảnh quan khu vực, đảm bảo không tác động đến khe Châu Ê và các yếu tố phong thủy của khu lăng.
Trung tâm xin phúc đáp các ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và một lần nữa xin cám ơn sự quan tâm đầy trách nhiệm của nhà nghiên cứu và luôn mong muốn được tiếp tục tiếp thu ý kiến của nhà nghiên cứu nói riêng và của cộng đồng nói chung với tinh thân luôn gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của quần thể di tích Cố đô Huế một cách bền vững và hiệu quả.
Giám đốc TTBTDT Cố đô Huế
Phan Thanh Hải
Ký tên và đóng dấu
*
NĐX.- Tôi cám ơn TT đã hồi âm ý kiến trong thư góp ý của tôi. Những ý kiến phản biện thư hồi âm của TT trên đây chỉ gói gọn trong những gì TT nêu trong thư hồi âm. Nếu TT vẫn thấy những phản biện của tôi về những vấn đề TT nêu trong thư hồi âm không có giá trị và TT vẫn tiếp tục công việc xây dựng Bãi đỗ xe trên đất di tích thì tôi sẽ chưa dừng lại ở đây. Theo tôi đây là một vấn đề có liên quan đến di sản thế giới, có giá trị đến muôn đời sau, cho nên nó liên quan đến Bộ VHTT&DL và cũng có thể lên đến Chính phủ cho nên vấn đề có thể không giải quyết được giữa TT và người cầm bút xứ Huế Nguyễn Đắc Xuân. Trong hoàn cảnh các nhóm lợi ích đang hoành hành hiện nay, rồi ra TT có thể sẽ khánh thành Bãi đỗ xe trên khu đất lưu đức của lăng Khải Định vào tháng 5-2018. Tôi biết thế nhưng tôi vốn là người đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ Đồi Vọng Cảnh, Bảo vệ khu đất xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Huế ngày nay, đã chặn đứng được việc TTBTDT Cố đô Huế (thời Thái Công Nguyên làm Giám đốc TT) xây dựng Bãi đỗ xe trên nền cũ Phủ Tôn Nhơn trước cửa Hiển Nhơn v.v. cho nên tôi không thể ngồi yên khi thấy khu đất lưu đức 5000m2 bên tả trước lăng Khải Định biến thành Bãi đỗ xe phá vỡ cả cảnh quan vô giá của khu lăng nầy. Vào cuối đời tôi có thể trở thành người thất bại, nhưng tôi tin các thế hệ con cháu tôi sau nầy biết được con đường bảo vệ văn hóa của dân tộc.
Tôi chờ ý kiến của TS Phan Thanh Hải – GĐ TTBTDT Cố đô Huế, các ngành chức năng văn hóa xã hội ở TTH và các nhà văn hóa, bạn đọc gần xa. Kính chào tất cả.
Huế, ngày cuối tháng 8 – 2017
Nguyễn Đắc Xuân
Xem hình ảnh kèm theo dưới đây:
H1.H2.H3: Bản sao thư của TS Phan Thanh Hải gửi NNC Nguyễn Đắc Xuân ngày 28.7.2017
H4: Bản vẽ phối cảnh công trình bãi đỗ xe trước mặt lăng Khải Định không có chú thích 6 hạng mục chính ngoài ra không hề có một chữ nào cho biết địa điểm, ai là chủ đầu tư, ai tư vấn thiết kế, ai tư vấn giám sát, ai tư vấn quản lý dự án, đơn vị nào thi công, thời gian xây dựng công trình.
H.5: Bản vẽ dự án xây dựng bãi đỗ xe ở lăng Tự Đức có ghi rõ tất cả các thông tin cần phải có trên bản vẽ của một dự án.