NGUỒN NƯỚC NGỌC TUYỆT DIỆU CỦA GIẾNG NGỰ

Thứ bảy - 08/05/2021 06:57 835 0
Tiếp tục với chủ đề “Theo dấu chân Tiên Tổ“, Ban biên tập xin giới thiệu bài thứ hai của tác giả Liên Quốc đề cập đến cái giếng huyền thoại tại Phú Quốc gắn liền với tên tuổi của Đức thế Tổ Cao Hoàng đế Gia Long.Nằm giữa một bãi biển hoang sơ, được bao bọc xung quanh là những rừng cây xanh mướt, Giếng Ngự đã trở thành huyền thoại lịch sử gắn liền với mỹ danh Đảo Ngọc của đảo Phú Quốc.
NGUỒN NƯỚC NGỌC TUYỆT DIỆU CỦA GIẾNG NGỰ
 
Giếng Ngự và bệ thờ của ngư dân lập, khắc “Mũi kiếm đầu tiên của NHÀ NGUYỄN” (Ảnh chụp ngày 24/7/2018)
Giếng Ngự và bệ thờ của ngư dân lập, khắc “Mũi kiếm đầu tiên của NHÀ NGUYỄN” (Ảnh chụp ngày 24/7/2018)
 

Liên quan đến sự tích giếng Ngự, còn gọi là Giếng Vua, Giếng Tiên hay Giếng Gia Long, tọa lạc tại Mũi Ông Đội (*), phía đông nam của đảo Phú Quốc cách thị trấn An Thới hơn hai cây số, nếu đi từ bãi Sao ra bằng thuyền hoặc ca nô thì khoảng 2 hải lý. Các thế hệ ngư dân ở Phú Quốc vẫn truyền tụng cho nhau một truyền thuyết rằng: 

Ngày xưa, chúa Nguyễn  Phúc Ánh trong thời gian bôn tẩu ra đảo Phú Quốc, sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả, quân tướng không có nước ngọt để uống, lương thực cũng cạn kiệt Chúa Nguyễn cầm gươm chỉ lên trời khấn vái, cầu nguyện xin trời ban nước uống và lương thực rồi dậm chân cắm mạnh mũi kiếm xuống đá. Lạ thay, chỗ mũi kiếm cắm xuống, đá nứt toạc, một dòng nước mát từ dưới lòng đất vọt lên. Quân tướng nếm thử thì đó là nước ngọt. Kế đó, cá ở đâu từ biển nổi lên trên mặt nước vô số kể, giúp quân có lương thực để chống đói. Loại cá này sau đó được gọi là cá cơm (Nước mắm Phú Quốc nỗi tiếng cũng được làm từ loại cá cơm này).

Trải qua mấy trăm năm, dòng nước ngọt dưới chân Chúa Nguyễn trở thành một cái giếng nước ngọt hiếm hoi giữa vùng đảo mênh mông sóng nước. Nhớ công lao của chúa Nguyễn, những người dân chài xây một bệ thờ khắc dòng chữ: MŨI KIẾM đầu tiên của NHÀ NGUYỄN, xây một ngôi đền nhỏ cạnh Giếng Ngự để thờ Ngài, lấy tên là Đền Minh Vương. Phía bên trái giếng Ngự, đằng trước đền khoảng 5m, có 1 tảng đá tảng lớn, nơi người dân đã gắn bảng định danh “DẤU CHÂN NHÀ NGUYỄN”. Bên cạnh nó, có 1 tảng đá khác nằm sâu dưới lòng đất, một phần nhỏ lộ thiên, có 3 vết lõm, từ lâu người dân nơi đây cho rằng dấu 3 bước chân của Đức Thế Tổ in hằn trên đá khi đến nơi đây, được người dân trên đảo Ngọc xây một vòng gạch bao bọc, khá thô sơ và tôn bát hương để thờ phụng.

Ngoài ra, chỉ cách vài chục mét phía phải giếng Ngự, có một tảng đá có hình như chiếc ngai mà Đức Thế Tổ đã từng ngự trên đó, Tương truyền rằng: Trong thời gian chúa Nguyễn Phúc Ánh mắc kẹt tại đây, đã từng ngồi nghỉ trên tảng đá này.

Hình dáng tảng đá như chiếc ghế bành, nên người dân đời sau gọi nó là “Tảng đá Ngài ngự” hay “Tảng đá ngai vua”, được cho là một kỷ vật thiêng liêng và người dân trân trọng đặt bát hương trên đó để tưởng nhớ (**)

Giếng Ngự có hình hài như xưa, chỉ khác là ngày nay được người ta xây thêm mấy hàng đá, gạch bao quanh để giếng chứa được nước nhiều hơn. Giếng không bao giờ cạn, chỉ cao hơn mặt nước biển khoảng 50cm. Điều khá thú vị là, khi nước thủy triều lên, dù giếng có bị ngập nước mặn nhưng ngay sau khi triều rút, nước ngọt trở lại, trong vắt, có vị ngọt như nước khoáng, uống vào rất tốt cho sức khỏe.

Suốt bao đời nay, giếng là nơi cung cấp nguồn nước trong trẻo và dồi dào cho cư dân trên đảo. Ngoài nguồn nước ngọt, ngư dân lấy nước Giếng Ngự phục vụ nhu cầu sinh hoạt còn là để lấy hên khi ra biển. Bất cứ ai đến Giếng Ngự cũng có thể múc nước vì giếng khá nhỏ và thấp. Những ngày nắng hạn, trong khi nhiều chiếc giếng bị cạn nước nhưng chỉ có Giếng Ngự nước vẫn đầy, quanh năm không bao giờ hết nước, bởi vậy, không chỉ nhân dân trong vùng mà cả những người đi biển đều quý Giếng Ngự. Vào ngày rằm tháng giêng, ngư dân nơi đây thường tập trung làm lễ cúng tế trên ngôi đền và múc nước ở Giếng Ngự uống và tưới lên thuyền cầu mong sức khỏe và được mùa tôm cá.

Do Giếng Ngự gắn liền với truyền thuyết lịch sử, có nhiều đặc điểm tâm linh, lại tọa lạc ở một vị trí đắc địa, giữa một vùng sơn thủy hữu tình, đầu tựa sơn, chân đạp thủy, lại có cảnh đẹp thơ mộng, yên tĩnh nên những năm qua, Giếng Ngự đã thu hút rất nhiều du khách đến chiêm bái, tham quan.

Ngày nay, Mũi Ông Đội được nhà nước giao cho Tập Đoàn Sungroup phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng và dù đã có nước sạch được cung cấp bởi nhà máy, nhiều hộ dân lân cận khu vực Giếng Ngự vẫn đến giếng để lấy nước sinh hoạt mỗi ngày. Nước giếng trong mát và ngọt như giếng nước trong đất liền, có thể uống ngay tại chỗ. Đối với người dân đảo Phú Quốc, Giếng Ngự giống như một bầu sữa quý giá bảo tồn sự sống giữa ngàn khơi.

Đến nơi đầu sóng ngọn gió, tận mục sở thị những gian truân của tiền nhân một thời mở cõi, mấy ai không khỏi xúc động bồi hồi…

“…Cảm ơn đất nước non nhà

Ông cha gầy dựng sơn hà đẹp xinh…”

Ghi chú:

(*) Theo lời kể lại trong cuộc bôn tẩu, khi thuyền của Chúa Nguyễn Phúc Ánh vừa cập mũi này, thì bất ngờ va vào đá ngầm, không di chuyển được nữa. Trong lúc đó, quân Tây Sơn đang tiến đến gần và trong tình thế cấp bách, một viên cai đội đã nhảy xuống biển gỡ neo cho thuyền rời bến và đã hy sinh. Nhờ đó Chúa Nguyễn được cứu thoát. Sau này, khi thống nhất sơn hà, Đức Thế Tổ Gia Long đã trở về đây làm lễ tạ ơn viên cai đội và đặt tên cho mũi này là mũi Ông Đội. Sau bao nhiêu năm tháng mũi Ông Đội vẫn không hề mất đi giá trị lịch sử.

(**) Người dân trên Đảo Ngọc – Phú Quốc kể câu chuyện liên quan đến tảng đá linh thiêng này như sau: Cách đây hơn 20 năm, có một người thanh niên là cư dân của đảo, một lần ra đây leo lên tảng đá ngồi, miệng nói : “Ta là vua Gia Long !”

Sau đó trở về nhà bỗng dưng mắc bệnh điên cuồng, mất trí nhớ. Sau một thời gian gia đình dâng lễ cúng bái tạ tội, đến nay mặc dù bệnh tình có thuyên giảm đôi chút nhưng vẫn còn hay đi lang thang vật vờ trong những buổi trưa nắng trên đảo.

Câu chuyện tuy nhuốm màu sắc huyền bí tâm linh, nhưng đúng là “Miếu rách mặc miếu – Thần linh vẫn còn”

Không biết những người hay đùa bỡn với chốn linh thiêng, có thấy đây là bài học đắt giá hay không?
 

Mũi Ông Đội, nhìn từ bãi Sao. Trên dấu X màu đỏ sát mép nước biển là Giếng Ngự.
Mũi Ông Đội, nhìn từ bãi Sao. Trên dấu X màu đỏ sát mép nước biển là Giếng Ngự.
 
Mũi Ông Đội xa mờ nhìn từ bãi Sao.
Mũi Ông Đội xa mờ nhìn từ bãi Sao.
 
Đền Minh Vương thờ Đức Thế Tổ.
Đền Minh Vương thờ Đức Thế Tổ.
 
Giếng Ngự và Đền Minh Vương (bên cạnh là các bảo vệ của Sun Group túc trực canh giữ).
Giếng Ngự và Đền Minh Vương (bên cạnh là các bảo vệ của Sun Group túc trực canh giữ).
 
Giếng Ngự và bệ thờ của ngư dân lập, khắc “Mũi kiếm đầu tiên của NHÀ NGUYỄN” (Ảnh chụp ngày 24/7/2018)
Giếng Ngự và bệ thờ của ngư dân lập, khắc “Mũi kiếm đầu tiên của NHÀ NGUYỄN” (Ảnh chụp ngày 24/7/2018)
Ba vết lõm, nhìn rất giống ba bước chân, được người dân trên đảo Ngọc xây một vòng gạch bao bọc, khá thô sơ và tôn bát hương để thờ phụng.
Ba vết lõm, nhìn rất giống ba bước chân, được người dân trên đảo Ngọc xây một vòng gạch bao bọc, khá thô sơ và tôn bát hương để thờ phụng.
IMG 6267
Trên các “vết chân” là bảng định danh “Dấu chân Nhà Nguyễn”.
 
Tác giả bên trong đền Minh Vương và di ảnh thờ Đức Thế tổ.
Tác giả bên trong đền Minh Vương và di ảnh thờ Đức Thế tổ.
 
Tác giả thắp nén tâm nhang tưởng nhớ Tiên Đế
Tác giả thắp nén tâm nhang tưởng nhớ Tiên Đế
 
Tảng đá Ngai Vua (cách Giếng Ngự khoảng 50 m).
Tảng đá Ngai Vua (cách Giếng Ngự khoảng 50 m).
 
Từ tảng đá nhìn về bãi Sao
Từ tảng đá nhìn về bãi Sao
Trở về bãi Sao sau khi dâng hương
Trở về bãi Sao sau khi dâng hương
 
IMG 6285
Vị trí Giếng Ngự, Giếng Tiên hay Giếng Vua trên Google Map





 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây