THÁI TỔ GIA DŨ HOÀNG ĐẾ
PB Phước Cảnh
2021-05-26T17:12:51-04:00
2021-05-26T17:12:51-04:00
https://nguyenphuoctoc.info/y-kien-ban-doc/thai-to-gia-du-hoang-de-869.html
/themes/egov/images/no_image.gif
Nguyễn Phúc Tộc
https://nguyenphuoctoc.info/uploads/logo_1.png
THÁI TỔ GIA DŨ HOÀNG ĐẾ.
Húy: NGUYỄN HOÀNG.
Năm sinh: 10 – 8 – Ất Dậu (28 – 8 – 1525).
Năm mất: 03 – 6 – Quý Sửu (20 – 7 – 1613).
Ngôi vị: Chúa Tiên.
Vương hiệu: Tiên Vương.
Thụy hiệu: Khi Ngài mất, vua Lê truy tặng – Cần Nghĩa Công, thụy là Cung Ý.
THÁI TỔ GIA DŨ HOÀNG ĐẾ
Húy: NGUYỄN HOÀNG
Năm sinh: 10 – 8 – Ất Dậu (28 – 8 – 1525)
Năm mất: 03 – 6 – Quý Sửu (20 – 7 – 1613)
Ngôi vị: Chúa Tiên.
Vương hiệu: Tiên Vương.
Thụy hiệu: Khi Ngài mất, vua Lê truy tặng – Cần Nghĩa Công, thụy là Cung Ý.
Đời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635), truy tôn Ngài – Cần Nghĩa Đạt Lý Hiển Ứng Chiêu Hựu Diệu Linh Gia Dũ Vương.
Đời Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765), truy tôn Ngài – Liệt Tổ Triệu Cơ Thùy Thống Khâm Minh Cung Ý Cần Nghĩa Đạt Lý Hiển Ứng Chiêu Hựu Diệu Linh Gia Dũ Thái Vương.
Đời Vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh (1802 – 1820), truy tôn Ngài – Triệu Cơ Thùy Thống Khâm Minh Cung Ý Cần Nghĩa Đạt Lý Hiệu Ứng Chiêu Hựu Diệu Linh Gia Dũ Hoàng Đế.
Miếu hiệu: Thái Tổ.
Lăng mộ, Miếu thờ: Lăng Ngài – Lăng Trường Cơ (vua Gia Long đặt), được an táng tại làng La Khê(52), lúc đầu Ngài được an táng ở núi Thạch Hãn – huyện Hải Lăng – tỉnh Quảng Trị, sau mới cải táng về đây. Núi La Khê thuộc làng La Khê, sau này được vua Minh Mạng (1820 – 1841), đổi thành Khải Vân sơn. Miếu thờ Ngài tại Thái Tổ Miếu – Đại Nội – Kinh thành Huế (năm Giáp Tý 1804, vua Gia Long cho dựng Thái Tổ Miếu ở phía trước Triệu Tổ Miếu – gồm 13 gian 2 chái để thờ các chúa Nguyễn và các Công thần đời trước. Ngài và Hoàng Hậu được thờ ở án thờ chính giữa. Bên tả Thái Tổ Miếu có dựng điện Long Đức để tổ chức các lễ kỵ).
Thân thế sự nghiệp: Đức Thái Tổ là con trai thứ 2 của Đức Triệu Tổ và Đức Bà Nguyễn Thị Mai, Ngài sinh ra tại làng Gia Miêu Ngoại Trang, được xem: “Là người tiên phong, mở đầu cho việc hùng cứ phương Nam của 9 Chúa Nguyễn, tạo tiền đề cho việc thành lập Vương Triều Nguyễn bao gồm 13 vua, cũng là người mở đầu cho cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn sau này”.
Khi còn nhỏ, Ngài được giao cho cậu ruột Nguyễn Ư Kỷ nuôi dạy, và đã tỏ ra là một cậu bé thông minh. Theo “Đại Việt Sử Kí Toàn Thư”: Ngài là người “Tướng tốt, vai lân, lưng hổ, mắt phượng, trán rồng, quả là một người phi thường”. Về tính tình thì khẳng khái, buồn vui ít lộ ra mặt, làm việc gì cũng nghiêm cẩn. Lúc Thân Phụ Ngài lánh lên Sầm châu(53) (có tài liệu chép là châu Sầm) – lập đại bản doanh để chiêu mộ tân binh, luyện tập quân sỹ, tuyển chọn hiền tài, thực hiện chính sách phò Lê, Ngài vẫn ở với cậu ăn học. Ngài vốn là người thông minh, mẫn tiệp, học rộng, biết nhiều, văn võ tinh thông. Khi Thân Phụ được vua Lê Trang Tông (1533 – 1548) giao giữ binh quyền, Ngài xin cậu theo Cha lập công, được binh sỹ dưới quyền tin phục và mến mộ nên đã gặt hái được nhiều công trạng. Tuy còn trẻ, nhưng Ngài đã tỏ ra là một người có chí lớn.
Chiến tranh Nam – Bắc Triều chấm dứt chưa được bao lâu, thì lại xẩy ra cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn, mà mầm mống của sự phân liệt ấy lại bắt nguồn từ cuộc phân tranh Nam – Bắc Triều: Năm 1545, Đức Triệu Tổ bị mưu sát, binh quyền lọt vào tay anh rể Ngài là Trịnh Kiểm – lúc này đã được vua Lê phong Lạng Quốc Công. Sự thật thì binh quyền lúc đó cũng ở trong tay Ông Nguyễn Uông, khi Đức Triệu Tổ mất, Ông được tập ấm là Lãng Xuyên Hầu, sau được tấn phong Tả tướng Lãng Quận Công và Ngài được tập phong Hạ Khê Hầu (lúc này Ngài đã là 21 tuổi) – đem quân đánh Mạc, giết tướng Mạc trở về, được vua Lê Trang Tông (1533 – 1548) khen: “Thực là cha hổ sinh con hổ” và được tấn phong là Đoan Quận Công. Ông Nguyễn Uông vốn được lòng binh sỹ hơn, lại là con Triệu Tổ, nên được vua Lê nể vì. Trịnh Kiểm là người anh rể nham hiểm, ngoài mặt thì lúc nào cũng tỏ ra quý mến anh em Ngài, nhưng bên trong thì rất căm gét, chính vì thế mà Trịnh Kiểm tìm mọi cách để hại Nguyễn Uông – nhằm thâu tóm quyền lực vào tay mình. Để thực hiện mưu đồ đó, Kiểm lo gây bè, kết phái, gây mâu thuẫn trong nội bộ quân Nguyễn Uông và sau đó hại giết Nguyễn Uông. Giết xong Nguyễn Uông, Trịnh Kiểm bắt đầu củng cố địa vị, đưa tay chân của mình vào nắm giữ những công việc then chốt. Khi đã biết chắc không một ai làm gì được, Trịnh Kiểm bắt đầu có những biểu hiện chuyên quyền. Tiếp đến Thái Tổ là cái gai trước mắt, Trịnh Kiểm tiếp tục tìm cách ám hại nhưng chưa có dịp. Vợ Trịnh Kiểm là Nguyễn Thị Ngọc Bảo (chị gái Ngài) cũng biết chuyện, nên thường nói xa gần với chồng để che chở cho em. Ngài là người biết rõ âm mưu đó của Trịnh Kiểm, ngày đêm lo nghĩ tìm kế thoát thân, nhằm thoát khỏi con mắt dòm ngó, ganh ghét của anh rễ mình. Theo lời khuyên của cậu Nguyễn Ư Kỷ và theo sấm chỉ dẫn của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (nghĩa là một dải Hoành Sơn(54) trở vào sẽ gây dựng được nghiệp lớn)...Sau đó, Ngài đã nhờ được chị nói với Trịnh Kiểm, Kiểm tâu lên vua Lê cho Ngài vào Trấn Thủ vùng đất Thuận Hoá (gồm – Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ngày nay), sau kiêm luôn đất Quảng Nam (tức là thừa tuyên Quảng Nam thời Lê 1471, gồm – Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay) gọi chung là xứ Thuận Quảng (gồm Thuận Hóa và Quảng Nam). Trịnh Kiểm nghĩ – Thuận Hoá là vùng sơn lam chướng khí, Ngài sẽ không làm được công trạng gì, vả lại đây cũng là vùng đất hay có nạn giặc cướp quấy phá đêm ngày, là cơ hội để rảnh tay, và cũng là kế sách mượn tay kẻ khác để giết Ngài.
Kể từ khi Đức Triệu Tổ qua đời, Thái Tổ là người tiên kiến được những biến động liên quan đến gia đình, dòng họ, quốc sự. Năm 1558, Ngài quyết ra đi tìm miền đất hứa, mang gươm khởi nghiệp phương Nam – lập giang sơn. Ngài mang theo bầu đoàn thê tử, bà con người huyện Tống Sơn, các nghĩa dũng trung thành xứ Thanh – Nghệ (Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An),…vào Trấn Thủ Thuận Hoá – mở đầu cho cuộc trường chinh Nam Tiến. Điểm đầu tiên mà Ngài dừng chân đóng trại là gò Phù Sa thuộc làng Ái Tử(55), được coi là thủ phủ đầu tiên của chúa Nguyễn. Tại đây, Ngài bắt đầu thực hiện chính sách thu phục lòng người – ban bố hiệu lệnh nghiêm minh, vỗ về quân dân, chiêu hiền đãi sỹ, bước đầu ban hành chính sách giảm thuế cho dân, phát triển sản xuất...Nên nhân dân trong vùng mến mộ, hiền tài xa gần nghe tin hội tụ về đây giúp Ngài dựng xây cơ đồ. Vùng đất Ái Tử chẳng mấy chốc trở thành nơi đô hội, dân chúng cuộc sống ấm no, hạnh phúc,...nhân dân mến mộ xưng tụng Ngài là Chúa Tiên (ví như ông tiên, hiền lành, nhân ái, cứu nhân độ thế). Sau cuộc ra đi gian lao vất vả đó, giờ đây Ngài như con rồng, đủ vây cánh bay vút tận trời xanh, hiện rõ nguyên hình một con người phi thường, đức rộng, tài cao – sử sách lưu danh, hậu thế muôn đời kính phục...
Năm Canh Ngọ 1570, Ngài dời dinh về làng Trà Bát(56) để tạo ra một thủ phủ bề thế, tầm cỡ hơn...Cũng trong năm ấy, Ngài được vua Lê phong làm Tổng Trấn Thuận Quảng. Từ đây – Ngài càng ra sức củng cố lực lượng, tăng cường phòng thủ, phát triển dân cư, mở rộng địa bàn hành chính và mở mang giao thông đi lại, thực hiện chính sách khai hoang phục hoá, di dân, lập ấp, đặc biệt là mở rộng giao thương.
Năm Nhâm Ngọ (1572), tướng Mạc là Lập Bạo đem quân vào đánh Thuận Hóa bị Ngài đánh bại và giết chết.
Năm Quý Dậu (1573), Lê Anh Tông (1556 – 1573) băng hà, Lê Thế Tông (1573 – 1599) lên ngôi, Ngài được vua Lê phong chức Thái Phó Đoan Quận Công.
Mười năm Trấn nhậm – với chính sách rộng rãi, quân lệnh nghiêm minh, nên nhân dân được an cư lạc nghiệp: “Chợ không bán hai giá, người không có trộm cướp, đêm ngủ không phải lo đóng cửa, thuyền buôn ngoại quốc đến buôn bán đông đúc, xứ Thuận Quảng trở thành nơi đô hội lớn”.
- Ở Đàng Ngoài, Trịnh Kiểm (1545 – 1570) mất, con là Trịnh Tùng (1570 – 1623) lên nối ngôi chúa (sau khi đã đánh bật anh là Trịnh Cối đoạt lấy binh quyền Nam Triều). Năm 1573, Trịnh Tùng lật đổ vua Lê Anh Tông, đưa vua nhỏ tuổi Lê Thế Tông lên ngôi để làm vua bù nhìn, bản thân nắm hết quân quốc đại sự. Năm 1592, Trịnh Tùng xuất quân Bắc phạt, giành lại Kinh thành Đông Kinh từ tay nhà Mạc, đưa vua Lê hồi kinh, hoàn thành sự nghiệp “Lê Trung Hưng”. Trịnh Tùng ép vua Lê phong Vương cho mình, lập con làm Thế tử (họ Trịnh lúc này mới thực sự xưng Vương khi còn tại vị, được gọi là chúa), lập Phủ chúa tại thành Đông Kinh, chính thức mở ra cơ đồ 200 năm của họ Trịnh.
Được tin, năm Quý Tỵ (1593), Ngài đem quân ra yết kiến vua Lê, được vua Lê phong chức Trung Quân Đô Đốc Phủ Tả Đô Đốc Chưởng Phủ Sự Thái Uý Đoan Quốc Công, và giao Ngài ở lại kinh đô để lo việc Quốc chính. Trong suốt 8 năm sống trên đất Bắc, Ngài luôn lập được nhiều chiến công trong các trận đánh tàn quân nhà Mạc còn sót lại...
Năm Ất Mùi (1595), Ngài được cử làm Đế Diệu (là một trong các chức quan trọng trong các khoa thi, điều hành công việc thi cử) khoa thi Tiến sỹ.
Năm Kỷ Hợi (1599), vua Thế Tông băng, vua Lê Kính Tông (1599 – 1619) nối ngôi, phong Ngài chức Tể Tướng Đoan Quốc Công (có Phả chép tấn phong Ngài làm chức Hữu Tướng), và được trọng vọng ở kinh đô. Nhưng nghĩ lại âm mưu của nhà Trịnh trước đây (chúa Trịnh Tùng tuy gọi Ngài bằng cậu ruột, nhưng không muốn thả hổ về rừng), ý chí thu phục Đàng Trong càng trở nên mãnh liệt.
Năm (Canh Tý) 1600, nhân có quân Phan Ngan, Bùi Văn Khuê làm loạn ở Đàng Trong, Ngài tâu lên vua Lê xin đem quân vào phủ dụ. Được vua Lê đồng ý, Trịnh Tùng cũng đành phải chấp nhận và nghĩ rằng – việc thu phục quân phản loạn Đàng Trong, ngoài Ngài ra không ai có thể làm được. Lần này ra đi là nhất định không trở lại, nên Ngài đã thực hiện một cuộc huy động tổng binh lực, nhằm hướng phương Nam – theo đường biển mà tiến vào Thuận Hóa. Để thực hiện ý đồ gây dựng Vương nghiệp lâu dài ở xứ Đàng Trong và tránh con mắt dòm ngó của Trịnh Kiểm, Ngài đã gửi lại Ông Nguyễn Hải (con) và ông Nguyễn Hắc (cháu nội – con Ông Nguyễn Hán) ở lại Bắc Hà làm con tin và về sau lại gả con gái Ngọc Tú cho chúa Trịnh Tráng (con cả của Trịnh Tùng). Như vậy, ngay từ buổi đầu dựng nghiệp, con cháu Ngài đã phân ly kẻ Nam người Bắc. Một cuộc ra đi gian lao, vất vả nhưng rồi tất cả cũng đã đặt chân đến được miền đất hứa. Vua Lê và chúa Trịnh sai sứ vào phủ dụ.
Một trang sử mới nhà Nguyễn mở ra: Để vỗ về dân, an dân, làm điềm lành trong thiên hạ – từ phủ Ái Tử, trong một lần rong ruổi vó ngựa đi tìm thủy phong để định đô, Ngài đã chọn miền Hà Khê(57) là nơi đất có thế rồng cuộn, hổ ngồi làm miền thiêng địa linh, nơi kết tinh khí thiêng đất trời làm anh linh của giang sơn. Trên đỉnh Hà Khê, năm Tân Sửu (1601), Ngài cho dựng chùa Thiên Mụ để tụ khí, bền long mạch. Lịch sử đất nước cũng từ đây bước sang trang mới – cuộc trường chinh mở cõi phương Nam mà Ngài là người khai sáng, tiên phong, thực hiện sứ mệnh cuộc thiên di này, đánh dấu cương vực nước ta trên bản đồ thế giới. Tất cả được thể hiện bằng ý chí và quyết tâm của Ngài trong việc tổ chức, lãnh đạo nhân dân yên phận định cư trên đất Chiêm Thành, đã làm cho xứ Thuận Quảng ngày thêm trù phú...
Để từng bước, và bảo vệ vững chắc biên giới phía Nam, đánh đuổi sự quấy nhiễu của Chăm Pa, tạo cơ hội cho dân tình yên ổn làm ăn: Năm Nhâm Dần (1602), Ngài sai Thế Tử Nguyễn Phúc Nguyên làm Trấn Thủ Quảng Nam dinh – đây là xứ đất tốt, dân đông, sản vật giàu có để cho Thế Tử tập làm Chính sự. Ngài cho lập thêm các chùa – Long Hưng (Duy Xuyên – Quảng Nam), Bảo Châu (Trà Kiệu – Quảng Nam) và Kính Thiên (Lệ Thủy – Quảng Bình), đồng thời cho đổi thừa tuyên Quảng Nam thành Quảng Nam dinh. Xây dựng tuyến phòng thủ – dinh trấn Thanh Chiêm (thuộc Quảng Nam dinh vào năm 1604), để thực hiện sứ mệnh cuộc thiên di về phía Nam…
Năm (Tân Hợi) 1611, sau khi đánh thắng quân Chăm Pa tại thành Hồ (thủ phủ của Chăm Pa tại vùng Ayaru) Ngài đã cho sát nhập vùng Ayaru vào lãnh thổ Đàng Trong với tên gọi là Phú Yên (tỉnh Phú Yên ngày nay) với mong muốn đây sẽ là vùng đất trù phú – yên bình, nguyên gọi là Hoa Anh, cho lập trị sở (phủ Phú Yên) trực thuộc Quảng Nam dinh, và nhân đó chiếm hữu bãi Cát Vàng (quần đảo Hoàng Sa) khi còn là vô chủ. Bên cạnh đó, Ngài còn cho thực hiện một loạt chính sách phá vỡ thế trọng nông ức thương, mở rộng giao thương buôn bán, làm cho xứ Đàng Trong ngày càng hưng thịnh, tạo nên một hậu phương vững chắc cho công cuộc mở nước – tiếp tục sau này.
Năm Quý Sửu (1613), ngày 3 – 6 (20 – 7) Ngài yếu, cho triệu Thế Tử Nguyễn Phúc Nguyên và các thân thần đến trước ngự sàng bảo rằng: “Ta với các ông cùng nhau cam khổ đã lâu, muốn dựng nên nghiệp lớn. Nay ta để lại gánh nặng cho con ta, các ông vui lòng giúp đỡ cho nên công nghiệp”, Ngài lại tiếp tục căn dặn Thế Tử Nguyễn Phúc Nguyên, nói rồi Ngài băng, ở ngôi 56 năm, thọ 89 tuổi.
“Dư địa chí Biên phòng Việt Nam 2013” đã bình chọn Ngài vào hàng danh sách những vị vua, chúa tài giỏi nhất trong lịch sử Việt Nam.
Đức Thái Tổ là người khai sáng Hệ 2 – Vương Phả (Tiên Tổ Đời Thứ 2 – dòng họ Nguyễn Phúc kế truyền lập Hệ), Tổ Nguyễn Phúc Tộc – Hệ 2. Hậu duệ của Ngài cũng là con cháu của Đức Triệu Tổ Nguyễn Cam, nhưng không liệt vào Hệ 1 mà được liệt vào Hệ 2 – vì Ngài là vị Hoàng đế thứ 2 của nhà Nguyễn được truy tôn.
Tri Ân Người
Oai hùng rẽ sóng ra khơi. Mang gươm khởi nghiệp đất trời phương Nam. Định đô xây dựng giang san. Mở mang bờ cõi huy hoàng bốn phương.
Phu nhân: Thái Tổ Gia Dũ Hoàng Hậu người họ Nguyễn, tiểu sử không rõ. “Đại Nam Liệt Truyện” của “Quốc Sử Quán Nhà Nguyễn” chép về Bà như sau: “Bà họ Nguyễn (họ Nguyễn khác), sự tích không rõ. Bà sinh một trai là Hy Tông Hoàng Đế. Mùa hạ tháng 5 (không nhớ năm) bà mất, táng ở lăng Vĩnh Cơ (thuộc Sơn Phận làng Hải Cát), Gia Long năm thứ 7 (1808), mới truy dâng tên lăng. Các lăng sau đây cũng thế. Năm Giáp Tý (1744), Thế Tông Hoàng Đế năm thứ 6, truy dâng tôn thụy: Từ Lương Quang phục Ý Phi, sau lại thêm hai chữ Minh Đức. Năm Bính Dần, Gia Long thứ 5, lại truy tôn: Từ Lương Quang Thục Minh Đức Ý Cung Gia Dũ Hoàng Hậu. Bài sách văn đại lược rằng: Giương oai cầm cây Việt cờ mao, định yên thế nước, thực bởi thánh công, trong sáng như ngọc cư ngọc vũ, chỉnh đốn việc nhà đều nhờ hậu đức. Kính nghĩ, Từ Lương Quang Thục Minh Đức Nguyễn Ý Phi Điện Hạ: Thánh sánh đối với thánh, đến ở ấp mới này. Khuyến tướng sỹ ở cần lao hang trận, nêu đức, tính trinh tĩnh ở đình vi. Đức hóa khắp nước nhà, Phước trạch nhuần cháu chắt. Cho nên, nay trên nhờ bóng cả, thêm sáng tốt xưa. Coi phước đức này, dám dâng sùng báo. Kính làm sách vàng, dâng tôn hiệu: Từ Lương Quang Thục Minh Đức Ý Cung Gia Dũ Hoàng Hậu, thờ chung vào Thái Miếu”.
Bà mất ngày 16 – 5, năm mất không rõ.
Lăng Bà – Lăng Vĩnh Cơ, được an táng tại làng Hải Cát(58).
Năm Giáp Tý (1744), Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát truy tôn Bà – Từ Lương Quang Thục Ý Phi, sau thêm hai chữ Minh Đức.
Năm Bính Dần (1806), vua Gia Long truy tôn Bà – Từ Lương Quang Thục Minh Đức Ý Cung Gia Dũ Hoàng Hậu.
Bà được phối thờ với Đức Thái Tổ ở Thái Miếu – Đại Nội – Kinh thành Huế. Trong văn sách truy tôn có hai câu: “Cầm búa dựng nước là công của Đức Thánh. Mang ngọc quí trị nhà do ân từ của Hậu”.
Bà chỉ sinh một người con trai là Nguyễn Phúc Nguyên, chính là Đức Hy Tôn sau này.
Bà có người em gái Nguyễn Thị Ngọc Dương là vợ của ông Mạc Cảnh Huống (theo Đức Thái Tổ vào nam, phò tá Ngài và làm quan đến chức Tổng binh).
Ngoài ra theo Gia Phả thì Ngài còn 2 Bà Phi nữa (lai lịch không rõ).
Con cái: Nguyễn Hà, Nguyễn Hán, Nguyễn Thành, Nguyễn Diễn, Nguyễn Hải, Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Hiệp, Nguyễn Phúc Trạch, Nguyễn Phúc Dương, Nguyễn Phúc Khê, Nguyễn Phúc Ngọc Tiên, Nguyễn Phúc Ngọc Tú.
Hệ 2 hiện có 3 Phòng:
Phòng 1 – Đệ Nhất Phòng: Phòng Ông Nguyễn Hà – Phủ thờ tọa lạc tại thôn Dương Xuân Hạ – làng Dương Xuân.
Phòng 4 – Đệ Tứ Phòng: Phòng Ông Nguyễn Diển – Phủ thờ tọa lạc tại thôn Dương Xuân Hạ – làng Dương Xuân.
Phòng 10 – Đệ Thập Phòng: Phòng Ông Nguyễn Phúc Khê – Phủ thờ tọa lạc tại làng Nam phố(59).
Các Ông Nguyễn Hải (con) và cháu nội là ông Hắc, ông Vịnh (con Lỵ Nhân Công Nguyễn Hán) ở lại Bắc Hà, về sau làm quan Triều Lê. Năm 1802, vua Gia Long sau khi lên ngôi – thống nhất sơn hà, đặt cho nhánh họ Nguyễn này ở Bắc Hà mang Công Tánh Nguyễn Hựu.
Các Ông Nguyễn Phúc Hiệp và Nguyễn Phúc Trạch vì can quốc sự, bị tước Tôn tịch, con cháu sau phải đổi ra họ Nguyễn Thuận.
Anh em: Nguyễn Uông – lúc Đức Triệu Tổ mất, Ông được tập ấm là Lãng Xuyên Hầu, sau được tấn phong là Tả tướng Lãng Quận Công. Trịnh Kiểm muốn tranh đoạt quyền bính nên ám hại Ông. Ông mất ngày 11 – 1 ÂL, lúc đầu mộ táng ở Thanh Hóa, sau cải táng đến vùng Long Thọ – thôn Dương Xuân Thượng – làng Dương Xuân. Ông có một người con trai là Nguyễn Uyên, đi theo Đức Thái Tổ vào Nam, làm quan đến chức Đề lãnh Thượng khố Đội trưởng.
Vương Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Bảo – Bà là chị gái của Đức Thái Tổ, tiểu sử không rõ. Theo Gia Phả họ Nguyễn ở làng Bồng Trung(60), mẹ Bà người họ Đỗ. Năm Quí Tỵ (1533), Đức Triệu Tổ gả Bà cho Trịnh Kiểm. Khi Đức Thái Tổ bị Trịnh Kiểm ghen ghét, nhiều lần muốn mưu hại, Bà biết ý – thường khéo dùng lời khuyên ngăn Trịnh Kiểm, tìm cách xin cho Thái Tổ vào trấn thủ Thuận Hóa. Mùa Thu năm Bính Tuất (1586), cung chúa Trịnh bị hỏa tai, Bà bị nạn mà mất. Bà được truy tặng là Vương Thái phi, thụy là Từ Nghi. Bà là người sinh ra Trịnh Tùng, kế nghiệp Trịnh Kiểm làm chúa phương Bắc.
Ghi chú:
1. Thái Tổ Gia Dũ Hoàng Đế là cách đọc ngắn gọn, kết hợp với các cụm từ trong Miếu hiệu và Thụy hiệu của Ngài được truy tôn. Còn chức vị hiển đạt cao nhất của Ngài là Chúa Tiên (từ mà dân chúng Đàng Trong quen gọi). Lúc còn là thần tử nhà Lê, chức vị của Ngài là Tể Tướng Đoan Quốc Công
2. Trong tâm linh – tín ngưỡng của người Việt, Ngài hiển linh là vị Nhân Thần anh linh, luôn phù hộ cho quốc thái dân an, có tên là Quan Hoàng Triệu Tường. Một số nơi thờ Ngài như sau:
- Đền Hoàng ở xã Liên Mạc – Từ Liêm – Hà Nội, tương truyền Đền được xây để thờ Ngài, ngay trên đất Ngài đóng quân, khi Ngài còn ở Đông Đô lo giúp vua Lê đánh Mạc.
- Đền Quan Hoàng Triệu Tường ở đất Triệu Tường xưa (thuộc Gia Miêu Ngoại Trang), nay là thôn Gia Miêu – xã Hà Long – huyện Hà Trung – Thanh Hóa.
- Ngoài ra Ngài còn hay được thỉnh về trong các giá hầu Quan Hoàng thuộc hệ thống Tứ Phủ – Đạo Mẫu Việt Nam.
Phước Cảnh 21/7/2020
Ghi chú: Nhân ngày mất của Đức Thái Tổ - xin có được đôi nét về Ngài.