LĂNG TẨM CỦA HOÀNG THÁI TỬ NGUYỄN PHÚC CẢNH

Thứ hai - 06/04/2020 23:06 3.148 0
Lăng của Đức Anh Duệ Hoàng Thái Tử húy Nguyễn Phúc Cảnh tọa lạc trên một đỉnh đồi có độ dốc thoai thoải, ở tọa độ địa lý: 16.428689 độ vĩ bắc - 107.568494 độ kinh đông, gần đường Đoàn Nhữ Hải, phường Thủy Xuân, Thành phố Huế. (Bài đăng được sự đồng ý của tác giả).
LĂNG TẨM CỦA HOÀNG THÁI TỬ NGUYỄN PHÚC CẢNH
Lăng của Đức Anh Duệ Hoàng Thái Tử húy Nguyễn Phúc Cảnh tọa lạc trên một đỉnh đồi có độ dốc thoai thoải, ở tọa độ địa lý: 16.428689 độ vĩ bắc - 107.568494 độ kinh đông, gần đường Đoàn Nhữ Hải, phường Thủy Xuân, Thành phố Huế.
Về phía Tây Nam của lăng khoảng 100m là lăng Vĩnh Thái, về phía Bắc Đông Bắc khoảng 200m là khu tẩm điện của lăng Đồng Khánh, về phía chánh Bắc khoảng 250m là khu lăng của Kiên Thái Vương.
Lăng có hướng chánh Nam, trục thần đạo dài 28m, rộng 20m, tổng diện tích 560 m2, với 2 lớp tường thành bề thế, tường ngoài dày khoảng 1m, cao khoảng 1,8m, lớp tường trong dày khoảng 0,9m, cao 1,4m được xây bằng đá.
Đường lên chính là một dãy 18 bậc cấp rộng 8 m, mỗi cấp cao khoảng 30cm, diện tích lớn nhỏ mỗi cấp khác nhau (tổng chiều dài 18 bậc cấp là 22,3m). Phần sân trước khoảng 100m2, có lan can bao quanh. Cổng vào ở mặt tường trước phía ngoài có 2 trụ vuông mỗi bề 1,1m cao 2,1m. Lăng không có cổng vòm tam quan.
Qua khỏi thành ngoài là Bình phong. Bình phong là là vật che chắn mang ý nghĩa phong thủy, nhằm bảo vệ công trình bởi các tác động tâm linh bất lợi từ bên ngoài và để trang trí mỹ thuật trong kiến trúc Huế. Bình phong án ngữ ở giữa, ngăn cản mọi thứ đi trực tiếp vào bên trong.
Mặt trước Bình phong tiền tại lăng Hoàng Thái tử cao khoảng 2m rộng hơn 3m, dày 80cm, là Bình phong Long Mã (ngựa hóa rồng), được đắp nổi và cẩn sành. Đây là linh vật hóa thân kết hợp đặc biệt giữa rồng, ngựa và kỳ lân, một trong bốn tứ linh, nó báo hiệu điềm tốt lành, là biểu tượng của sự thông thái, sự đường bệ, đem lại ý nghĩa sự thịnh vượng một nét đẹp trong lối sống và tâm thức của người dân xứ Huế.
Mặt sau bức bình phong tại lăng, có bức phù điêu đắp nổi, cẩn sành với hình ảnh trung tâm là mặt rồng nhìn thẳng, không lộ toàn thân mà chỉ có hình khuôn mặt với hai chân trước dang ra rất bệ vệ, miệng ngậm chữ Thọ 壽 với hoạ tiết cách điệu, mang ý nghĩa của lời chúc phúc, trường thọ, an khang.
Đồ hình này được gọi là Long hàm thọ hay rồng ăn chữ thọ, ở Huế vẫn gọi là mặt rồng hay mặt nả. Mặt nả Long hàm thọ thường được thể hiện thành phù điêu trang trí đầu chái nhà các chùa chiền, dinh thự hoặc ngay giữa cổng tam quan.
Trong công trình trùng tu lăng Ngài, các thợ kép đã dựa theo đường nét của phù điêu, đắp các chân rồng 4 móng (ngón chân). Theo hình ảnh cũ thì chân rồng có hình đám mây che nên không rõ số móng.
Sau lễ tạ lăng, con cháu trong Phòng Anh Duệ đã phát hiện thiếu sót này, nên báo cho bên thi công và đã kịp thời khắc phục họa tiết trên, bằng cách đắp thêm một móng mỗi bên chân, thành rồng 5 móng theo đúng điển lệ vua ban cho Hoàng Thái Tử.(*)
Vào khỏi thành trong, trước mộ có hương án, cao 70cm, rộng 1,2m, dài hơn 2m, dùng để soạn phẩm vật, hương đèn khi cúng tế. Trước hương án có tấm bia đá với nội dung Anh Duệ Hoàng Thái Tử Chi Tẩm 英睿皇太子之寢. Mộ phần hình chữ nhật hai tầng, cao tầm 50cm, rộng 2,5m dài 3,5m, ở trung tâm lăng. (Cũng như đa phần các lăng tẩm của triều Nguyễn, nơi đây đã từng bị đào trộm tìm của báu trong thập kỷ 80 thế kỷ trước)
Theo triết lý phong thủy phương Đông, bất cứ ngôi lăng mộ nào cũng tuân thủ các nguyên tắc sơn triều thủy tụ, tiền án hậu chẩm, tả long hữu hổ v.v…
Bức bình phong hậu cao 1,5m, rộng 3,4m, được xây ngay giữa thành trong phía sau lăng. Mặt trong của bình phong được đắp nổi và khảm sành 2 con long mã, đang phi trên sóng biển đối xứng nhau, là biểu tượng âm dương cân bằng, cùng chầu quả cầu lửa ở giữa, là biểu tượng mặt trời, tượng trưng cho thái cực viên mãn của vũ trụ.
Còn một bức bình phong hậu ở thành ngoài, bức này cao hơn 2m, rộng khoảng 5m, có độ dày bằng tường thành, không đắp phù điêu trang trí, nhưng mang ý nghĩa là nơi tựa lưng vững chãi cho toàn ngôi viên tẩm.
Lăng tẩm của Đức Anh Duệ Hoàng Thái Tử được triều đình rước từ Gia Định về, cải táng vào tháng 6 năm 1809, cùng một lượt với các lăng của Đức Duệ Tông Hiếu Định Hoàng Đế, lăng Tuyên Mục nhị Vương, Hoàng Tử Nguyễn Phúc Hy, Hoàng Tử Nguyễn Phúc Tuấn, Thiếu phó Tôn Thất Chi, Thái phó Tôn Thất Huy, Tiền quân Tôn Thất Hội…
Tháng 3 năm Kỷ Mão 1819 lăng tẩm của Anh Duệ Hoàng Thái Tử được tu sửa. Tháng 2 năm Kỷ Hợi (1839) lăng được dựng bia cùng lượt với lăng Thái Bình Công Nguyễn Phúc Mỹ Thùy (thứ nam của Ngài).
Tháng 5 năm 2019 lăng được TTBTDTCĐ đại trùng tu, để có được những hình ảnh như bây giờ.
Niềm vui mãi vẫn còn lan tỏa trong tâm tưởng.
Cảm ơn vì tất cả!
Ghi chú:
(*) Theo sách Đại Nam Thực Lục vào tháng 3 năm 1816, lúc sách lập Thái tử, Đức Thế Tổ ban sách ấn mũ áo và đồ lỗ bộ cho Hoàng Thái Tử có ghi rõ: Xiêm thêu rồng 5 móng, bổ tử (**) cũng thêu rồng 5 móng. Hoàng thân, Hoàng tử, Hoàng tôn thì xiêm áo và bổ tử đều thêu rồng 4 móng.
(**) Bổ tử là đoạn vải có thêu hình con vật tượng trưng cho phẩm trật, dùng đính trước ngực và sau lưng áo các quan để phân biệt phẩm trật cao thấp. Ví dụ quan nhất phẩm thì thêu hình kỳ lân, nhất phẩm phu nhân thì thêu hình chim hạc, quan tam phẩm thêu hình sư tử, tam phẩm phu nhân thì thêu hình con gà, ngũ phẩm thêu báo, ngũ phẩm phu nhân thêu chim nhạn, thất phẩm thêu cọp con, thất phẩm phu nhân thêu cò v.v...
LĂNG TẨM CỦA HOÀNG THÁI TỬ NGUYỄN PHÚC CẢNH
LĂNG TẨM CỦA HOÀNG THÁI TỬ NGUYỄN PHÚC CẢNH
LĂNG TẨM CỦA HOÀNG THÁI TỬ NGUYỄN PHÚC CẢNH
LĂNG TẨM CỦA HOÀNG THÁI TỬ NGUYỄN PHÚC CẢNH
LĂNG TẨM CỦA HOÀNG THÁI TỬ NGUYỄN PHÚC CẢNH
LĂNG TẨM CỦA HOÀNG THÁI TỬ NGUYỄN PHÚC CẢNH

Tác giả: FB Quoc Lien

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây