Hôm qua 18.10, tại Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam giữa thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX” nhằm kỷ niệm 450 năm ngày chúa Nguyễn Hoàng vào Nam dựng nghiệp (1558-2008). Tham dự hội thảo có đông đảo các nhà khoa học, sử học của Việt Nam cũng như các giáo sư, chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam đến từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Nga...
Sau Cách mạng Tháng Tám, từ năm 1954 cho đến năm 1975, trong giới nghiên cứu lịch sử đã xuất hiện khuynh hướng phê phán gay gắt các chúa Nguyễn cũng như chúa Trịnh và đặc biệt là vương triều Nguyễn thế kỷ XIX. Đến khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước công việc nghiên cứu về thời kỳ lịch sử này đã được triển khai và đạt được nhiều thành tựu mới theo xu hướng tư duy khách quan, trung thực... Ít nhất cũng đã có gần 20 cuộc hội thảo với nhiều công trình khoa học nghiên cứu, cũng như tranh luận liên quan đến chủ đề "Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam giữa thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX" nhưng cho đến nay vẫn còn khá nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí còn trái ngược nhau khi đánh giá về chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn...
Tại hội thảo tầm cỡ quốc gia lần này, các nhà khoa học, các sử gia trong và ngoài nước sẽ đi sâu nghiên cứu trong phạm vi thời gian từ năm 1558 khi chúa Nguyễn Hoàng rời quê hương Thanh Hóa vào Đàng Trong nhậm chức Trấn thủ xứ Thuận Hóa xứ Quảng Nam cho đến khi vương triều Nguyễn bị thất bại trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp 1884. Giữa thời kỳ chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn có thời kỳ Tây Sơn tính từ khi cuộc khởi nghĩa bùng nổ năm 1771 cho đến khi chính quyền cuối cùng của chính quyền Tây Sơn là triều vua Quang Toản thất bại năm 1802... Từ khi đất nước ta bị Pháp xâm chiếm thì vai trò và tính chất của vương triều Nguyễn đã thay đổi hoàn toàn, vì vậy hội thảo sẽ không đi sâu nghiên cứu về hai phân khúc thời gian này...
Trong báo cáo đề dẫn của mình giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhận định: đây là giai đoạn lịch sử có những nguồn tư liệu phong phú, đa dạng nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam. Mẫu số chung của các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước những năm gần đây là thống nhất cần phải khai thác những nguồn tư liệu phong phú, phân tích và xử lý một cách khoa học để nâng cao nhận thức về thời kỳ lịch sử này một cách khách quan - trung thực và công bằng, trả lại các giá trị đích thực cho các triều vua chúa nhà Nguyễn cũng như các nhân vật lịch sử, cũng như phân tích cả những hạn chế của chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử dân tộc, từ đó đi đến những kết luận khách quan hơn trong việc biên soạn các bộ sách giáo khoa, các giáo trình chuẩn về lịch sử Việt Nam, đồng thời rút ra những đánh giá chung làm cơ sở xác định phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn.
Tác giả: Ngọc Minh
Nguồn tin: thanhnien.vn
Ý kiến bạn đọc