BÀI 1: THƯ TỊCH CỔ VIỆT NAM CHỨNG MINH CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA

Thứ ba - 01/06/2021 07:55 1.633 0
Tư liệu về Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam rất đa dạng và phong phú. Đó là các văn bản hành chính do nhà nước phong kiến Việt Nam ban hành; các tấu trình của quan lại chính quyền các cấp; các bộ chính sử, điển lệ do nhà nước tổ chức biên soạn và ấn hành; các trước tác, biên khảo về lịch sử, địa dư, phong thổ của các học giả đương thời… có ghi chép, phản ánh về quá trình khai phá, xác lập chủ quyền và hoạt động thực thi, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trong các thế kỷ XVII - XIX. (Đã được sự đồng ý của tác giả)
BÀI 1

THƯ TỊCH CỔ VIỆT NAM CHỨNG MINH CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA

TRẦN ĐỨC ANH SƠN

Tư liệu về Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam rất đa dạng và phong phú. Đó là các văn bản hành chính do nhà nước phong kiến Việt Nam ban hành; các tấu trình của quan lại chính quyền các cấp; các bộ chính sử, điển lệ do nhà nước tổ chức biên soạn và ấn hành; các trước tác, biên khảo về lịch sử, địa dư, phong thổ của các học giả đương thời… có ghi chép, phản ánh về quá trình khai phá, xác lập chủ quyền và hoạt động thực thi, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trong các thế kỷ XVII - XIX.
1. Hoàng Sa trong thư tịch cổ thời Lê - Trịnh, chúa Nguyễn và Tây Sơn (thế kỷ XVII - XVIII)
Những ghi chép về Hoàng Sa trong thư tịch cổ thời Lê - Trịnh, chúa Nguyễn và Tây Sơn đang được lưu trữ tại các thư viện, trung tâm lưu trữ của nhà nước; tại các đình, miếu, nhà thờ tộc họ... Ở Việt Nam; tại các thư viện, văn khố ở nước ngoài. Tiêu biểu là các thư tịch: Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, Đại Việt sử ký tục biên, Phủ biên tạp lục và những văn bản hành chính phản ánh hoạt động quản lý và thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa trong các thế kỷ XVII - XVIII.
    1. Ghi chép về Hoàng Sa trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư
Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (纂集天南四至路圖書) là tập bản đồ nước ta do Đỗ Bá soạn vẽ theo lệnh của chúa Trịnh vào năm Chính Hòa thứ 7 (1686) triều vua Lê Hy Tông (1676 - 1705). Đây là thư tịch liên quan đến Hoàng Sa có niên đại sớm nhất được phát hiện ở Việt Nam từ trước đến nay.
Mở đầu tập bản đồ này là bài dẫn, tựa là Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư dẫn (天南四至路圖書引), giới thiệu sơ lược về thân thế tác giả và một số nội dung cơ bản của tập bản đồ này, trong đó có đoạn viết về địa danh 罷吉鐄 (Bãi Cát Vàng) ở ngoài khơi phủ Quảng Ngãi và việc chính quyền Đàng Trong hàng năm đều cử binh thuyền ra thu nhặt của cải từ các tàu bị đắm do bão giạt vào nơi này.

Ngoài ra, tại quyển 1 của Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư ghép chung với tập Giáp Ngọ niên bình Nam đồ (甲午年平南圖) trong bộ sách có tên Hồng Đức bản đồ (洪德本圖), có tờ bản đồ vẽ hình thế huyện Bình Sơn (phủ Quảng Ngãi) và vùng biển ở phía đông huyện này. Phía trên tờ bản đồ này có phần chú dẫn bằng chữ Hán, miêu tả địa danh 罷吉鐄 (Bãi Cát Vàng) nằm ở ngoài khơi huyện này, khoảng cách từ đất liền đi đến Bãi Cát Vàng và hoạt động thu nhặt của cải từ các tàu đắm trôi giạt vào nơi này dưới thời các chúa Nguyễn (thế kỷ XVII - XVIII), tương tự như nội dung chép trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư dẫn.

Những dòng chú dẫn này là bằng chứng cho thấy vào thế kỷ XVII người Việt đã biết đến Hoàng Sa, đã đặt tên Nôm cho vùng đảo này là Bãi Cát Vàng và chính quyền Đàng Trong đương thời đã thường xuyên đưa binh thuyền đến đây để khai thác nguồn lợi ở nơi này.
