HƯỚNG TỚI LỄ HUÝ KỴ CHÚA THƯỢNG NGUYỄN PHÚC LAN NGÀY 26/2 QUÝ MÃO

Thứ sáu - 24/02/2023 08:38 826 0
Xin mời quý bà con đọc bài viết về Công Chúa Ngọc Vạn , em gái Ngài và và là bậc anh thư đóng góp trong công cuộc mở cõi Phương Nam
Công Chúa Ngọc Vạn ,là con của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, em gái của Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, được Chúa Sãi gã cho Vua Chân Lạp Chey Chetta II và đóng vai trò quan trọng trong việc mở cõi phương Nam một cách hoà bình
Công Chúa Ngọc Vạn được so sánh với Công Chúa Huyền Trân thời Trần thuở trước với cuộc hôn nhân chính trị giữa hai nước đem lại lãnh thổ cho dân Việt
Nghe lại truyện kể này chúng ta thêm tri ân sự hy sinh thầm lặng của những bậc anh thư tiền nhân mở cõi thuở trước
Văn miếu Trấn Biên ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, nơi lưu dấu người Việt mở cõi ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn. Ảnh: Trịnh Sinh
Văn miếu Trấn Biên ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, nơi lưu dấu người Việt mở cõi ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn. Ảnh: Trịnh Sinh

Chuyện về nàng công chúa Ngọc Vạn

Biên phòng - Trong sách Đại Nam liệt truyện do Quốc sử quán triều Nguyễn ghi rõ Ngọc Vạn là con của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, dân gian thường gọi là chúa Sãi và bà Hoàng hậu họ Nguyễn. Chúa có 5 người con trai, trong đó có người kế nghiệp là chúa Nguyễn Phúc Lan, còn gọi là chúa Thượng. Ngoài ra, chúa còn có 3 người con gái: Ngọc Liên, Ngọc Vạn và Ngọc Khoa (có sách chép là Ngọc Hoa). Cô con gái út, Ngọc Khoa được gả cho một thương gia người Nhật ở Hội An tên là Araki Soutarou, còn có tên Việt là Nguyễn Hiển Hùng.
 

Ngọc Vạn lớn lên hết sức xinh đẹp, đến nỗi mà một số người phương Tây đã phải dùng từ “une grande beaute” (tuyệt sắc giai nhân). Nhiều nhà sử học gọi nàng là Công nữ, một số lại gọi là Công chúa. Vậy, cách gọi nào đúng? Thực ra, con của chúa thì chỉ được gọi là Công nữ, còn con gái của vua mới được gọi là Công chúa. Tuy nhiên, các vua Nguyễn đời sau đã truy tôn chúa Nguyễn Phúc Nguyên làm Hoàng đế (Hy Tông Hiếu Văn), thì gọi cô con gái Ngọc Vạn là Công chúa cũng hoàn toàn chính xác. 

Vừa chớm tuổi trăng tròn, Ngọc Vạn đã được chúa Nguyễn gả cho nhà vua Chân Lạp là Chey Chetta II. Từ đó, số phận của cô Công chúa gắn bó với cả hai đất nước: Quê chồng là Vương quốc Chân Lạp và quê cha là xứ Đàng Trong của Vương quốc Đại Việt. Nàng đã tận tâm với việc củng cố chính quyền Chân Lạp một thời gian kéo dài nhiều thập kỷ. Nàng còn giúp những người nông dân Đàng Trong kéo vào vùng đất Thủy Chân Lạp, nay là đồng bằng Nam bộ, khai hoang lập ấp, biến vùng đất này từ chỗ “đồng bằng sông Cửu Long chỉ là đầm lầy hôi thối, những bãi bùn và cây đước rộng mênh mông” (theo nhà sử học P. Devillers) thành một vùng đất trù phú.

Chính người cùng thời với Công chúa Ngọc Vạn là giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1591-1660) đã nhận xét về đồng bằng Nam bộ khi đó “quạnh hiu và hoang mạc”. Cư dân Vương quốc Chân Lạp chỉ tập trung quanh vùng Biển Hồ (Tonle Sap) màu mỡ, nhiều tôm cá và vùng trung lưu sông Mê Kông. Triều đình Chân Lạp vì thế cũng bỏ quên vùng đất Đông Nam của Vương quốc này. Trong nhiều thế kỷ liền, mảnh đất Nam bộ bỏ hoang vẫn như hồi nào Chu Đạt Quan miêu tả trong sách “Chân Lạp Phong thổ ký” thế kỷ 13 khi ông đi thuyền từ vùng Chân Bồ (nay là Bà Rịa-Vũng Tàu) ngược sông Cửu Long để vào sâu trong nội địa Chân Lạp. Khi đó, hầu hết cả vùng đều là bụi rậm của khu rừng thấp, những cửa rộng của con sông lớn chạy dài hàng trăm lí, bóng mát um tùm của những gốc cổ thụ và cây mây dài tạo thành nhiều chỗ trú sum suê. Tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi. Vào nửa đường trong cửa sông, người ta mới thấy lần đầu cánh đồng ruộng bỏ hoang, không có một gốc cây nào. Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ. Hàng trăm, hàng ngàn trâu rừng tựu họp từng bầy trong vùng này. 

Chuyện Ngọc Vạn lấy chồng, hóa ra ban đầu lại nằm trong sự tính toán của triều đình Chân Lạp. Bối cảnh khi đó, Vương quốc Chân Lạp bị nước Xiêm chung biên giới phía Tây thường xuyên xâm chiếm. Có những lần, kinh đô Chân Lạp là Angkor thất thủ, hầu hết cư dân bị bắt làm nô lệ. Cứ vài chục năm, nước Xiêm lại xâm chiếm một lần. Kinh đô Chân Lạp chuyển dịch từ Angkor đi nhiều nơi vẫn bị đánh phá và cướp bóc. Vì thế mà các Quốc vương Chân Lạp rất muốn kết giao với chúa Nguyễn ở Đàng Trong thuộc Đại Việt.

Đến thời vua Chey Chetta II, sau 2 năm trị vì, ông quyết định chủ động cầu hôn con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên là Ngọc Vạn vào năm 1620, hy vọng dựa vào sự ủng hộ của Đại Việt để chống lại sự áp bức của Xiêm, mặc dù lúc đó ông vua này đã có 2 bà vợ người Chân Lạp và 1 bà vợ người Lào. Có thể ban đầu, cuộc hôn nhân nhuốm màu chính trị nhưng sau đó, vua Chân Lạp đã thực sự yêu thương Ngọc Vạn. Lịch sử Chân Lạp còn ghi lại, người dân Chân Lạp quý mến nàng không chỉ vì sắc đẹp, nết na, thùy mị, mà còn vì nàng cũng theo đạo Phật. Vua Chân Lạp phong cho Ngọc Vạn làm Hoàng hậu, thư tịch Chân Lạp gọi bà là Hoàng hậu Ang Cuv. 

Ngọc Vạn thực sự là cầu nối cho quan hệ ngoại giao giữa Chân Lạp và Đàng Trong. Người Chân Lạp có được sự hậu thuẫn của chúa Nguyễn về vũ khí và quân lính đã đánh tan hai lần quân Xiêm kéo sang xâm lấn ngay sau đám cưới của vua Chân Lạp và Ngọc Vạn vào những năm 1621-1623. Sau chiến thắng, vua Chân Lạp đã đồng ý cho người Việt ở Đàng Trong đến Chân Lạp sinh sống, làm nghề buôn bán hay làm thợ thủ công ở kinh đô. Số đông hơn được phép khai khẩn vùng đất đang bỏ hoang ở Đông Nam Chân Lạp, mà ngày nay là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chúa Nguyễn cũng được triều đình Chân Lạp đồng ý cho lập trạm thu thuế thương chính trong thời gian 5 năm ở Prei Nokor và Kas Krobei (tức Chợ Lớn và Sài Gòn sau này). Hoàng hậu Ngọc Vạn đã sinh cho vua Chey Chetta II một công chúa tên là Ang Na Ksatri. Đây cũng chính là thời kỳ thanh bình của Chân Lạp, kinh tế phát triển, thương nhân các nước đổ xô đến buôn bán và cũng là thời kỳ hai lần đánh tan quân Xiêm.

Sau khi vua Chey Chetta II băng hà, triều đình Chân Lạp bước vào giai đoạn tranh giành quyền lực giữa các ông hoàng trẻ tuổi. Ngọc Vạn giờ trở thành Thái hậu và vẫn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống chính trị cung đình. Công chúa Ang Na Ksatri, con Thái hậu lại lấy một ông vua Chân Lạp và lên ngôi Hoàng hậu. Đến khi Nặc Ông Chân (Cau Bana Cand) cướp ngôi vua, giết người tàn bạo, người dân Chân Lạp căm ghét, nhờ Thái hậu viết thư cho chúa Nguyễn Phúc Tần sang dẹp loạn, bắt được Nặc Ông Chân. Sau đó, nhà Nguyễn rút quân và triều đình Chân Lạp đã đồng ý cho di dân Đàng Trong vào khai phá vùng Đông Nam Chân Lạp ngày  một đông. Cho đến cuối thế kỷ 17, đã có 4 vạn hộ di dân Đàng Trong đến châu thổ sông Cửu Long. Bằng sự cần cù lao động, họ đã cùng một số dân Chân Lạp khai phá nơi đây thành một vùng trù phú. Cho đến năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu mới chính thức lập phủ Gia Định trên vùng đất mới khai phá. Sau đó, nhiều lần các vua Chân Lạp nhờ chúa Nguyễn đánh dẹp thế lực nổi loạn rước quân Xiêm vào hòng giành ngôi báu. 

Số phận nàng công chúa xinh đẹp Ngọc Vạn đã được an bài từ khi nhà vua Chân Lạp ngỏ lời xin chúa Nguyễn cưới nàng. Nàng thực sự có đóng góp cho cả quê chồng và quê cha, là cầu nối giữa hai dân tộc.

Giáo sư Trịnh Sinh

Tác giả: Giáo sư Trịnh Sinh

Nguồn tin: www.bienphong.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây