BÀI 3 THƯ TỊCH CỔ NƯỚC NGOÀI CHỨNG MINH CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA. TG: TRẦN ĐỨC ANH SƠN

Thứ bảy - 05/06/2021 23:58 1.387 0
BÀI 3 THƯ TỊCH CỔ NƯỚC NGOÀI CHỨNG MINH CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA. TG: TRẦN ĐỨC ANH SƠN
1. ĐÁNH GIÁ CHUNG: Chúng tôi đã thu thập được hơn 100 tài liệu thư tịch nước ngoài có viết về quần đảo Hoàng Sa và quá trình khám phá, chiếm hữu xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. (Bài đăng đã được sự đồng ý của tác giả)
Đó là những tập nhật ký hàng hải của thủy thủ đoàn; những hồi ký, du ký, tập ghi chép của các nhà thám hiểm địa lý; thư từ của các giáo sĩ; sách giáo khoa địa lý; từ điển bách khoa về địa lý thế giới; các công trình nghiên cứu về lịch sử và địa dư vùng châu Á - Thái Bình Dương của các học giả phương Tây, có liên quan đến Việt Nam - Biển Đông - Hoàng Sa và Trường Sa, được in ấn bằng các ngôn ngữ: Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan…

Về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các tài liệu này đã ghi chép những nội dung sau:

1. Miêu tả vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu... của hai quần đảo này và các đảo, quần đảo liên quan trong Biển Đông.

2. Nhận thức của người phương Tây đương thời về hai quần đảo này và các hiểm họa tiềm ẩn mà quần đảo này gây ra cho tàu bè khi giao thương qua vùng biển này.

3. Giới thiệu các loài động, thực vật sinh sống trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và trong vùng biển phụ cận.

4. Ghi nhận người Việt đã từng đến Hoàng Sa và Trường Sa đánh bắt hải sản, thu nhặt hàng hóa từ các tàu bè bị đắm trong vùng biển này, khai thác yến sào... từ thế kỷ XVII trở đi.

5. Ghi nhận mối quan hệ về mặt địa lý giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đối với vùng lãnh thổ nằm ở bờ phía tây của Biển Đông, nay là miền Trung Việt Nam.

6. Ghi nhận Việt Nam đã có quá trình chiếm hữu và xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

2. NHỮNG TÀI LIỆU TIÊU BIỂU

2.1. Tài liệu thế kỷ XVII - XVIII

- Thư từ trao đổi giữa đại diện thương điếm Hà Lan ở Hội An với chính quyền Đàng Trong liên quan đến vụ đắm tàu Grootebroek của Hà Lan trong vùng biển Hoàng Sa vào ngày 21/7/1634. Nội dung những thư từ này cho biết chính quyền Đàng Trong đã cử người cứu hộ tàu ngoài bị nạn tại vùng biển Hoàng Sa, đồng thời cũng đã tịch thu tài sản của tàu Grootebroek. Chủ tàu Grootebroek buộc phải chấp hành lệnh này, sau đó đã khiếu kiện quyết định sai trái này của chính quyền Đàng Trong và được hứa sẽ bồi thường thỏa đáng bằng các hình thức đền bù khác. Như vậy, từ đầu thế kỷ XVII, chính quyền Đàng Trong đã làm chủ quần đảo Hoàng Sa, kiểm soát các hoạt động diễn ra trong vùng biển đảo này và buộc các tàu thuyền nước ngoài qua đây phải tuân thủ các quy định của chính quyền Đàng Trong, đồng thời đã giải quyết những khiếu kiện của họ khi có xung đột lợi ích.

- Sách El atlas abreviado (2 tập) là bảng chỉ dẫn các chữ viết tắt trong tập bản đồ của Francisco Giutisniani, xuất bản năm 1739. Trang 139 (tập 2) liệt kê các địa danh thuộc Reino de Cochinchina (Vương quốc Đàng Trong) gồm: Sinoe (Thuận Hóa), Quehao (Quy Nhơn?), Baubom (?), Faifo ó Haifo (Hội An) và Paracel Infla (quần đảo Hoàng Sa).

- Sách The Modern Part of an Univerfal Hiftory, from the Earlieft Account of Time, tập VII, xuất bản tại London (Anh) năm 1759. Trang 450, mục Hiftory of Kochinchina (Lịch sử Đàng Trong) có đoạn viết: “Trước khi rời khỏi vương quốc này, chúng ta không thể không mô tả vắn tắt một vài hòn đảo đáng kể thuộc về nó, người địa phương gọi là Pullos (những cù lao), với khá nhiều đảo dọc theo bờ biển, gồm: 1. Pullo Sicca, đảo hoang, không có người ở, trông như một cụm đá khô, không có cây hay đến cả một cọng cỏ; 2. Pullo Secca de Mare, một dải đảo hoang và đá khác, trải dài từ bãi cạn gọi là Paracels; 3. Pullo Cambir, cách bờ 15 hải lý, mặc dù khá rộng lớn nhưng cũng không có người ở”. Cụm từ “những hòn đảo đáng kể thuộc về nó (vương quốc Kochinchina)” là sự thừa nhận Paracels (và các đảo được liệt kê trên đây) thuộc về vương quốc Kochinchina.

- Sách Hedendaasgsche historie of het Vervolg van de Algemeene historie, xuất bản tại Amsterdam và Leiden (Hà Lan) năm 1772. Trang 673 liệt kê về các đảo thuộc vương quốc Kochinchina như: Pullo Sicca, Pullo Secca de Mare, Pullo Cambir, Pullo Canton. Trong đó Pullo Secca de Mare được miêu tả là một chuỗi các đảo đá khô cằn bắt đầu từ những bãi đá ngầm nguy hiểm có tên là Paracels.

- Hồi ký Reis van Lord Macartneij naar China, xuất bản tại Amsterdam (Hà Lan) năm 1799. Đây là ấn bản tiếng tiếng Hà Lan của cuốn hồi ký viết về hành trình đi sang Trung Hoa trong các năm 1792 - 1794 của phái bộ Anh quốc, do bá tước George Macartney (1737 - 1806) dẫn đầu. Phái bộ Macartney đã đến cảng Đà Nẵng vào năm 1793. Trong sách này có nhiều đoạn viết về vương quốc Kochinchina và các địa danh thuộc Kochinchina như các đảo: Pulo Kambir de Terre (Cù Lao Xanh), Pulo Cecir de Mer (Cù Lao Thu), Quinong (Quy Nhơn), Varella (mũi Đại Lãnh), Pulo Ratan hay Pulo Kanton (Cù Lao Ré), Turon (Đà Nẵng), Donnai (Đồng Nai) và Paracels. Trang 223 ghi nhận Paracels thuộc về vương quốc Kochinchina.

2.2. Tài liệu thế kỷ XIX

- Sách địa lý Allgemeine Geographische Ephemeriden của F.J. Bertuch, xuất bản tại Weimar năm 1815. Trang 116 liệt kê những địa danh thuộc về vương quốc Cochinchina, gồm: Tschiampa (Champa), Donnaï, Saigong (Sài Gòn), Paracels và Condor (Côn Đảo).

- Hồi ký Le mémoire sur la Cochinchine của Jean-Baptiste Chaigneau viết vào khoảng năm 1820. Trong hồi ký này có đoạn viết: “Vương quốc Cochinchine mà vị vua hiện nay (vua Gia Long) tuyên xưng hoàng đế gồm xứ Nam Hà theo đúng nghĩa của nó, xứ Bắc Hà, một phần vương quốc Cao Miên, một vài đảo có dân cư ở không xa bờ biển và quần đảo Paracel hợp thành từ những đảo nhỏ, bãi ngầm và mỏm đá không có người ở. Chỉ đến năm 1816 đương kim hoàng đế mới chiếm hữu được quần đảo này”.

- Sách địa lý Vollständige und Neueste Erdberschreibungh do Georg Hassel chủ biên, xuất bản tại Weimar năm 1822. Trang 736 viết về quần đảo Paracels cùng các tỉnh: Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên, là các vùng địa lý đặc thù của vương quốc An Nam. Sách còn liệt kê tên các đảo thuộc Paracels như: Tree Islands (đảo Cây), Woody Islands (đảo Phú Lâm), Rocky Island (đảo Hòn Đá), Amphitrite (nhóm đảo An Vĩnh), Lincoln (đảo Lin Côn), Pattle (đảo Hoàng Sa), Roberts (đảo Hữu Nhật), Money Island (đảo Quang Ảnh), Duncan (đảo Quang Hòa), Passoo Keah (đảo Rùa Trắng), Drummond (đảo Duy Mộng) và Triton (đảo Tri Tôn).

- Tập san Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochin China, 2 tập, do John Crawfurd biên soạn, xuất bản tại London năm 1830. Tập II, các trang 243-244, liệt kê tên những đảo chính thuộc về Cochin China, như: Pulo Condore, Pulo Can-ton còn gọi là Col-lao Ray (Cù Lao Ré) và Cham col-lao còn gọi là Col-lao Cham (Cù Lao Chàm), có đoạn viết: “Năm 1816, vua Cochin China đã chiếm một quần đảo không có người ở và hiểm trở bao gồm nhiều đá, đảo nhỏ, bãi cát… gọi là Paracels. Theo đó, nhà vua tuyên bố quần đảo này thuộc chủ quyền nước này, mà hầu như sẽ không bị tranh chấp”.

- Từ điển tổng quan về lịch sử, địa lý và thống kê Allgemeines historisch statistsch seografisches. Handlungs, Post und Zeitungs-Lexikon của Theophit Friedrich Ehrnamm, Heinrich Schorch và Karl Gottfried Richter, xuất bản tại Erfurt và Gotha (Đức) năm 1830. Trang 242, vần R, có hai mục từ: “Roberts-Island của An Nam, thuộc Paracels” và “Rocky-Island của An Nam, thuộc Paracels”.

- Từ điển địa lý Nuovo dizionario geografico universale statistico - storico - commerciale do Arrowsmith, Buesching, Balbi và Cannabich biên soạn, tập IV, phần I, xuất bản tại Venezia (Ý) năm 1831. Trang 680 miêu tả: “quần đảo Paracels nằm cách đảo Hải Nam và cách bờ biển Cocincina một khoảng cách như nhau, thuộc về vương quốc An Nam”.

- Sách Traité élémentaire de géographie: contenant un abrégé méthodique du précis de la géographie universelle do Malter-Brun chủ biên, tập II, xuất bản tại Paris năm 1831. Trang 221 có đoạn viết: “nằm cách bờ biển Cochinchine và đảo Hải Nam (Trung Quốc) một khoảng bằng nhau, quần đảo Pracels thuộc về đế chế An Nam”.

- Sách Die Erdkunde von Asien của Carl Ritter, tập III, xuất bản tại Berlin năm 1834. Trang 922 miêu tả các đảo thuộc vương quốc Cochinchina như: Pulo Canton hay Collao Roe (Cù Lao Ré), Collao Cham (Cù Lao Chàm) và quần đảo Paracels là “dãy đảo đá san hô đầy nguy hiểm, nổi tiếng vì nhiều rùa và cá, nằm ở phía đông nam đảo Hải Nam. Những đảo nhỏ đầy cát và rong này vốn được hoàng đế Cochinchina tuyên bố chủ quyền từ năm 1816 và không gặp bất kì sự phản đối nào của các nước lân bang”.

- Sách Geografia fisica e politica của Luigi Galanti, tập III, xuất bản tại Napoli năm 1834. Trang 197 viết về Hoàng Sa như sau: “Parcel hay Parcels bao gồm nhiều mỏm đá có đáy sâu, và không chiếm nhiều diện tích như được giới thiệu trong bản đồ chung, thuộc về đế chế An Nam”.

- Tạp chí The Journal of the Asiatic Society of Bengal xuất bản tại Calcuta (Ấn Độ) năm 1837. Tập VI, phần II, có in bài viết Note on the Geography of Cochin China (Chú dẫn địa lý Việt Nam) của Giám mục Jean Louis Taberd khẳng định: “Quần đảo Pracel hay Paracels là một khu vực chằng chịt những hòn đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cát… Những người dân xứ Cochinchina gọi khu vực đó là Cồn Vàng”. Đặc biệt, trang 745 ghi rõ: “Mặc dù rằng hình như loại quần đảo này chỉ có độc những tảng đá ngầm mà không có gì khác, và độ sâu của biển hứa hẹn những điều bất tiện hơn là sự thuận lợi, nhưng vua Gia Long vẫn nghĩ rằng ông đã tăng cường được quyền thống trị lãnh thổ của mình bằng sự sáp nhập tội nghiệp đó. Vào năm 1816, nhà vua đã tới long trọng cắm lá cờ của mình và đã chính thức giữ chủ quyền ở các bãi đá này, mà chắc chắn là sẽ không có một ai tìm cách tranh giành với ông”.

- Sách địa lý Géographie moderne: redigée d’après les matériaux les plus récents sur le plan de l’ouvrage của Victor Levasseur, xuất bản tại Paris năm 1839. Trang 200, mục Empire d’An-nam ou de Viet-nam (Đế chế An Nam hay Việt Nam), ghi rõ: “Bắc giáp với Trung Hoa, tây giáp Thái Lan, đông và nam giáp Biển Đông và vịnh Tonkin (vịnh Bắc Bộ). Đế chế này do Ngai-en-Choung (Nguyễn Ánh) hay Gia Long thành lập từ đầu thế kỷ (XIX), gồm các vùng địa lý sau: vương quốc Cochinchine hay Nam An Nam với quần đảo Paracels, vương quốc Tonquin hay Toung-King hay Bắc An Nam với nhóm đảo Pirates trong vịnh Tonkin, vương quốc Tsiampa (Champa) do các bộ lạc tự trị chiếm đóng”.

- Sách Taschenbuch zur Verbreitung geographischer Kenntnisse của Johann Gottfried Sommer, xuất bản tại Praha (Séc) năm 1839. Trang 296, mục Cochinchina (Đàng Trong) viết: “Ngoài biển của vương quốc Cochinchina có rất nhiều đảo... Trong vùng biển (Nam) Trung Hoa, chỉ có các đảo sau thuộc chủ quyền Cochinchina là quan trọng: Pulo-Condore, Pulo-Canton hay là Col-lao-Ray và Tscham-col-lao hay là Col-lao-Tscham. Ngoài các đảo này ra, năm 1816, vua Cochinchina đã chiếm hữu bãi đá san hô nguy hiểm và không có người sinh sống, gồm nhiều bãi đá và cồn cát có tên là Paracles. Khó ai có thể phản đối chủ quyền của Cochinchina về phần đất mới chiếm của vương quốc này”.

- Từ điển địa lý Geographisch-Statistisches Handwörterbuch của J.H. Möller, xuất bản tại Gotha (Đức) năm 1840. Trang 46, vần A, có mục từ: “Amfitrite (An Vĩnh), thuộc quần đảo Paracel: Một trong những nhóm đảo nằm xa nhất về phía bắc quần đảo Paracel của vương quốc Anam”.

- Sách Del vario grado d’importanza degli stati odierni của Cristoforo Negri, xuất bản tại Milano (Ý) năm 1841. Trang 421 ghi nhận: “Vào năm 1816, vua của vương quốc Cocincina (vua Gia Long) đã chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa”.

- Hồi ký Voyage pittoresque en Asie et en Afrique của J.B. Eyriès, xuất bản tại Paris năm 1841. Trang 201 có đoạn viết: “Có nhiều đảo tại đế chế An Nam: ta lưu ý về phía nam - đông nam của đảo Hải Nam có quần đảo Paracels, là một chuỗi đá ngầm rất nguy hiểm do các bãi cát và mỏm đá ở xung quanh. Các đảo này không có người ở, nhưng do việc khai thác đồi mồi và cá ở đây rất nhiều, [nên] hoàng đế An Nam đã cho chiếm hữu nó vào năm 1816 mà các lân bang không hề có ý kiến gì”.

- Tập Lettres édifiantes et curieuses concernant l’Asie, l’Afrique et l’Amérique avec quelques relations nouvelles des missions et des notes géographiques et historiques của M.L. Aimé-Martin, tập 3, xuất bản tại Paris năm 1843. Đây là tập hợp các bức thư liên quan đến các hoạt động truyền giáo và các ghi chú về địa lý, lịch sử ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ của M.L. Aimé-Martin. Trang 38 có trích đoạn nhật ký của các giáo sĩ trên chiếc tàu Amphitrite đi ngang qua Pracels vào năm 1701. Cuối trang này có dòng chú thích: “Quần đảo Paracels thuộc về đế chế An Nam”.

- Sách Moeur usages et costumes de tous les peuples du monde của Auguste Wahlen viết về phong tục tập quán, trang phục của các dân tộc trên thế giới, xuất bản tại Bruxelles năm 1843. Trang 235 viết về đế chế An Nam có ghi: “Toàn bộ bờ biển của Annam được bao bọc bởi nhiều đảo đá nhỏ. Những đảo chính nằm dưới sự quản lý của đế chế này là đảo Phú Quốc trong vịnh Thái Lan, đảo Pirates trong vịnh Bắc Bộ, Côn Đảo và quần đảo Hoàng Sa”.

- Sách Geografia elementare của Luigi Galanti, xuất bản tại Lugano (Ý) năm 1846. Trang 122 viết về các đảo trong vùng biển Đông Nam Á, có nhắc đến đến quần đảo Paracels và khẳng định “Nhóm đảo Paracels của An Nam”.

- Sách L’Univers: Histoire et description de tous les peuples do Jean Yanoski và Jules David biên soạn, xuất bản tại Paris năm 1848. Trang 555 tóm lượt lịch sử vương quốc An Nam từ thế kỷ XVII, bắt đầu từ Tong-King (Bắc Hà) ở phía bắc, mở rộng dần về phía nam, hình thành nên xứ Cochinchine (Nam Hà). Trong đó có đoạn viết: “Chúng tôi nhận xét rằng từ 34 năm nay, quần đảo Paracels (người An Nam gọi là Cát Vàng) đã có người An Nam chiếm đóng… Chúng tôi không biết là họ có thiết lập ở đây một cơ sở hay không (có lẽ là với mục đích để bảo vệ việc đánh cá chẳng hạn); nhưng chắc chắn là vua Gia Long đã thiết tha muốn gắn thêm cái hoa nhỏ này vào vương miện của mình, vì nhà vua đã phán đoán về vấn đề tự mình đi chiếm hữu nó, và năm 1816 vua đã long trọng cắm tại đây lá cờ của An Nam”.

- Bài nghiên cứu Geography of the Cochin-Chinese Empire của TS. Gutzlaff, in trên tạp chí Journal of Royal the Geographical Society, số 19, xuất bản tại London năm 1849. Trang 93 miêu tả về Hoàng Sa như sau: “quần đảo Paracels (còn gọi là Katvang) nằm cách bờ biển An Nam khoảng từ 15 đến 20 league, dân Cochin-China và dân đảo Hải Nam thường đến đây đánh cá, thu nhặt hải vật từ các tàu đắm. Chính quyền An Nam nhận thấy mối lợi này nên đã lập ra những trưng thuyền và một trại lính nhỏ ở nơi này để thu thuế những thuyền bè nước ngoài đến đánh bắt hải sản ở đây và để hỗ trợ cho những người đánh cá bản quốc. Những cuộc giao dịch lớn dần dần hình thành nơi đây”.

- Sách Das Ausland xuất bản tại Stuttgard và Tübingen (Đức) năm 1850. Trang 397, mục Geographie von Cochinchina (Địa lý Đàng Trong), ghi: “Nằm xa ở phía đông bắc (cách bờ biển An Nam 15 - 20 leguas, vĩ độ 130 - 170) là quần đảo Paracels (Katvang)... Các đảo này sẽ hoàn toàn không có giá trị nếu như vùng biển này không cung cấp một sản lượng cá đặc biệt lớn. Đó là lý do mà từ xưa đã có vô số thuyền đánh cá từ đảo Hải Nam dong buồm tới đây. Cho dù cứ mười chuyến đi thì có một chuyến thất bại, nhưng lượng cá đánh bắt được từ những chuyến đi kia vẫn đủ lớn để bù đắp lại. Chính quyền Đàng Trong không rời mắt khỏi thực tế này và đã cử tàu ra giám sát và công bố một văn bản luật để bảo vệ ngư dân của họ”.

- Sách L’univers. Histoire et description de tous les peuples. Japon, Indo-Chine, etc. của Adolphe Dubois de Jancigny, xuất bản tại Paris năm 1850. Trang 555 viết: “…Từ hơn 34 năm, quần đảo Paracel, (người An Nam gọi là Cát Vàng), là một dải đảo quanh co với nhiều đảo chìm và nổi, quả là rất đáng sợ cho các nhà hàng hải, đã do những người An Nam chiếm giữ. Chúng tôi không biết rằng họ có xây dựng cơ sở của mình hay không, nhưng chắc chắn rằng vua Gia Long đã quyết định giữ nơi này cho triều đại mình, vì rằng chính ông đã thấy được rằng tự mình phải đến đấy chiếm hữu nó, và năm 1816 nhà vua đã trịnh trọng cắm ở đây lá cờ của An Nam”.

- Sách Compendio di geografia universale của nhà địa lý học nổi tiếng người Ý Adriano Balbi Adriano Balbi xuất bản ở Livorno năm 1850. Các trang 437-438 trong mục l’Impero di An-nam (Đế chế An Nam) viết về vị trí địa lý, địa dư, diện tích và dân số An Nam vào thế kỷ XVIII ghi rõ: “Thuộc về đế chế này còn có quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Hải Tặc và quần đảo Côn Sơn”.

- Sách La geografia universal của Malte-Brun, tập I, xuất bản tại Madrid và Barcelona năm 1853. Các trang 791-802 mô tả khá kỹ về vương quốc An Nam, liệt kê nhiều địa danh thuộc về vương quốc này trong đó có Paracelso (quần đảo Hoàng Sa). Trang 799 miêu tả: “Paracelso là một quần thể các đảo, đá mà theo chỉ dẫn trên các bản đồ thì trải dài đến 50 hải lý, đến tận phía nam đảo Hải Nam, đối diện với bờ biển Cochinchina... Nó bao gồm nhiều nhóm đảo, trong đó có thể phân biệt nhóm Amphitritos, Discovery và Voadore. Một số đảo ở đây có rừng cây bao phủ, các đảo này được dân Cochinchina sử dụng làm nơi đánh bắt cá”.

- Từ điển tri thức phổ thông Neues Konversations-Lexikon für alle Stände của Hermann J. Meger, tập XII, xuất bản tại Pilburghansen và New York năm 1859. Trang 153, vần P, có mục từ: “Paracels (Paracelinseln): Quần đảo và bãi đá ngầm ở bán đảo Indo-Chineisische (Đông Dương), thuộc xứ Cochinchina, tỉnh Nam An Nam của vương quốc An Nam, trong vùng biển Nam Trung Hoa ở phía đông nam đảo Hải Nam. Một số đảo có cây xanh, một số khác chỉ là các bãi hoang. Tất cả các đảo đều có nhiều chim (én biển), rùa và rất nhiều cá”.

- Từ điển tri thức phổ thông Pierer’s Universal-Lexikon xuất bản tại Altenburg (Đức) năm 1861. Trang 659, vần P, có mục từ: “Paracels: Quần đảo thuộc vương quốc An Nam, trong vùng biển Nam Trung Hoa. Chủ yếu là các bãi đá san hô. Một số đảo có cây xanh. Các đảo đều có nhiều chim, rùa và là khu vực đánh cá tốt”.

- Sách Aus der Natur xuất bản tại Leipzig (Đức) năm 1867. Trang 696, mục Das Königreich An-Nam (Vương quốc An Nam) viết: “Vương quốc An Nam chiếm gần trọn bán đảo Indo-Chineisische, bao gồm các xứ: Cochinchina, Tonquin, một phần Kambodscha (Campuchia), một số đảo ven bờ biển và quần đảo Paracels”.

- Hồi ký Souvenirs de Hué (Cochinchine) của Michel Đức Chaigneau, xuất bản tại Paris năm 1867. Trang 13 ghi rõ: Vương quốc An Nam gồm xứ Cochinchine, xứ Tonquin, một phần Cambodge, quần đảo Paracels...”.

*****

Những thông tin liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (cùng với các đảo khác) thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông trong nhiều thư tịch cổ của phương Tây là những ghi nhận thực tế về vị trí địa lý, địa dư, lịch sử khai thác và chiếm hữu các đảo này của các học giả, nhà địa lý, nhà hàng hải... phương Tây trong các thế kỷ XVI - XIX.

Những thư tịch này đã khách quan thừa nhận người Việt Nam đã có quá trình khám phá, khai thác, xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ rất lâu đời.

T.Đ.A.S.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây