ĐỨC HY TÔNG HIẾU VĂN HOÀNG ĐẾ húy NGUYỄN PHÚC NGUYÊN.

Thứ sáu - 25/10/2024 01:51 52 0
Sắp tới ngày Húy kỵ của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, xin gửi tới bà con nội ngoại vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của Ngài. Hậu duệ muôn đời mãi tự hào về Tiên Tổ.
ĐỨC HY TÔNG HIẾU VĂN HOÀNG ĐẾ húy NGUYỄN PHÚC NGUYÊN. (16.8.1563 – 19.11.1635)
Bài viết của Mệ Liên Quốc.
Sắp tới ngày Húy kỵ của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, xin gửi tới bà con nội ngoại vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của Ngài. Hậu duệ muôn đời mãi tự hào về Tiên Tổ.
ĐỨC HY TÔNG HIẾU VĂN HOÀNG ĐẾ húy NGUYỄN PHÚC NGUYÊN. (16.8.1563 – 19.11.1635)
Chúa húy là Nguyễn Phúc Nguyên 阮 福 源, sinh ngày 28 tháng 7 năm Quý Hợi (16 tháng 8 năm 1563).
Là con trai thứ 6 của Đức Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế và Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Hậu. Nối nghiệp cha từ năm 1613, lúc đã 51 tuổi nên rất dạn dày việc nước và có uy tín lớn.
Tương truyền khi Hậu của Chúa Tiên mang thai, thì nằm mộng thấy Thần nhân cho một tờ giấy viết nhiều chữ Phúc. Ban đầu Hậu định lấy chữ Phúc đặt tên cho con, nhưng sau nghĩ lại nếu làm vậy thì chỉ được một người được hưởng phúc, nên quyết định lấy làm chữ lót để tất cả con cháu đều được hưởng phúc muôn đời. Họ Nguyễn Phúc (Phước) có từ đời này trở đi.
Năm 1585, khi mới 22 tuổi Công Tử Nguyễn Phúc Nguyên đã tỏ ra có tài cầm quân, đánh tan được hai chiến thuyền ngoại quốc đến quấy phá vùng cửa Việt, vì vậy Chúa Tiên tín nhiệm giao cho Ngài làm trấn thủ Quảng Nam (năm 1602). Một thời gian khá lâu cho đến ngày lên ngôi Chúa kế vị vào tháng 6 năm Quý Sửu (1613), sau khi Đức Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế băng.
Sau khi lên ngôi, Ngài cho sửa thành lũy, đặt quan ải, vỗ về quân dân trong ngoài đều tin phục. Thời bấy giờ người ta thường gọi Ngài là Chúa Sãi, Chúa Bụt hay Sãi Vương.
Trong các năm kế tiếp, Chúa Sãi cho tiến hành một chính sách khoan hòa nghiêm minh nên quân dân đều mến phục, Ngài cho sửa sang thành lũy, đặt tam ty và các chức quan để điều khiển guồng máy cai trị tại trung ương và các địa phương, tại các phủ huyện thì thực hiện việc đo đạc và phân chia ruộng đất một cách quy củ, để tiện kiểm soát và tránh lạm dụng.
Với sự giúp đỡ của các tướng văn võ toàn tài như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến v.v... Chúa Sãi đã có đủ sức mạnh để ra mặt chống nhau với họ Trịnh. Tuy vẫn còn chấp nhận vua Lê. Việc dời dinh từ làng Trà Bát (Quảng Trị) vào xa hơn về phía Nam là làng Phước Yên huyện Quảng Điền (Thừa Thiên) vào năm 1626 là cũng nằm trong ý đồ đó.
Năm Canh Thân 1620 họ Trịnh lấy cớ khởi binh, hai em của Ngài thông đồng với quân Trịnh, chiếm kho Ái Tử, đắp lũy Cồn Cát để làm phản. Ngài sai người đến khuyến dụ nhưng hai ông không chịu nghe, khi hai ông ông Hiệp và Trạch bị bắt, Ngài trông thấy chảy nước mắt nói: “Sao hai em nở làm điều trái với luân thường?” Hai ông cúi đầu chịu tội. Ngài muốn tha nhưng triều thần không chịu, bèn sai giam vào ngục. Từ đây Ngài không nộp cống vật cho chúa Trịnh vua Lê nữa.
Năm Tân Dậu 1621, quân Man thuộc Ai lao cướp phá biên thùy, Ngài cho quân đánh bắt, nhưng lấy đức độ cảm hóa và tha cho, nên chúng cảm phục từ đó không quấy nhiễu nữa.
Không những là người có tài về quân sự và chính trị, Chúa Sãi còn là một nhà ngoại giao khôn khéo, năm 1620 Chúa gả con gái là Công Nữ Ngọc Vạn cho vua Miên Chey Chetta II, nhờ đó những lưu dân Đàng Trong có được sự dễ dàng khi vào làm ăn sinh sống ở đất thủy Chân Lạp, làm đầu cầu cho cuộc Nam tiến mở rộng đất đai sau này. Năm 1631, Chúa lại gả Công Nữ Ngọc Khoa cho vua Chiêm là Pô Rome, đem lại sự hòa hiếu giữa hai nước Chiêm - Việt.
Để gia tăng sự phòng thủ, năm 1630 Đào Duy Từ đã giúp Chúa Sãi xây lũy Thầy (lũy Trường Dục, Nhật Lệ, Trường Sa) ở Quảng Bình, tạo thành một thế vững chắc cho xứ Đàng Trong, gây dựng chính quyền độc lập với Đàng Ngoài. Cuộc Nam Bắc phân tranh kéo dài trong 45 năm từ năm 1627 đến năm 1672 hai bên đánh nhau 7 lần thì hai lần xảy ra dưới thời của Chúa Sãi vào các năm 1627 và 1633 quân Trịnh đều bị thua, phải rút quân về.
Năm 1629, Chúa Sãi cử Phó tướng Nguyễn Hữu Vinh, con trưởng Mạc Cảnh Huống đem quân dẹp yên quân Chăm Pa và đổi phủ Phú Yên thành dinh Trấn Biên.
Năm Canh Ngọ 1630, Chúa đã khôn khéo trả lại sắc phong và từ chối không nộp cống vật cho chúa Trịnh, rồi đánh lấy đất Nam Bố Chính, lấy sông Gianh làm ranh giới thiên nhiên phân hẳn hai miền Nam - Bắc để tính kế lâu dài.
Năm 1631, Chúa lập ra sở đúc súng đại bác, mở trường bắn, trường tập voi, tập ngựa, cứ hằng năm luyện tập để phòng bị chiến tranh do nhu cầu phát triển lực lượng chống Trịnh. Đây cũng là thời kỳ đầu tiên có nhà thờ Thiên Chúa giáo xuất hiện trên đất Huế, do Chúa mời chuyên gia người phương Tây từ Hội An ra Huế mở xưởng đúc vũ khí, đạn dược và những giáo dân này cần có nơi hành lễ hàng tuần.
Trong thời gian trấn thủ dinh Thanh Chiêm và thời trị vì của mình, (từ năm 1602 đến năm 1634) Chúa Sãi đã đã lập tại Hội An một hệ thống hành chính hoạt động rất hiệu quả, sầm uất, nhằm chú trọng phát triển ngoại thương, tận dụng ưu thế địa lý là nằm trên huyết mạch giao thương đường thủy giữa Đông Á với phương Tây. Mạc Phủ Nhật Bản đã cấp rất nhiều giấy phép cho Châu Ấn Thuyền để qua nơi này giao dịch mua bán hàng hoá. Đây là sự phát triển vượt trội, một hiện tượng kinh tế xã hội hết sức độc đáo chưa từng xuất hiện trước đó, cũng không thấy lặp lại ở bất cứ đô thị nào trên đất Việt Nam nhiều thế kỷ sau này.
Đặt biệt, nối tiếp công lao của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã chiếm hữu Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa), lúc đó mới chỉ là một vùng đất vô chủ mà không một nước nào phản đối hay bảo lưu, thì Chúa Sãi chính là người đã sáng tạo ra một hình thức thực thi chủ quyền, trên các vùng quần đảo Hoàng Sa giữa Biển Đông hết sức độc đáo là cho tổ chức một đội Hoàng Sa 70 suất đinh, sau lập thêm đội Quế Hương và đến năm Tân Mùi 1631, lại có thêm hai đội Đại Mạo Hải Ba và Quế Hương Hàm 30 suất đinh nữa, để tìm nhặt các sản vật của các tàu đắm và thu các nguồn lợi hải sản.
Không những Ngài có tài trị nước mà còn là người khiêm cung, lễ nghĩa. Ngài từng nói với các tướng: “Đánh người lúc có tang là bất nhân, nhân lúc người lâm nguy mà đánh người là bất vũ, huống gì ta với họ Trịnh còn có nghĩa thông gia”. Số là lúc Trịnh Tùng mất vào năm 1623, các con của chúa Trịnh tranh giành ngôi thứ, các tướng khuyên Ngài nổi nghĩa binh phò Lê diệt Trịnh, nhưng Ngài không đồng ý.
Ngày 10.10 năm Ất Hợi (19.11.1635) Chúa không khỏe, cho triệu thế Tử là Nguyễn Phúc Lan và em mình là Nguyễn Phúc Khê vào chầu, gửi gắm Thế Tử cho người em tín cẩn rồi Ngài băng, ở ngôi 22 năm, thọ 73 tuổi.
Lúc đầu lăng Chúa táng taị huyện Quảng Điền, về sau cải táng tại làng Hải Cát, Hương Trà, Thừa Thiên, tên lăng là Trường Diễn. Năm Bính Dần (1806), vua Gia Long truy tôn: Hiển Mô Quang Liệt Ôn Cung Minh Duệ Dực Thiện Tuy Du Hiếu Văn Hoàng Đế. 顯 謨 光 烈 温 恭 明 睿 翊 善 綏 猷 孝文皇帝. Miếu hiệu là Hy Tông 僖 宗. Long vị của Chúa được thờ tại Thái Miếu ở án thứ nhất bên trái cùng Hậu.
Hậu của Chúa là bà Nguyễn Thị Giai, năm 1806, vua Gia Long truy tặng bà thụy hiệu là Huy Cung Từ Thận Ôn Thục Thuận Trang Hiếu Văn Hoàng Hậu 徽 恭 慈 慎 溫 淑 順 莊 孝 文 皇 后, lăng Hậu táng tại núi Chiêm Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam, tên lăng là Vĩnh Diễn.
Đức Hy Tông Hiếu Văn Hoàng Đế là vị Chúa xây dựng cơ nghiệp nhà Nguyễn với một ý chí cương quyết, kiến tạo một vương triều độc lập tự chủ, thoát ly hẳn sự lệ thuộc với triều đình vua Lê chúa Trịnh. Chúa chỉnh đốn việc cai trị, củng cố về mặt quốc phòng, biết dùng người tài giỏi để chăm lo việc nước, mở rộng quan hệ giao thương với nước ngoài, thúc đẩy kinh tế hàng hoá trong nước, xây dựng Hội An thành thương cảng quốc tế phồn thịnh, trên khắp vùng nhân dân được an cư lạc nghiệp.
Chuẩn bị kỷ niệm 389 năm, ngày băng của Đức Hy Tông Hiếu Văn Hoàng Đế (10.10.Ất Hợi 1635 - 10.10.Canh Tý 2020), thành kính dâng lên Tiền Nhân tấm lòng của người con cháu tha hương.

Tác giả: Admin, Bài viết của Mệ Liên Quốc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây