Những cuộc tàn phá và thảm sát của nhà Tây Sơn

Thứ ba - 21/03/2023 04:49 4.628 0
Sự thất bại của quân Tây Sơn trước nhà Nguyễn thường được cho là vì cái chết của vua Quang Trung. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, tại sao Nguyễn Phúc Ánh bao nhiêu lần tay trắng bại vong lại vẫn nhận được sự ủng hộ của người dân? Nhà Tây Sơn đã làm những điều gì để mất lòng dân đến như vậy?
tayson (2)
tayson (2)

Tóm tắt bài viết:

  • Hội An: Thương cảng hàng đầu châu Á bị tàn phá
  • Cù lao Phố: Trung tâm thương mại sầm uất nhất Nam Bộ bị tàn phá
  • Mỹ Tho: Vùng kinh tế hưng thịnh bị tàn phá
  • Thảm sát người Hoa ở Chợ Lớn

Hội An: Thương cảng hàng đầu châu Á bị tàn phá

Từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Hội An được xây dựng và phát triển trở thành thương cảng tiêu biểu của châu Á và nổi tiếng khắp thế giới. Rất nhiều thương nhân từ Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu đến đây giao thương, biến Hội An thành hải cảng quốc tế tiêu biểu ở châu Á. Hội An là đô thị rất trù phú, được nhiều nơi trên thế giới biết đến, có rất nhiều khu phố dành cho thương gia nước ngoài.

Một người Ý là Christoforo Borri cư trú ở Hội An vào năm 1618 đã mô tả rằng:

“Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam”.

“Người Hoa và Nhật Bản là những thương nhân chủ yếu của chợ phiên, năm nào cũng mở và kéo dài trong bốn tháng. Người Nhật thường đem lại 4, 5 vạn nén bạc, người Trung Hoa thì đi một thứ thuyền buồm đem lại nhiều tơ lụa tốt và sản vật đặc biệt của họ”

“Do chợ này mà Quốc vương thu được số tiền thuế lớn, toàn quốc nhờ vậy cũng được nhiều lợi ích”.

Thế nhưng quân chúa Trịnh và quân Tây Sơn sau khi chiếm Quảng Nam đã tàn phá tất cả Hội An. Không chỉ sử liệu thời nhà Nguyễn mà nhiều thương gia phương Tây cũng chứng kiến ghi nhận cảnh này.

tayson (2)
Phố cổ Hội An xưa (Ảnh qua vi.wikipedia.org)

Vào thời điểm 1774-1775 là giai đoạn mà quân Trịnh tiến đánh Phú Xuân (Huế), chúa Nguyễn phải chạy về Quảng Nam, lại bị quân Tây Sơn đánh ra uy hiếp. Một bức thư năm 1775 của Halbout đã ghi nhận:

“Quân nổi loạn đã cướp bóc, cướp phá chẳng nương tay, đến nổi các tỉnh Cham cứ 20 người thì có 19 người chết vì bị đầy đọa khổ sở. Các giáo khu ở Hàn và Cầu Né đều không còn… Năm ngoái, ở Bầu Nghé từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch số giáo dân bị giết đến sáu trăm người… Ở một nơi khác cũng thời gian ấy, ít nhất có đến 1500 giáo dân bị giết. Suốt hai năm ròng gần như quanh tôi lúc nào cũng có người chết và hấp hối…”

Thư của các giáo sĩ thừa sai, NXB Văn học Hà Nội.

Một người Anh Charles Chapman phải thốt lên rằng:

“Khi tới Hội An, thành phố lớn này chẳng còn lại là bao những khu phố được quy hoạch quy củ với những ngôi nhà xây bằng gạch, đường lát đá mà chỉ thấy một cảnh hoang tàn làm cho ta cảm thấy xót xa. Trời ơi, những công trình ấy bây giờ chỉ còn đọng lại trong ký ức mà thôi”

Kiến trúc phố cổ Hội An – Việt Nam, NXB Thế giới

Sau này thành phố Hội An đã được xây dựng lại nhưng không thể được như trước nữa, những khu phố sầm uất đã không còn, nhiều thương gia chứng kiến cảnh tàn phá cướp bóc cũng sợ hãi mà không dám quay lại.

Nhà nghiên cứu Tạ chí Đại Trường dẫn lời Linh mục Labartette miêu tả:

“Ở Cửa Hàn (Đà Nẵng) không còn một con heo, gà, vịt, đường cát trước kia sản xuất rất nhiều nay biến mất, tiền mất giá một quan còn giá trị độ một đồng, tình trạng đói khổ ăn xin xuất hiện phổ biến trong xứ.”

Lê Quý Đôn cũng ghi nhận trong thảm cảnh ở Quảng Nam trong “Phủ biên tạp lục” như sau:

“…quá đỗi đói khổ cùng khốn, họ chỉ ngóng trông quân nhà vua đến giải cứu cho họ…”

Cù lao Phố: Trung tâm thương mại sầm uất nhất Nam Bộ bị tàn phá

Trung tâm thương mại ở Nam Bộ là cù lao Phố nằm bên sông Đồng Nai thuộc xã Hiệp Hòa, Biên Hòa ngày nay. Nguồn gốc của nó là do một số tướng lĩnh nhà Minh do không quy phục nhà Thanh nên đến xin chúa Nguyễn được làm con dân Đại Việt và được cho phép khai phá vùng đất này.

Thời ấy thương nghiệp phát triển dẫn đến các nghề thủ công như dệt chiếu, tơ lụa, gốm, đúc đồng, nấu đường, làm bột, đồ gỗ gia dụng, chạm khắc gỗ, đóng thuyền, làm pháo v.v.. rất phát triển. Nơi đây thuận tiện giao thông thủy bộ, buôn bán tấp nập, nên bắt đầu phồn thịnh và nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Nam Bộ.

Sách “Đại Nam nhất thống chí” mô tả rằng Nông Nại đại phố lúc đầu do Trần Thượng Xuyên (tức Trần Thắng Tài – từng là tổng binh ba châu Cao – Lôi – Liêm dưới triều Minh) khai phá, ông “chiêu nạp được người buôn nước Tàu, xây dựng đường phố, lầu quá đôi từng rực rỡ trên bờ sông, liền lạc năm dặm và phân hoạch ra ba nhai lộ: nhai lớn giữa phố lót đá trắng, nhai ngang lót đá ong, nhai nhỏ lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng, người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau, còn những nhà buôn to ở đây thì nhiều hơn hết, lập thành một đại đô hội…”

Trịnh Hoài Đức mô tả trong “Gia Định thành thông chí” của mình như sau:

“Các thuyền ngoại quốc tới nơi này (cù lao Phố) bỏ neo, mướn nhà ở, rồi kê khai các số hàng trong chuyến ấy cho các hiệu buôn trên đất liền biết. Các hiệu buôn này định giá hàng, tốt lẫn xấu, rồi bao mua tất cả, không để một món hàng nào ứ động. Đến ngày trở buồm về, gọi là ‘hồi đường’, chủ thuyền cần mua món hàng gì, cũng phải làm sẵn hóa đơn đặt hàng trước nhờ mua dùm. Như thế, khách chủ đều được tiện lợi và sổ sách phân minh. Khách chỉ việc đàn hát vui chơi, đã có nước ngọt đầy đủ, lại khỏi lo ván thuyền bị hà ăn, khi về lại chở đầy thứ hàng khác rất là thuận lợi…”.

Khi quân Tây Sơn đánh vào Nam bộ, lịch sử ghi nhận rằng cù lao Phố bị tàn phá, người Hoa kiều bị tàn sát. Quân Tây Sơn cướp bóc của cải chở về Quy Nhơn, những gì còn lại đều bị đốt sạch. Các cơ sở thủ công bị phá, dân chúng bị tàn sát, nước đỏ ngầu vì máu. Những người Hoa may mắn sống sót chạy về Bến Nghé, sau này thành lập lại trung tâm thương mại ở vùng Chợ Lớn.

tayson (2)
Những gì còn lại đều bị đốt sạch. (Ảnh minh họa từ imgur.com)

Trịnh Hoài Đức mô tả sự việc này trong “Gia Định thành thông chí” rằng từ khi bị Tây Sơn tàn phá, “nơi đây biến thành gò hoang, sau khi trung hưng người ta tuy có trở về nhưng dân số không được một phần trăm lúc trước”.

Sau khi chợ búa cùng phố xá bị tàn phá nặng nề, các thương gia người Hoa rủ nhau xuống vùng Chợ Lớn, sinh sống và lập những cơ sở thương mãi khác cho đến nay. Kể từ đó, vùng cù lao Phố đánh mất vai trò là trung tâm thương mại của Đàng Trong mà thay vào đó là Chợ Lớn và Mỹ Tho.

Mỹ Tho: Vùng kinh tế hưng thịnh bị tàn phá

Vào năm 1679, một nhóm khoảng ba ngàn người Minh Hương được Chúa Nguyễn cho định cư vùng đất mới này. Trong nhóm có Dương Ngạn Địch đứng ra lập Mỹ Tho đại phố ở làng Mỹ Chánh, huyện Kiến Hòa. Khu đại phố này kéo dài đến Cầu Vĩ, Gò Cát, tức khu vực xã Mỹ Phong hiện nay. Rất nhiều làng xã mọc lên xung quanh khu vực Mỹ Tho: Thái Trấn lập làng An Hoà (sau đổi là Thạnh Trị), Nguyễn Văn Trước lập làng Điều Hòa (khu vực đường Nguyễn Hùynh Đức bây giờ ).

Vào thế kỷ 17, Mỹ Tho đã trở thành một trong hai trung tâm thương mại lớn nhất Nam Bộ lúc bấy giờ (trung tâm còn lại là cù lao Phố). Sự hưng thịnh của phố chợ Mỹ Tho cho thấy nền sản xuất nông – ngư nghiệp và kinh tế hàng hóa địa phương ở thời điểm đó đã có những bước phát triển đáng kể, đặc biệt là đối với ngành thương mại.

tayson (3)
Quân Tây Sơn. (Ảnh minh họa từ lyhocdongphuong.org.vn)

Tuy nhiên quân Tây Sơn đã tàn phá vùng kinh tế hưng thịnh này một cách không thương tiếc. Nhà nghiên cứu Sơn Nam đã mô tả trong “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” rằng:

“Chợ phố lớn Mỹ Tho, nhà ngói cột chàm, đình cao chùa rộng, ghe thuyền ở các ngả sông biển đến đậu đông đúc làm một đại đô hội rất phồn hoa huyên náo. Từ khi Tây Sơn chiếm cứ, đổi làm chiến trường, đốt phá gần hết, từ năm 1788 trở lại đây, người ta lần trở về, tuy nói trù mật nhưng đối với lúc xưa chưa được phân nửa”.

Thậm chí người ta đã coi quân Tây Sơn như cường đạo. Tại Vĩnh Thanh, trong lúc Tây Sơn vào chiếm cứ thì dân chúng “đều chôn cất của cải không dám phơi bày ra, cho nên bọn cường đạo không cướp lấy được vật gì”.

Thảm sát người Hoa ở Chợ Lớn

Từ khi cù lao Phố bị phá hủy thì các hoạt động thương mại phải di dời tập trung về Chợ Lớn.

Năm 1782 Nguyễn Nhạc đến “18 thôn vườn trầu” thì bị phục kích thua trận. Nhận ra quân phục kích là đạo binh Hòa Nghĩa gồm nhiều người Hoa ủng hộ Nguyễn Phúc Ánh, Nguyễn Nhạc đã thực hiện một cuộc thảm sát đối với người Hoa.
 

tayson (4)
Chợ Lớn xưa. (Ảnh từ internet)

Nhà nghiên cứu Sơn Nam căn cứ theo “Gia Định thông chí” viết trong cuốn “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” như sau:

“Nhạc bèn giận lây, phàm người Tàu không kể mới cũ đều giết cả hơn 10.000 người. Từ Bến Nghé đến sông Sài Gòn, tử thi quăng bỏ xuống sông làm nước không chảy được nữa. Cách 2, 3 tháng người ta không dám ăn cá tôm dưới sông. Còn như sô, lụa, chè, thuốc, hương, giấy, nhất thiết các đồ Tàu mà nhà ai đã dùng cũng đều đem quăng xuống sông, chẳng ai dám lấy. Qua năm sau, thứ trà xấu một cân giá bán lên đến 8 quan, 1 cây kim bán 1 quan tiền, còn các loại vật khác cũng đều cao giá, nhân dân cực kỳ khổ sở”.

Ngoài việc trả thù riêng người Tàu, Nguyễn Nhạc còn có dụng tâm tiêu diệt đầu não kinh tế của miền Nam, nơi chúa Nguyễn nắm được nhân tâm từ lâu.

Sự thật là quân Tây Sơn đã tàn sát bao nhiêu người? Linh mục Andre Tôn trong bức thư viết ngày 1/7/1784 mô tả số người chết trong cuộc thảm sát này là 10.000 đến 11.000 người, trong đó phần lớn là người Hoa. Linh mục Castuera, người đã có mặt ở Chợ Quán ngày 7/7/1782, ghi nhận có 4000 người Hoa bị giết. Số nạn nhân thật sự trong những cuộc thành trừng của Tây Sơn là không thể biết chính xác, nhưng một bầu không khí khủng bố đối với người Hoa ở đây là có thật.

Tổ tiên từ họ Hồ đổi sang họ Nguyễn

Tám đời chúa Nguyễn đã có công rất lớn đối với dân tộc và đất nước khi kế tục nhau mở nước về phương Nam, đến tận Cà Mau, Châu Đốc, cống hiến cho Đại Việt non một nửa nước, trải dài từ Phú Yên trở vào Nam, với đất đai trù phú, nguồn lợi dồi dào, rộng hơn lãnh thổ Nam tiến của các triều Lý, Trần, Hồ và Hậu Lê cộng lại. Cũng nhờ có công lao của chúa Nguyễn mà tổ tiên nhà Tây Sơn có thể vào Nam an cư lập nghiệp.

Theo Gia phả họ Hồ Quỳnh Đôi, thì tổ tiên nhà Tây Sơn vốn họ Hồ ở làng Hương Cái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Khi các chúa Nguyễn mở mang bờ cõi về hướng Nam, cuộc sống sung túc, họ Hồ từ Nghệ An vào Đàng Trong lập nghiệp. Ông cố của Nguyễn Huệ tên là Hồ Phi Long vào giúp việc cho nhà họ Đinh ở thôn Bằng Chân, huyện Tuy Viễn, tức An Nhơn. Sau đó ông cưới vợ họ Đinh và sinh được một trai tên là Hồ Phi Tiễn. Hồ Phi Tiễn không theo việc nông mà bỏ đi buôn trầu ở ấp Tây Sơn, cưới vợ và định cư tại đó.

tayson (5)
Ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. (Tranh qua alchetron.com)

Vợ của Hồ Phi Tiễn là Nguyễn Thị Đồng, con gái duy nhất của một phú thương đất Phú Lạc. Cả hai đổi họ của con cái mình từ họ Hồ sang họ Nguyễn của mẹ. Người con là Nguyễn Phi Phúc cũng chuyên nghề buôn trầu và làm ăn phát đạt. Cũng có tài liệu cho rằng họ Hồ đã đổi theo họ chúa Nguyễn ngay từ khi mới vào Nam. Đến đời ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ thì gia đình giàu có, được học văn võ rất chu đáo. (Nguyễn Huệ có tên tiếng Hán là: 阮惠; Nguyễn Ánh có tên tiếng Hán là: 阮暎. Như vậy họ Nguyễn được Hồ Phi Tiễn chuyển qua là họ Nguyễn của chúa Nguyễn).

Về sự việc này cũng có nguồn gia phả cho rằng trước đây họ Hồ ở làng Hương Cái vốn mang họ Nguyễn, do chạy nạn mà đổi sang họ Hồ. Sau này qua mấy đời thì đổi lại thành họ Nguyễn.

Khẩu hiệu phò chúa Nguyễn nhưng lại giết hoàng tộc nhà Nguyễn

Dù có công mở mang lãnh thổ nhưng đến cuối đời, chúa Nguyễn Phúc Khoát bị quyền thần Trương Phúc Loan thao túng, dẫn đến cảnh giang sơn tan nát, người dân ca thán gọi Trương Phúc Loan là Trương Tần Cối (Tần Cối là một gian thần bán nước thời Nam Tống).

Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn ban đầu lấy khẩu hiệu là diệt Trương Phúc Loan, phò hậu duệ chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Dương, nên dễ dàng được sự hưởng ứng của người dân, vì lúc đó trăm họ đều oán thán Trương Phúc Loan.

tayson (6)
(Tranh qua kienthuc.net.vn)

Bên cạnh đó, tháng 10 năm 1774, chúa Trịnh Sâm, sau 100 năm giữ hòa bình với chúa Nguyễn, sai Quận Việp Hoàng Ngũ Phúc, một viên tướng lão luyện, mang 4 vạn quân vào Nam tấn công Phú Xuân (Huế), cũng lấy danh nghĩa trừng phạt Trương Phúc Loan. Mặc dù chúa Nguyễn Phúc Thuần buộc phải trói Loan nộp cho Hoàng Ngũ Phúc nhưng rồi quân Trịnh vẫn tiến.

Quân Nguyễn không chống nổi, quân Trịnh chiếm thành Phú Xuân, buộc họ Nguyễn phải bỏ chạy về Quảng Nam. Nhưng tại đây chúa Nguyễn lại bị Tây Sơn đánh ra uy hiếp, bắt được hoàng tôn Dương. Chúa Nguyễn cùng thế phải vượt biển trốn vào Gia Định (tức Sài Gòn).
 

Như vậy là quân Tây Sơn đã có được Nguyễn Phúc Dương, và cũng biết rằng Trương Phúc Loan đã bị bắt. Tuy nhiên, họ không hề có ý định ngừng lại. Tháng 4 năm 1777, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn lại đánh quân Nguyễn.

tayson (7)
(Tranh qua kienthuc.net.vn)

Năm 1777, quân Tây Sơn chiếm được Gia Định, nhưng Nguyễn Phúc Dương (người được Tây Sơn dương khẩu hiệu phò tá), Nguyễn Phúc Thuần, cùng hoàng tộc anh em của Nguyễn Phúc Ánh đều bị giết cả. Riêng Nguyễn Phúc Ánh năm ấy mới 15 tuổi, may mắn có đứa trẻ nhà kép hát che dấu nên mới thoát chết.

Sau đó Nguyễn Phúc Ánh chạy vào Hà Tiên, nhờ Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine) giúp đỡ ấn nấp trước sự truy tìm của quân Tây Sơn. Quân Tây Sơn nhiều lần truy tìm, nhưng nhờ được sự giúp đỡ của người dân Nam Bộ nên Nguyễn Phúc Ánh thoát được.

Mỗi năm cứ đến mùa gió thuận thì binh Tây Sơn trẩy thuyền vào Nam ruồng kiếm, quyết tận diệt dòng chúa Nguyễn Phúc.

Phá lăng tẩm và đào mả nhà Nguyễn

Sách Đại Nam thực lục có ghi chép rằng:

“Trước kia giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ tham bạo vô lễ, nghe nói chỗ đất phía sau lăng Kim Ngọc (tức lăng Trường Mậu) [lăng của chúa Ninh Nguyễn Phúc Thái] rất tốt, định đem hài cốt vợ táng ở đó. Hôm đào huyệt, bỗng có hai con cọp ở bụi rậm nhảy ra, gầm thét vồ cắn, quân giặc sợ chạy. Huệ ghét, không muốn chôn nữa.

Sau Huệ đánh trận hay thua, người ta đều nói các lăng liệt thánh [các chúa Nguyễn] khí tốt nghi ngút, nghiệp đế tất dấy. Huệ bực tức, sai đồ đảng đào các lăng, mở lấy hài cốt quăng xuống vực. Lăng Hoàng Khảo ở Cư Hóa [lăng Cơ Thánh của Nguyễn Phúc Côn, thân sinh vua Gia Long] Huệ cũng sai Đô đốc Nguyễn Văn Ngũ đào vứt hài cốt xuống vực ở trước lăng.

Nhà Ngũ ở xã Kim Long bỗng phát hỏa. Ngũ trông thấy ngọn lửa chạy về. Người xã Cư Hóa là Nguyễn Ngọc Huyên cùng với con là Ngọc Hồ, Ngọc Đoài ban đêm lặn xuống nước lấy vụng hài cốt ấy đem giấu một nơi.”

Như vậy là vua Quang Trung đã làm hai việc: Phá lăng tẩm 8 đời chúa Nguyễn và quật mộ của thân sinh vua Gia Long. Tám đời chúa Nguyễn không hề có hận thù gì với anh em Tây Sơn, hơn nữa lại có công rất lớn đối với dân tộc và đất nước. Vậy mà bị vua Quang Trung đối xử tàn tệ. Không lạ gì khi vua Gia Long đối xử tàn tệ với hài cốt của Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc cùng con cháu và tướng tá thuộc hạ của Nguyễn Huệ.

Cũng có nguồn cho rằng việc vua Quang Trung cho phá lăng tẩm chúa Nguyễn và quật mộ thân sinh vua Gia Long là do sử gia thời Nguyễn viết ra, thiếu bằng cứ xác đáng. Đây là một luận điểm khó có thể phản bác do nguồn sử liệu hạn hẹp. Có thể trong lúc binh loạn, lăng tẩm và mộ bị binh lính nhà Tây Sơn phá hoại do một phần không nhỏ trong đội quân này là hải tặc. Và có thể đó không phải là lệnh của vua Quang Trung. Dẫu vậy việc tính tội cho người đứng đầu binh lính Tây Sơn trong hoàn cảnh thời xưa cũng được coi là bổn phận của kẻ làm con, làm cháu.

tayson (1)
Lăng Gia Long. (Ảnh qua khamphahue.com.vn)

Nhà viết sử Trần Gia Phụng có bình trong “Việt Sử Đại Cương” về hành động trả thù của vua Gia Long sau này rằng:

“Không kể cá nhân ông bị quân đội Tây Sơn truy đuổi nhiều lần suýt chết, vua Gia Long thâm thù nhà Tây Sơn vì ba việc chính: thứ nhất, năm 1777 Định Vương Nguyễn Phúc Thuần [chú ruột vua Gia Long], Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương [em chú bác ruột] và Nguyễn Phúc Đồng [anh ruột] bị quân Tây Sơn bắt giết ở Gia Định. Thứ nhì, hai người em [ruột] của Gia Long là Nguyễn Phúc Mân và Nguyễn Phúc Thiển bị chết về tay quân Tây Sơn năm 1783. Thứ ba, vua Quang Trung cho quật mộ của Nguyễn Phúc Côn (phụ thân của Gia Long), đem hài cốt đổ xuống sông năm 1790.”

*******

Bản thân tổ tiên lựa chọn đổi từ họ Hồ sang họ Nguyễn, hưởng phúc nhờ công mở mang bờ cõi của 8 đời chúa Nguyễn, vậy mà quân Tây Sơn không có thâm thù đại hận lại quật lăng quật mả nhà Nguyễn, vứt hài cốt xuống sông. Khẩu hiệu phò chúa Nguyễn, nhưng khi tới Gia Định nhà Tây Sơn lại muốn tận diệt hoàng tộc nhà Nguyễn. Đi kèm với đó là những cuộc tàn phá và thảm sát của quân Tây Sơn đối với người dân Đàng Trong. Tất cả đã cho thấy lý do tại sao nhà Tây Sơn thảm bại.

Tác giả: Trần Hưng

Nguồn tin: dangnho.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây