NỖ LỰC BẢO TỒN DI TÍCH LĂNG MỘ ĐỨC BÀ TÀI NHÂN CỦA VUA TỰ ĐỨC
Ngày 19/6/2017, khuôn viên lăng mộ của đức bà Tài Nhân của vua Tự Đức, đã bị Công ty TNHH Thương Mại và Dịch Vụ Chuỗi Giá Trị san ủi để thực hiện dự án làm bãi đỗ xe tham quan lăng vua Tự Đức, theo dự án của tp Huế. Toàn bộ khuôn viên của lăng mộ đã bị sang bằng. Chỉ sau khi bị phát hiện, có sự phản đối mạnh mẽ của bà con Nguyễn Phước Tộc, và sự lên tiếng kịch liệt của các cơ quan truyền thông, người của Công ty mới tạm dừng thi công dự án.
Một số bà con dòng tộc Nguyễn Phước đã lập Nhóm khởi kiện, ủy quyền cho các ông Vĩnh Khánh và Bảo Kỳ, với sự giúp đỡ (miễn phí) của luật sư Công ty Luật TNHH Hoàng Giao & Cộng sự, đã ký văn bản gửi tới Cơ quan điều tra Công an TP. Huế (25/07/2017), yêu cầu khởi tố vụ án xâm phạm lăng mộ bà Tài Nhân.
Với đơn khiếu nại, kêu cứu của Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phước Tộc - Huế (HĐTS NPT) gửi đến nhiều nơi không nhận được phản hồi, thì sau khi nhận được đơn yêu cầu khởi tố vụ án của Nhóm khởi kiện, ngày 02/8/2017, Đội trưởng Cảnh sát Điều tra Công an TP. Huế với sự hiện diện của Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Huế, đã trực tiếp chỉ đạo và tiến hành giám định khu vực lăng mộ đã bị san ủi, tại các vị trí: Nền móng la thành lăng, móng cổng của lăng, xác định vị trí kim tĩnh của lăng (phần tường gạch vồ xây quanh bên ngoài huyệt mộ). Phía công an đã mời ông Vĩnh Khánh có mặt trong buổi giám định này với tư cách là một trong hai người được ủy quyền ký đơn yêu cầu khởi tố. Ông Vĩnh Khánh đã có mặt tại hiện trường cùng với phóng viên Đài Truyền hình Huế TRT (cũng là con cháu Nguyễn Phước tộc) cùng một số phóng viên khác. Với nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu lăng mộ, ông Vĩnh Khánh đã tư vấn cho cơ quan công an xác định đúng vị trí của tường gạch của Kim tĩnh, tránh động chạm tới huyệt mộ. Sau khi bóc xong một lớp đất dày 30 cm tính từ mặt nền đất cũ, 2 viên gạch vồ mặt trên cùng của tường gạch kim tĩnh lộ diện, cơ quan công an đã chụp hình, đo đạc xác nhận. Kết thúc giám định, vào hồi 09:51 ngày 02/8/2017, cơ quan công an đã lập biên bản giám định, các bên có mặt đều ký xác nhận.
Ngay sau khi kết thúc cuộc giám định ông Vĩnh Khánh đã gặp ông Hậu (là người được mời giúp bóc đất tại vị trí này) đề nghị giúp hoàn thổ lớp đất dày 30cm với diện tích khoảng 70 cm đường kính mà trước đó được bóc lên nhằm xác định vị trí tường kim tĩnh. Ông Hậu hứa sẽ thực hiện yêu cầu này ngay chiều ngày 02/08/2017 và vui vẻ nhận tiền thù lao 100 nghìn đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Hậu chỉ tiến hành hoàn thổ vào lúc 11giờ 20 sáng ngày hôm sau (03/08/2017). Điều này đã gây bức xúc từ phía ông Lê Văn Thiện (là con cháu dòng họ Lê của bà Tài Nhân). Ông Lê Văn Thiện đã trực tiếp có ý kiến với ông Hậu về việc này. (Về việc này môt số bà con NPT đã có phản ứng dữ dội đối với ông Vĩnh Khánh)
Triển khai các công việc tiếp theo, ngày 05/8/2017 Nhóm khởi kiện đã mời LS.TS. Hoàng Ngọc Giao từ Hà Nội vào Huế làm việc trong ba ngày 5, 6 và 7/8/2017 (LS.TS. Hoàng Ngọc Giao thuộc dòng tộc Hoàng Công tại làng Dưỡng Mong, đã vui vẻ nhận lời trợ giúp pháp lý miễn phí cho toàn bộ vụ việc). Với tâm nguyện đóng góp cho công việc chung, cá nhân Liên Quốc từ miền Nam ra tham gia cùng với ông Vĩnh Khánh cũng đã thông báo và mời ông Bửu Hồng, phó chủ tịch HĐTS NPT và ông Vĩnh Dõng thư ký HĐTS NPT, cùng làm việc với Luật sư. Rất đáng tiếc, các ông Bửu Hồng và Vĩnh Dõng đã không thu xếp được thời gian để làm việc với Luật sư.
Trong mấy ngày làm việc với Luật sư, một số công việc đã được tiến hành như sau:
1) Luật sư đã làm việc với trực ban hình sự của Công an TP. Huế, làm thủ tục đăng ký luật sư.
2) Luật sư đã đến quan sát hiện trường, đã gặp gỡ một số cá nhân có liên quan trực tiếp, gián tiếp tới vụ việc.
3) Luật sư đã cùng với ông Vĩnh Khánh và Liên Quốc rà soát lại hồ sơ, thông tin, ảnh tư liệu, v.v... của vụ việc.
4) Ông Vĩnh Khánh và Liên Quốc đã trao đổi kỹ với Luật sư về những biện pháp và những công việc cần phải làm trong thời gian tới.
5) Ông Vĩnh Khánh và Liên Quốc đề nghị Luật sư nỗ lực, trợ giúp pháp lý nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là: Bảo đảm lăng mộ của bà Tài Nhân họ Lê không bị di dời, và khôi phục nguyên trạng lăng mộ của đức bà.
Trong thời gian hơn 3 năm qua, mọi nỗ lực bảo vệ lăng mộ bà Tài Nhân họ Lê đã được chia sẻ và nhận được rất nhiều thông tin phản hồi từ người thường dân đến các nhân sĩ, trí thức, các nhà nghiên cứu Huế. Hệ thống báo chí đã tốn nhiều giấy mực, đóng góp ý kiến và có nhiều tư liệu liên quan. Nhóm khởi kiện cũng nhiều lần liên hệ với HĐTS NPT Huế, các Hội đồng, Ban hiếu sự NPT mọi miền, kể cả ở hải ngoại cũng đã có văn bản, kiến nghị gửi về Huế yêu cầu trả lại nguyên thủy ngôi lăng đức bà Tài Nhân họ Lê.
Đến ngày 17/7/2019 Trung tâm Phát triển quỹ đất tp Huế, đã chủ trì cuộc gặp giữa HĐTS NPT và đại diện Công ty Chuỗi Giá Trị (chủ đầu tư dự án trên) để thống nhất phương án xử lý lăng mộ bà Tài nhân với phương án tôn tạo lại lăng mộ bà ở vị trí cũ, bố trí khoảng không gian tối thiểu 200 m2, phù hợp với nguyện vọng HĐTS NPT.
Đại diện chủ đầu tư đồng ý với tất cả các yêu cầu HĐTS NPT, điều chỉnh dự án, đồng thời sẽ trồng cây xanh xung quanh để tạo cảnh quan. Phía Công ty Chuỗi Giá Trị mong muốn, quá trình thi công làm lại lăng mộ bà Tài nhân họ Lê, Hội đồng Nguyễn Phúc Tộc sẽ phối hợp giám sát để lăng mộ xây dựng đúng với mẫu mà Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế vẽ. (Mời xem link:
https://vnexpress.net/lang-mo-vo-vua-tu-duc-duoc-xay-tai...)
Tuy nhiên, tròn 1 năm qua từ khi nhận được biên bản và lời hứa của bên có trách nhiệm và đã là bắt đầu năm thứ tư, từ vụ việc cày xới mồ mả (là điều tối kỵ trong đời sống tinh thần của người dân Việt nói riêng, và hầu hết các dân tộc trên thế giới nói chung) đến nay vẫn còn công khai thách thức dư luận trong nước và quốc tế.
Do đâu sự việc kéo dài hơn 3 năm?
Ngoài lý do cố tình dây dưa của bên vi phạm, có thể có sự chồng chéo về trách nhiệm mà những thủ tục hành chính hay sự chồng lấn quyền lực chi phối (ví dụ như có thể chưa có ý kiến của lãnh đạo tỉnh TT Huế v.v…) thì mỗi cá nhân trong NPT chúng ta cũng nên xét lại mình.
Trước nhất, phải nhắc đến trách nhiệm của HĐTS NPT, chưa thống nhất về cách làm của Nhóm khởi kiện, vì cho rằng chỉ có HĐTS NPT Huế mới đủ tư cách khiếu nại.
Thứ 2, so với các vụ việc liên quan đến đất đai nổi cộm trên cả nước như vụ Thủ Thiêm hay vụ Đồng Tâm… thì 17.000 m2 trên là chuyện nhỏ! Cơ quan công quyền có thể “ngâm” bao lâu tùy thích.
Thứ 3, phải thống nhất NPT, Nguyễn Phước Tộc phải có những người cầm chịch, có đủ tâm và tầm để ứng xử với chính quyền và có thể trình lên Unesco, bởi lăng bà Tài Nhân cũng là một phần không thể tách rời thuộc quần thể di tích được Unesco công nhận.
Vụ việc đòi hỏi sự đồng lòng, chung sức trước hết là của bà con trong NPT. Mong rằng, HĐTS NPT nói riêng, mỗi con cháu trong NPT nói chung và những nhân sĩ, trí thức hãy cùng tham gia góp ý, đốc thúc việc bảo vệ di tích lăng mộ Đức Bà.
Xin cảm ơn anh
Giao Hoàng! – một người trí thức gốc Huế đã đồng hành bất vụ lợi cùng bà con NPT trong vụ việc này thời gian qua. Kính chúc anh mạnh khỏe và gặp nhiều niềm vui.
PS:
Xin phép tag các thân hữu, nhân sĩ và bà con vào bài viết vì mục đích chung của NPT.
Xin cảm ơn!
Hiện trường khu Dự án “Bãi đỗ xe lăng vua Tự Đức và Đồng Khánh” Lúc 10h20 ngày 18-6-2017 (Hình khuyên tròn là vị trí cổng lăng bà Tài Nhân)
Người đăng: Quoc Lien vào Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2020