    1. Ghi chép về Hoàng Sa trong Thiên Nam lộ đồ Thiên Nam lộ đồ (天南路圖) là tập bản đồ nước Đại Việt do Nhữ Ngọc Hoàn (汝玉丸) soạn vẽ vào năm 1771. Tập bản đồ này gồm bản đồ Trung Đô (Thăng Long) và 13 thừa tuyên của nước ta lúc đó, vẽ chi tiết đến các phủ, huyện, xã, cùng với bản đồ các trục đường từ Trung Đô đi về phía nam và đi lên phía bắc. Phần sau tập bản đồ có đính kèm tờ bản đồ số 43 trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá. Tờ bản đồ số 78 trong tập Thiên Nam lộ đồ có miêu tả về Bãi Cát Vàng ở ngoài khơi và ghi nhận việc chúa Nguyễn ở Đàng Trong hàng năm đưa thuyền đến đây thu nhặt của cải, súng đạn từ các tàu đắm ở nơi này như nội dung đã chép trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư.
    1. Ghi chép về Hoàng Sa trong Phủ biên tạp lục Phủ biên tạp lục (撫邊雜錄) là bộ sách do Lê Quý Đôn (1726 - 1784) biên soạn năm 1776. Sách gồm sáu quyển, trong đó quyển 1 và quyển 2 có những ghi chép liên quan đến Hoàng Sa. Đặc biệt, quyển 2 đã dành nhiều trang miêu tả về địa lý và hình thế của quần đảo Hoàng Sa, mà Lê Quý Đôn gọi là Đại Trường Sa, cùng quá trình khai thác, xác lập chủ quyền trên vùng biển đảo này thông qua hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải dưới thời chúa Nguyễn.
Phủ biên tạp lục là tư liệu cung cấp những thông tin đầy đủ nhất về Hoàng Sa và hoạt động của hai đội Hoàng Sa và Bắc Hải, cho biết chúa Nguyễn không chỉ khai thác Hoàng Sa mà đã vươn ra làm chủ các vùng biển Bắc Hải (nay là quần đảo Trường Sa) và các vùng biển đảo phía nam như Bình Thuận, Côn Lôn, Hà Tiên… ngay từ đầu thế kỷ XVIII.
    1. Ghi chép về Hoàng Sa trong Đại Việt sử ký tục biên Đại Việt sử ký tục biên (大越史記續編) được biên soạn theo lệnh của chúa Trịnh Sâm (1739 - 1782), viết về lịch sử Việt Nam từ năm 1676 đến năm 1789, tức là từ triều Lê Hy Tông (1663 - 1716) đến triều Lê Chiêu Thống (1765 - 1793) nhà Hậu Lê. Bộ sử này gồm sáu cuốn, được chính thức khắc in vào năm Chính Hòa thứ 18 (1797). Phần lớn nội dung Đại Việt sử ký tục biên ca ngợi công lao của các chúa Trịnh, nên đến thời Nguyễn bộ sử này bị cho là “yêu thư”. Năm 1838, vua Minh Mạng đã ra lệnh cấm lưu hành và tiêu hủy các bản in bộ Đại Việt sử ký tục biên. Tuy chủ yếu viết về triều đình Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài, nhưng Đại Việt sử ký tục biên cũng ít nhiều quan tâm đến tình hình Đàng Trong đương thời và có những ghi chép về hoạt động của đội Hoàng Sa vào năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754). Đây là những ghi chép sớm nhất về biên chế và hoạt động của đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn, đồng thời miêu tả khá rõ về vị trí, hình thế, số lượng các đảo, sản vật tự nhiên… của quần đảo Hoàng Sa.
    2. Ghi chép về Hoàng Sa trong Quảng Thuận đạo sử tập Quảng Thuận đạo sử tập (廣順道史集) do Nguyễn Huy Quýnh (1734 -1786) biên soạn trong khoảng thời gian từ năm 1774 đến năm 1785. Đây là một tư liệu quan trọng viết về Đàng Trong vào cuối thế kỷ XVIII. Trong tác phẩm này, Nguyễn Huy Quýnh đã ghi chép về lộ trình bằng đường bộ và đường thủy từ xứ Thuận Hóa đến phủ Gia Định, miêu tả rất rõ các dịch trạm trên đường, bến đò, các sở tuần, kho, dinh thự, chùa quán, lâm thổ sản, thuế lệ và thời gian di chuyển... Trên các cung đường này kèm bản đồ minh họa. Trong đó, có hai đoạn có liên quan đến hoạt động của đội Hoàng Sa Nhị ở xã An Vĩnh trên đảo Lý Sơn.
Hai đoạn ghi chép trên cho biết cư dân xã An Vãng (đúng ra là phường An Vĩnh) ở trên Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) đã lập một đội riêng, gọi là 潢沙隊二 (Hoàng Sa đội nhị: đội Hoàng Sa Nhị) do phường này quản lý, khác với đội Hoàng Sa Nhất do xã An Vĩnh ở trong đất liền quản lý.
    1. Ghi chép về Hoàng Sa trong Giao Châu dư địa đồ Giao Châu dư địa đồ (交州與地圖) là tập biên khảo về địa lý nước Đại Việt, biên soạn vào thời Lê, sao lục dưới thời Nguyễn, miêu tả vị trí, giới hạn, chiều rộng, hình thế, các đường thủy bộ, các cửa biển... Của nước ta và các tờ bản đồ, gồm bản đồ Đại Việt, bản đồ các nước tiếp giáp nước ta, bản đồ thành Thăng Long, bản đồ các xứ: Kinh Bắc, Sơn Nam, Sơn Tây, Hải Dương, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hưng Hóa, An Quảng, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa và Quảng Nam, và các bản đồ đường thủy và đường bộ từ Thăng Long đi về phía Nam (Đàng Trong). Trong biên khảo này có phần phụ chép bảy trang, gồm Thiên tải nhàn đàm (千載閒談) và Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư dẫn (天南四至路圖書引). Trong đó có đoạn viết về Bãi Cát Vàng và hoạt động của đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn.
    2. Văn bản giải quyết vụ kiện ở làng Mỹ Lợi liên quan đến đội Hoàng Sa. Văn bản đề năm Cảnh Hưng thứ 20 (1759) được cất giữ tại đình làng Mỹ Lợi hàng trăm năm nay. Nội dung văn bản là phán quyết của chính quyền địa phương, giải quyết vụ tranh chấp chiếc ghe của đội Hoàng Sa giữa phường Mỹ Toàn (nay là làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) và phường An Bằng (nay là làng An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), do quan sở tại phê phó. Văn bản này là bằng chứng cho thấy chính quyền Đàng Trong không chỉ huy động cư dân Quảng Ngãi, mà còn huy động cư dân Thuận Hóa (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế) cùng tham gia vào đội Hoàng Sa. Điều này chứng tỏ biên chế của đội Hoàng Sa là khá đông và phạm vi hoạt động của đội trải khắp vùng biển miền Trung lúc đó.
    3. Tờ đơn xin tái lập đội Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn thời Tây Sơn
Đây là tờ đơn đề ngày 15 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775), do ông Hà Liễu, Cai hợp phường Cù Lao Ré xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi, đứng tên, gửi chính quyền Tây Sơn để xin tái lập đội Hoàng Sa.
Đơn này đã được gửi đến chính quyền Tây Sơn do Nguyễn Nhạc đứng đầu xem xét và được chuẩn thuận. Đây là tư liệu rất có giá trị, xác nhận từ đầu thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn đã lập đội Hoàng Sa và đội Quế Hương để khai thác nguồn lợi từ Hoàng Sa. Đến khi chính quyền Tây Sơn thay thế họ Nguyễn cai quản vùng đất này thì hai lập đội Hoàng Sa và Quế Hương đã được tái lập và tiếp tục hoạt động dưới sự quản lý của chính quyền Tây Sơn, vừa khai thác nguồn lợi từ Hoàng Sa, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tư liệu này cũng cho biết ngoài hai đội Hoàng Sa và Bắc Hải đã được nhiều sử liệu nhắc đến, còn có thêm đội Quế Hương và sau này là đội Đại Mạo Hải Ba và đội Quế Hương Hàm, cùng tham gia khai thác các nguồn lợi ở Hoàng Sa và các vùng biển đảo khác ở Đàng Trong. Đồng thời họ còn tình nguyện trở thành những chiến binh trên biển, sẵn sàng chiến đấu chống lại những kẻ xâm phạm lãnh hải, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
    1. Chỉ thị của Thái phó triều Tây Sơn về việc khai thác nguồn lợi ở Hoàng Sa:
Đây là bản chỉ thị đề ngày 14 tháng 2 năm Thái Đức thứ 9 (1786) của Thái phó Tổng lý Quản bình dân chư vụ Thượng tướng công (không rõ tên) triều đình Tây Sơn về việc cử binh thuyền ra Hoàng Sa thu nhặt của cải từ các tàu đắm và khai thác các loại hải sản quý nộp cho triều đình.
Những văn bản liên quan đến Hoàng Sa thời Tây Sơn cho thấy mặc dù tồn tại trong một thời gian không lâu (1771 - 1801), chính quyền Tây Sơn vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động khai thác và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và những vùng biển đảo khác ở Đàng Trong lúc bấy giờ.
2. Hoàng Sa trong thư tịch cổ thời Nguyễn (thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX)
Thư tịch cổ thời Nguyễn (1802 - 1945) liên quan đến Hoàng Sa rất nhiều. Đó là các văn bản hành chính của chính quyền, từ trung ương đến địa phương, liên quan đến quá trình xác lập, thực thi chủ quyền, quản lý lãnh thổ, khai thác tài nguyên, nguồn lợi hải sản... Ở Hoàng Sa như: dụ, phiến, tấu... Của các quan tấu trình nhà vua, có bút tích phê duyệt của nhà vua; các bộ chính sử, điển lệ, dư địa chí... Do triều đình tổ chức biên soạn; các hồi ký, biên khảo, thơ văn... Của tác gia đương thời; đơn từ của người dân gửi đến chính quyền các cấp và văn thư phản hồi của chính quyền... Có liên quan đến Hoàng Sa.
Trong đó, quan trọng nhất là các châu bản và những sử liệu do Quốc sử quán, Nội các triều Nguyễn và các học giả đương thời biên soạn.
    1. Hoàng Sa trên châu bản triều Nguyễn
Châu bản là một dạng văn bản hành chính đặc biệt của triều Nguyễn, do quan lại của triều đình soạn thảo, tấu trình lên nhà vua. Nhà vua đích thân ngự lãm và ngự phê trên các văn bản này bằng mực đỏ (châu) để truyền đạt ý kiến, trực tiếp giải quyết những vấn đề mà các quan tấu trình. Châu bản triều Nguyễn bao gồm các loại: dụ, chiếu, chỉ, thân, bản kê, tấu, sớ, bản dịch văn bản ngoại giao và các dạng công văn khác.
Kho tàng châu bản triều Nguyễn hiện đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ) gồm 734 tập với hàng ngàn trang văn bản, có niên đại từ triều Gia Long (1802 - 1820) đến triều Bảo Đại (1926 - 1945). Trong số đó có 15 châu bản chữ Hán ghi nhận quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của triều Nguyễn đối với quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, vào năm 2009, nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã phát hiện và công bố thêm hai châu bản của triều Bảo Đại viết bằng chữ Việt, kèm theo một văn bản chữ Pháp, có liên quan đến hoạt động thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa thời Pháp thuộc.
Nội dung các châu bản này ghi nhận triều Nguyễn đã liên tục cử người ra Hoàng Sa (và những vùng biển đảo khác trên Biển Đông) để khảo sát, cắm mốc và đo vẽ bản đồ; thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn đối với thuyền bè của Việt Nam và thuyền bè nước ngoài gặp nạn trên vùng biển Việt Nam; ban hành và thực hiện các chính sách ưu đãi đối với những người được triều đình cử đi thực thi công vụ ở Hoàng Sa; ban thưởng cho những người đã chịu đựng gian khó hoặc lập được công lớn và xử phạt những người trễ nãi, không hoàn thành nhiệm vụ khi đi công cán ở Hoàng Sa.
    1. Hoàng Sa trong chính sử, điển lệ, dư địa chí... Thời Nguyễn
Hoạt động thực thi và bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa không chỉ được phản ánh trong các văn bản hành chính nhà nước, mà còn được ghi nhận trong các bộ chính sử, điển chế, dư địa chí... Do triều Nguyễn tổ chức biên soạn, cũng như trong những trước tác của các học giả đương thời.

2.2.1. Ghi chép về Hoàng Sa trong Đại Nam thực lục Đại Nam thực lục (大南寔錄) là bộ chính sử do Quốc sử quán triều Nguyễn (阮朝國史館) biên soạn, ghi chép các sự kiện lịch sử từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558) trải đến triều vua Khải Định (1925). Phần đầu của Đại Nam thực lục gọi là Đại Nam thực lục tiền biên hay Liệt thánh thực lục tiền biên, gồm 12 quyển, ghi chép các sự kiện diễn ra ở Đàng Trong, từ đời chúa Nguyễn Hoàng đến đời chúa Nguyễn Phúc Thuần (từ năm 1558 đến năm 1777). Phần thứ hai là Đại Nam thực lục chính biên hay Quốc triều chính biên, gồm 587 quyển, ghi chép các sự kiện lịch sử kể từ khi Nguyễn Ánh cầm quyền ở phương Nam cho đến hết triều vua Đồng Khánh (từ năm 1778 đến năm 1889). Đại Nam thực lục khởi soạn từ năm Minh Mạng thứ 2 (1821) đến năm Duy Tân thứ 2 (1909) thì hoàn thành phần Tiền biên và sáu kỷ đầu của phần Chính biên.

Trong bộ sử này có rất nhiều đoạn viết về quá trình khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và những vùng biển đảo khác của Việt Nam từ thời chúa Nguyễn đến thời Nguyễn. Cụ thể như sau:
- Đại Nam thực lục tiền biên (quyển 10, tờ 24) chép về hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải thời chúa Nguyễn.
- Đại Nam thực lục chính biên (đệ nhất kỷ, quyển 22, tờ 2a), năm Gia Long thứ 2 (1803), chép việc vua Gia Long sau khi lên ngôi được một năm đã cho tái lập đội Hoàng Sa, tiếp tục các hoạt động khai thác và thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa.
- Đại Nam thực lục chính biên (đệ nhất kỷ, quyển 50, tờ 6a), năm Gia Long thứ 14 (1815), chép việc vua Gia Long sai người ra khảo sát và đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa.
- Đại Nam thực lục chính biên (đệ nhất kỷ, quyển 52, tờ 15a), năm Gia Long thứ 15 (1816) chép việc vua Gia Long tiếp tục sai người đi khảo sát Hoàng Sa.
- Đại Nam thực lục chính biên (đệ nhất kỷ, quyển 55, tờ 19b), năm Gia Long thứ 16 (1817) chép việc vua Gia Long thưởng bạc cho thuyền Ma Cao vì đã có công vẽ bản đồ Hoàng Sa dâng trình cho nhà vua.
- Đại Nam thực lục chính biên (đệ nhị kỷ, quyển 104, tờ 18b-19a), năm Minh Mạng thứ 14 (1833), chép việc vua Minh Mạng sai bộ Công chuẩn bị cử người ra Hoàng Sa dựng miếu, trồng cây trên đảo để tàu thuyền nhận biết mà tránh nạn.
- Đại Nam thực lục chính biên (đệ nhị kỷ, quyển 122, tờ 23a-b), năm Minh Mạng thứ 15 (1834), chép việc đội Hoàng Sa trong những lần ra đảo vẽ bản đồ, thăm dò đường biển... Còn khai thác sản vật ở Hoàng Sa đem về dâng lên triều đình và được khen thưởng.
- Đại Nam thực lục chính biên (đệ nhị kỷ, quyển 154, tờ 4a-b), năm Minh Mạng thứ 16 (1835), chép việc vua Minh Mạng sai người chở vật liệu ra lập miếu thờ thần Hoàng Sa và dựng bia ở Hoàng Sa.
- Đại Nam thực lục chính biên (đệ nhị kỷ, quyển 165, tờ 24b, 25a-b), năm Minh Mạng thứ 17 (1836), chép việc bộ Công tấu trình vua Minh Mạng sai người ra Hoàng Sa vẽ bản đồ và dò xét mặt biển. Vua chuẩn y, sai thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi khảo sát và cắm mốc chủ quyền ở Hoàng Sa.
- Đại Nam thực lục chính biên (đệ nhị kỷ, quyển 176, tờ 1a-b), năm Minh Mạng thứ 17 (1836), chép việc thuyền buôn nước Anh đi qua Hoàng Sa bị đắm. Những người sống sót bám ván thuyền trôi dạt vào Bình Định, được quan quân triều Nguyễn cứu giúp và được vua Minh Mạng ban cấp tiền gạo, áo quần và sai người đưa đến Hạ Châu (Singapore) để họ về nước.
- Đại Nam thực lục chính biên (đệ nhị kỷ, quyển 194, tờ 7b-8a), năm Minh Mạng thứ 19 (1838), chép việc vua Minh Mạng thưởng áo và tiền cho viên Ngoại lang bộ Công Đỗ Mậu Thưởng vì đã có công ra Hoàng Sa đo vẽ bản đồ, đem về dâng trình lên vua.
- Đại Nam thực lục chính biên (đệ nhị kỷ, quyển 204, tờ 3b-4a), năm Minh Mạng thứ 20 (1839), chép việc Thủy sư suất đội Phạm Văn Biện cùng thuộc hạ đi vãng thám Hoàng Sa gặp bão, may mắn sống sót trở về kinh đô. Vua Minh Mạng sai bộ Lễ lập đàn tế ở cửa biển Thuận An để cảm tạ trời đất đã cứu giúp những người này và ban thưởng tiền cho họ.
- Đại Nam thực lục chính biên (đệ tam kỷ, quyển 49, tờ 5a), năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), chép việc phạt tội lưu đày một viên quan của triều đình đã có những hành động càn quấy tại các thôn làng ở Quảng Ngãi trong thời gian được phái đi công vụ ở Hoàng Sa.
Những ghi chép trong bộ chính sử Đại Nam thực lục có liên quan đến Hoàng Sa đã phản ánh khá toàn diện quá trình thực thi chủ quyền của triều Nguyễn đối với Hoàng Sa. Đó là việc tái lập đội Hoàng Sa trước đây và sáp nhập đội này vào lực lượng thủy quân của triều Nguyễn, đảm trách việc thăm dò đường biển, khảo sát, khám phá thêm các đảo mới ở trong vùng biển Hoàng Sa và các vùng biển phía nam; tổ chức dựng miếu, lập bia, cắm mốc chủ quyền trên đảo; tưởng thưởng cho những người đã có công lao và xử phạt những người bê trễ, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ khi đi công cán Hoàng Sa; tổ chức cứu hộ thuyền bè nước ngoài bị gặp nạn trong vùng biển Hoàng Sa và cấp phát tiền bạc, lương thực, quần áo cho người bị nạn và cử người hộ tống họ trở về bản quán... Đây chính là những tư liệu quý xác nhận đã hành xử chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa liên tục và hòa bình, cũng như đã thực hiện tốt trách nhiệm của một nhà nước có chủ quyền đối với quần đảo này khi cứu hộ và trợ giúp những tàu bè nước ngoài bị nạn trong vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam thời Nguyễn.
2.2.2. Ghi chép về Hoàng Sa trong Minh Mạng chính yếu Minh Mạng chính yếu (明命政要) là bộ sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, khởi biên từ năm Minh Mạng thứ 18 (1837), hoàn tất, khắc in năm Thành Thái thứ 9 (1897). Sách gồm 25 quyển, trích ghi những văn kiện, chính sách quan trọng và những việc làm thiết yếu dưới triều vua Minh Mạng, phản ánh trong 22 thiên: Kính thiên, Pháp tổ, Đôn thân, Thể thần, Cầu hiền, Kiến quan, Cần chính, Ái dân, Trọng nông, Sùng kiệm, Lễ nhạc, Giáo hóa, Chế binh, Thận hình, Tài phú, Pháp độ, Dụng văn, Phân vũ, Quảng ngôn lộ, Cố phong thủy, Phủ biến và Khu viễn. Tại tờ 36b, quyển 25 có đoạn chép việc thuyền buôn nước Anh bị gặp nạn trong vùng biển Hoàng Sa vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836), được quan binh tỉnh Bình Định cứu hộ và vua Minh Mạng ra lệnh cấp phát lương thực, quần áo cho người bị nạn khiến họ rất cảm kích.
Sự kiện này đã được sử thần triều Nguyễn chép trong sách Đại Nam thực lục và được ghi lại trong sách Minh Mạng chính yếu.
2.2.3. Ghi chép về Hoàng Sa trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ (欽定大南會典事例) là bộ sách ghi chép các điển pháp, quy chuẩn và các dữ kiện liên quan đến tổ chức và hoạt động của triều Nguyễn trên mọi phương diện. Bộ điển chế này do Nội các triều Nguyễn biên soạn từ năm 1843 đến năm 1895, gồm 2 phần: Chính biên (264 quyển, hơn 17.000 trang chữ Hán) và Tục biên (61 quyển, hơn 6.000 trang chữ Hán).
- Phần Chính biên (quyển 257, tờ 45a) có chép việc năm Minh Mạng thứ 14 (1833), vua chuẩn tấu cho tỉnh Quảng Ngãi thuê thuyền buôn ra Hoàng Sa làm việc công và miễn thuế trong năm cho hai thuyền buôn ấy.
- Phần Chính biên (quyển 207, tờ 26a-b) có chép việc năm Minh Mạng thứ 16 (1835) vua chuẩn tấu cho tỉnh Quảng Ngãi [ra] Hoàng Sa lập miếu, dựng bia, xây bình phong và trồng cây trên đảo.
- Phần Chính biên (quyển 221, tờ 26a-b) có chép việc năm Minh Mạng thứ 17 (1836) vua sai người ra Hoàng Sa đo vẽ bản đồ.
Như vậy Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ tiếp tục phản ánh về hoạt động khảo sát và thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa của vương triều Nguyễn, vốn đã được ghi chép trong các bộ chính sử của triều đại này. Sách này cũng cho biết ngoài việc sử dụng tàu thuyền và nhân lực của triều đình, nhà Nguyễn còn huy động thuyền bè tư nhân, cùng với dân phu miền biển tham gia vào các chuyến công vụ ở Hoàng Sa và có chế độ miễn giảm thuế khóa thích hợp cho những thuyền bè và dân phu được triều đình điều động tham gia khảo sát và thực thi công vụ ở Hoàng Sa. Đây là minh chứng của chủ trương “huy động nhân dân” cùng tham gia hành xử chủ quyền biển đảo mà triều Nguyễn đã áp dụng rất thành công vào thế kỷ XIX.
2.2.4. Ghi chép về Hoàng Sa trong Quốc triều chính biên toát yếu Quốc triều chính biên toát yếu (國朝正編撮要) được biên soạn vào năm Duy Tân thứ 2 (1908), lược trích các phần quan yếu của bộ Đại Nam thực lục chính biên do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trước đây. Quyển 3 của bộ lược sử này có ba đoạn ghi chép liên quan đến Hoàng Sa. Cụ thể như sau:
- Quyển 3, tờ 113a, chép việc vua Minh Mạng cho lập miếu và dựng bia trên đảo Hoàng Sa vào năm 1835.
- Quyển 3, tờ 118a-b, chép việc vua Minh Mạng sai thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật đem người ra đo đạc hình thế các đảo ở Hoàng Sa.
- Quyển 3, tờ 121b, chép việc thuyền buôn của nước Anh Cát Lợi bị nạn khi đi qua vùng biển Hoàng Sa vào năm 1836, được vua Minh Mạng sai người cứu giúp, trợ cấp lương thực và cử người hộ tống sang Hạ Châu (Singapore) để họ về nước.
2.2.5. Ghi chép về Hoàng Sa trong Đại Nam nhất thống chí
Đại Nam nhất thống chí (大南一統志) do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, hoàn thành và khắc in vào năm Duy Tân thứ 3 (1909), ghi chép về địa lý tự nhiên, di tích danh thắng, phong tục tập quán, nhân vật, thổ sản… của các tỉnh Trung kỳ, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Quyển 8 của bộ sách này viết về tỉnh Quảng Ngãi, có miêu tả về quần đảo Hoàng Sa, hoạt động khai thác nguồn lợi quần đảo này do đội Hoàng Sa đảm trách dưới thời các chúa Nguyễn và sự kiện vua Minh Mạng sai quan thuyền chở vật liệu ra xây đền miếu ở Hoàng Sa. Cụ thể như sau:
2.2.6. Ghi chép về Hoàng Sa trong Nam Hà tiệp lục Nam Hà tiệp lục (南河捷錄) là tác phẩm do Lê Đản (1742 - ?) Biên soạn vào năm 1811, chép sử các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, từ gốc tích cho đến năm Gia Long thứ 3 (1804). Sách gồm năm quyển, phân thành 16 mục: Hoàng gia phả hệ, Văn tập, Pháp độ, Cống phú, Tài lợi, Quân doanh chiến trận, Sơn xuyên hình thế, Phong vực, Tuyển cử văn học, Tiết nghĩa, Phong tục, Phụ chư quốc phong tục, Triều sính, Tạp dị thần quái, Tai tường và Phù sấm. Ngoài ra còn có kèm hai tờ bản đồ vẽ Lũy Án và Lũy Thầy ở tỉnh Quảng Bình.
Phần ghi chép liên quan về Hoàng Sa ở mục Tài lợi và mục Sơn xuyên hình thế. Cụ thể như sau:
- Quyển 2, tờ 38a, mục Tài lợi có đoạn miêu tả hình thế của Bãi Cát Vàng và hoạt động thu lượm của cải trên các tàu bị đắm ở nơi này dưới thời chúa Nguyễn.
- Quyển 3, tờ 54a, mục Sơn xuyên hình thế miêu tả khoảng cách từ cửa Đại Chiêm đi ra Bãi Cát Vàng.
2.2.7. Ghi chép về Hoàng Sa trong Lịch triều hiến chương loại chí Lịch triều hiến chương loại chí (歷朝憲章類誌) là trước tác của Phan Huy Chú (1782 - 1840), ghi chép mọi mặt về lịch sử, địa dư, văn hóa... Của nước ta từ đời Hồng Bàng đến triều Lê mạt. Sách gồm 49 quyển, phân thành 10 mục: Dư địa chí, Nhân vật chí, Quan chức chí, Lễ nghi chí, Khoa mục chí, Quốc dụng chí, Hình luật chí, Binh chế chí, Văn tịch chí và Bang giao chí.
Quyển 5, mục Dư địa chí, có viết về xã An Vĩnh thuộc phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Nam và việc chúa Nguyễn mộ người xã này sung vào đội Hoàng Sa, hàng năm phái ra đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi phủ Tư Nghĩa khai thác hải vật đem về giao nộp cho chúa Nguyễn.
2.2.8. Ghi chép về Hoàng Sa trong Hoàng Việt địa dư chí Hoàng Việt địa dư chí (皇越地與誌) cũng là trước tác của Phan Huy Chú, gồm hai quyển, khắc in lần đầu vào năm 1833. Tác phẩm này trình bày lịch sử thay đổi địa lý hành chính các tỉnh, phủ, những danh thắng, danh nhân, các sản vật và nghề thủ công nổi tiếng của các địa phương. Quyển 1 có phần viết về địa lý tự nhiên, các loài hải sản đặc trưng sống ở vùng biển Hoàng Sa và hoạt động khai phá, tìm kiếm hải vật của đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn.
2.2.9. Ghi chép về Hoàng Sa trong Hoàn vũ ký văn Hoàn vũ ký văn (還宇紀聞) do Nguyễn Thu (1799 - 1855) biên soạn. Đây là địa dư chí các tỉnh từ Nghệ An đến Hà Tiên (gồm 16 tỉnh theo địa giới hành chính đời Minh Mạng). Mỗi tỉnh đều có ghi vị trí, giới hạn, lịch sử, núi sông, danh lam cổ tự, dân số, chế độ thuế khóa, phong tục, nhân vật, số phủ huyện… trong đó có phần ghi chép về đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi và hoạt động khai thác hải vật thường niên của đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn trên vùng biển đảo này.
2.2.10. Ghi chép về Hoàng Sa trong Việt môn địa sử Việt môn địa sử (越門地史) là biên khảo về địa lý và lịch sử Việt Nam từ đời Hùng Vương đến triều Nguyễn. Nội dung sách gồm phần Tổng tự, chép tên nước, đô thành các đời, đất đai, hộ khẩu, các cửa ải, hình thế núi sông, các tuyến đường và các tuyến đường thủy, đường bộ nội địa; và phần Phân chú, miêu tả cương giới của kinh đô, các tỉnh, phủ, huyện, nghề nghiệp, thổ sản, danh lam thắng cảnh ở trong nước. Mục Sơn xuyên thuộc tỉnh Quảng Ngãi có viết về Vạn Lý Trường Sa (quần đảo Hoàng Sa).
2.2.11. Ghi chép về Hoàng Sa trong Việt sử cương giám khảo lược Việt sử cương giám khảo lược (越史綱鑑考略) là trước tác của Nguyễn Thông (1827 - 1884), gồm bảy quyển, viết xong vào năm 1877. Đây là tác phẩm khảo về lịch sử và địa lý nước ta, từ thời Hùng Vương đến đời vua Thiệu Trị triều Nguyễn. Ngoài ra, tác phẩm này còn khảo về bốn lân bang của nước Đại Việt xưa là Lâm Ấp, Chân Lạp, Xiêm La và Nam Chiếu.
Quyển 4, tại các tờ 47a-b, 48a-b và 49, Nguyễn Thông có miêu tả về Vạn Lý Trường Sa (quần đảo Hoàng Sa) và Vạn Lý Thạch Đường (quần đảo Trường Sa), về hoạt động khai thác hải vật ở quần đảo Hoàng Sa thời chúa Nguyễn và hải trình của các thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc, phương Tây đi ngang qua Vạn Lý Trường Sa để đến giao thương với các nước Lữ Tống (Philippines), Văn Lai (Brunei), Nam Dương (Indonesia)... *****
Nhìn chung, thư tịch cổ Việt Nam viết về Hoàng Sa trong các thế kỷ XVII - XIX là rất phong phú. Những thư tịch cổ này đã xác nhận rằng muộn nhất là từ đầu thế kỷ XVII, người Việt đã khám phá quần đảo Hoàng Sa, đặt tên Nôm cho quần đảo này và ghi vẽ vào sử liệu và bản đồ nước ta đương thời, hàng năm người dân và nhà nước đều đưa thuyền ra Hoàng Sa khai thác hải sản và thu nhặt hàng hóa từ các tàu thuyền bị đắm trong vùng biển này.
Từ thế kỷ XVIII trở đi, hoạt động khai thác nguồn lợi ở Hoàng Sa đã được chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong tổ chức bài bản, thông qua hoạt động thường niên của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, Quế Hương... Vừa vì mục đích kinh tế, vừa để xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và những vùng biển đảo khác xa hơn về phía nam trong vùng Biển Đông thuộc nước ta.
Từ thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đã chính thức tuyên bố chủ quyền (năm 1816), sai người ra đo đạc thủy trình và hải giới, cắm mốc và đo vẽ bản đồ, chính thức xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.
Đây chính là những bằng chứng xác thực và sinh động, ghi nhận lịch sử chiếm hữu, xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây.
T.Đ.A.S.
 

Tác giả: FB Anh Son Tran Duc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây