Bài 2: CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN VỀ QUÁ TRÌNH XÁC LẬP VÀ THỰC THI CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA
FB Anh Son Tran Duc
2021-06-03T21:17:27-04:00
2021-06-03T21:17:27-04:00
https://nguyenphuoctoc.info/tim-hieu-nha-nguyen/bai-2-chau-ban-trieu-nguyen-ve-qua-trinh-xac-lap-va-thuc-thi-chu-quyen-cua-viet-nam-doi-voi-hai-quan-dao-hoang-sa-va-truong-sa-889.html
/themes/egov/images/no_image.gif
Nguyễn Phúc Tộc
https://nguyenphuoctoc.info/uploads/logo_1.png
Châu bản là một dạng văn bản hành chính đặc biệt của triều Nguyễn, do quan lại triều đình soạn thảo, tấu trình lên nhà vua. Nhà vua đích thân ngự lãm và ngự phê[1] trên các văn bản này bằng mực đỏ (châu) để truyền đạt ý kiến, trực tiếp giải quyết những vấn đề mà các quan tấu trình. (Đã được cho phép của tác giả TRẦN ĐỨC ANH SƠN).
Châu bản triều Nguyễn bao gồm các loại: dụ, chiếu, chỉ, thân, bản kê, tấu, sớ, bản dịch văn bản ngoại giao và các dạng công văn khác.
Kho tàng châu bản triều Nguyễn hiện đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ) gồm 734 tập[2] với hàng ngàn trang văn bản, có niên đại từ triều Gia Long (1802 - 1820) đến triều Bảo Đại (1926 - 1945). Trong đó có nhiều châu bản liên quan đến hoạt động xác lập và thực thi chủ quyền của triều Nguyễn đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.[3] Đây là những tư liệu gốc, có tính pháp lý cao, chứng minh triều Nguyễn đã kế tục các triều đại trước đây trong việc thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Năm 2013, Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) đã tuyển chọn các châu bản chữ Hán trong kho tàng châu bản triều Nguyễn, có nội dung liên quan đến quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của triều Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, để in thành cuốn sách Tuyển tập các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sách do Nhà xuất bản Tri thức xuất bản, in bằng 4 ngôn ngữ: Việt - Anh - Pháp - Trung, dày 204 trang, với nhiều phụ bản in màu. Đây là tài liệu được một cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam chính thức công bố, rất có giá trị và rất hữu ích cho việc nghiên cứu, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, sau khi đọc kỹ nội dung và xem xét hình thức của 19 văn bản chữ Hán được giới thiệu là “châu bản” trong tuyển tập nói trên, chúng tôi thấy chỉ có 16 văn bản thực sự là châu bản. 3 văn bản còn lại không phải là châu bản, mà là 2 bản sao tấu trình do Nội các triều Nguyễn lập[4] và 1 văn bằng do quan Bố chính tỉnh Quảng Ngãi cấp cho những người đảm nhận việc dẫn đường và lái thuyền theo các phái viên của triều đình đi Hoàng Sa.[5] Trong 16 châu bản còn lại, chỉ có 15 châu bản có nội dung liên quan đến hoạt động xác lập và thực thi chủ quyền của triều Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.[6] Riêng châu bản đề ngày 5 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 2 (1821)[7] có nội dung liên quan đến việc “chọn người sung vào làm việc trong sử quán triều Nguyễn”, không liên quan đến vấn đề thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngoài ra, vào năm 2009, nhà nghiên cứu Phan Thuận An (trú tại 31 Nguyễn Chí Thanh, thành phố Huế) đã phát hiện và công bố thêm 2 châu bản của triều Bảo Đại viết bằng chữ Việt, kèm theo 1 văn bản chữ Pháp, có nội dung liên quan đến hoạt động thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa dưới thời Pháp thuộc.[8]
Bài viết này giới thiệu 15 châu bản chữ Hán (đã được công bố trong sách Tuyển tập các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) và 2 châu bản chữ Việt (đã được nhà nghiên cứu Phan Thuận An công bố và hiến tặng cho Bộ Ngoại giao vào năm 2009).
1. CHÂU BẢN CHỮ HÁN
1.1. Hai châu bản ngày 27 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 11 (1830)[9]
Đây là 2 bản tấu của quan Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng Nguyễn Văn Ngữ, tấu trình việc chủ thuyền buôn người Pháp là Đô-ô-chi-li và các phái viên người Việt do Lê Quang Quỳnh dẫn đầu đi theo thuyền buôn của người Pháp sang buôn bán ở Lữ Tống (nay là Philippines) và bị gặp nạn tại Hoàng Sa. Thủy thủ đoàn bị nạn đã lên 2 chiếc thuyền nhỏ mang theo 2 hòm tài sản quan trọng và lương ăn nước uống đào thoát khỏi nơi bị nạn, trở về đất liền. Tuy nhiên, chỉ có 1 chiếc thuyền do Tài phó Y-đóa dẫn đầu cùng 11 thuyền viên vào đến cửa biển Đà Nẵng. Thuyền của Đô-ô-chi-li bị thất lạc. Nhận được tin báo, Thủ ngự Nguyễn Văn Ngữ đã sai thuyền tuần tiễu mang theo nước ngọt đi ra Hoàng Sa tìm kiếm cứu nạn và đã đưa được Đô-ô-chi-ly cùng 15 thuyền viên trở về an toàn. Tấu trình được gửi về kinh đô Huế, dâng lên vua Minh Mạng xem xét. Vua phê: “Đã xem”.[10] Sau đó, 2 châu bản này được Nội các triều Nguyễn sao gửi[11] cho thương thuyền của Đô-ô-chi-li để họ làm bằng chứng xin thị thực nhập cảnh vào cửa biển Đà Nẵng.
Nguyên bản (tờ 58, tập 43) (Xem ảnh 01 và ảnh 02):
Dịch nghĩa:[12]
Thần là Nguyễn Văn Ngữ chức Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng chắp tay dập đầu trăm lạy kính cẩn tâu việc:
Giờ Dần ngày 20 tháng này, chủ thuyền buôn Phú Lãng Sa là Đô-ô-chi-ly cùng Tài phó Y-đóa và bọn phái viên Lê Quang Quỳnh đi thuyền qua Lữ Tống (Philippines) buôn bán, việc đã tâu báo. Giờ Dần ngày 27 chợt thấy Tài phó Y-đóa và 11 thủy thủ đi một chiếc thuyền nhẹ vào cửa tấn (cửa biển), nói canh hai ngày 21 tháng này, thuyền qua phía tây Hoàng Sa bị mắc cạn, nước ngập vào thuyền hơn 8 thước. Thương thuyền đã bàn bạc dọn gấp 2 hòm tiền bạc công cùng một số dụng cụ, lương ăn, chia nhau lên 2 chiếc thuyền nhỏ theo gió trở về bờ. Nhưng thuyền của Đô-ô-chi-ly cùng phái viên, tiền bạc đi sau chưa thấy về. Thần lập tức sức cho thuyền tuần tiễu ở tấn mang nước ngọt ra biển tìm kiếm. Nay xin tâu báo là đến giờ Ngọ thì gặp Đô-ô-chi-ly cùng phái viên, thủy thủ 15 người, hiện đã đưa về tấn, người và tiền bạc đều an toàn. Còn các phái viên là bọn Lê Quang Quỳnh đều nói bị mệt, kiệt sức, xin nghỉ ngơi vài hôm, sau khi bình phục sẽ lập tức về kinh để thi hành công vụ. Thần xin soạn tập tâu, kính cẩn tâu trình đầy đủ. Thần khôn xiết run sợ. Kính tâu.
Thần Nguyễn Văn Ngữ ký.
Ngày 27 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 11.
[Châu phê]: Đã xem.
Nguyên bản (tờ 59, tập 43): (Xem ảnh 03 và 04)
Dịch nghĩa:
Thần Nguyễn Văn Ngữ chức Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng chắp tay dập đầu trăm lạy kính cẩn tâu việc:
Ngày 27 tháng này tiếp nhận được viên Tài phó người nước Pháp và 11 viên phái viên, thủy thủ, lái thuyền cùng đi trên một chiếc thuyền ván nhỏ vào đậu tại bản tấn mà viên Tài phó thưa rằng nguyên thuyền [của họ] ngày 20 tháng này rời cảng này ra biển, đến giờ Tuất ngày 21 tháng này mới đến được các xứ sở Hoàng [Sa], thì bị sóng cát, thuyền đắm, nước xô vào, viên thuyền trưởng Đô-ô-chi-ly cùng bọn phái viên đem 2 hòm bạc công cùng 15 viên thủy thủ, lái thuyền xuống chiếc thuyền đó đi sau, hiện nay chưa thấy về, vả lại nước ngọt trên chiếc thuyền đó đã hết.
Thần lập tức điều động và sức cho thuyền tuần tiễu ở tấn mang nước ngọt ra biển tìm kiếm bọn phái viên, bảo vệ và đưa họ về tấn, còn bọn Tài phó cho ở lại tấn. Thần xin soạn tập tâu đầy đủ, kính cẩn tâu trình. Thần khôn xiết run sợ. Kính tâu.
Ngày 27 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 11.
[Châu phê]: Đã xem
1.2. Châu bản ngày 22 tháng 11 năm Minh Mạng thứ 14 (1833)[13]
Đây là bản tấu của Nội các, trình tấu nhiều nội dung, trong đó có việc dân phu Phạm Văn Sênh vâng mệnh triều đình đi công vụ ở Hoàng Sa cùng 19 thuyền viên khác. Sau khi từ Hoàng Sa trở về, những người này được triều đình ban thưởng, nhưng do Phạm Văn Sênh kê khai sai số người nên số tiền thưởng còn thừa một ít. Nội các tấu trình lên vua để xin gia ân cho Phạm Văn Sênh vì số tiền thừa ấy vẫn còn nguyên và lại quá ít, nên xin vua miễn tội cho Phạm Văn Sênh.[14]
Nguyên bản: (Xem ảnh 05, 06, 07 và 08)
Dịch nghĩa:
Ngày 22 tháng 11 năm Minh Mạng thứ 14.
Nội các [tâu]:
Hoàng tử Vĩnh Tường dâng sớ xin đặt tên. Bề tôi Nội các vâng mệnh xem xét các mỹ tự thế hệ nhà vua, kính xin chỉ ban chữ 洪 (Hồng).
- Lại tập tâu của bộ Binh trình bày: Đội 3 cơ Bình Thuận đã chia làm 2 đội, nhưng bộ ấy vẫn đề nghị bổ chức Cai đội đội 3 của cơ ấy cho Phan Văn Bình. Nay xét thấy sai xót, xin đem viên chuyên biện ty Lại giao nghị xử phạt...
- Lại tờ phiến của bộ ấy [bộ Binh] trình bày: trước đây căn cứ vào lời kê khai sai của viên được sai phái đi khảo sát Hoàng Sa là Phạm Văn Sênh, lái thuyền cùng thủy thủ của suất ấy là 19 người để đến nỗi bộ ấy đã làm tờ phiếu nghĩ xin ban thưởng cho viên ấy tiền bạc 10 mai, các viên lái thuyền gồm 19 tên, mỗi tên tiền bạc 1 mai. Nay viên ấy nghĩ lại thấy thừa ra 1 tên, không giám làm đơn lĩnh số tiền bạc này. Bộ đó đã gửi tư cho Nội vụ chiếu phát theo thực số, còn viên quan bộ ấy không kiểm tra, phát hiện ra chỗ sai, [bộ ấy] đã gửi tờ trình đính kèm xin phạt tội [viên đó].
Kính xin ban chỉ: Phạm Văn Sênh khai báo hàm hồ, bộ ấy cũng không kiểm tra lại cho rõ ràng, để sơ suất làm phiếu nghĩ, đến nỗi việc ban thưởng thừa ra một số, thực là không hợp. Nhưng xét nghĩ số tiền bạc này chưa lĩnh, mà lại quá ít, xin gia ân cho miễn xét tội, ngoài ra chuẩn theo tờ tấu. Hãy tuân mệnh.
Thần Nguyễn Đức Hoạt vâng mệnh soạn thảo.
Thần Trương Phúc Đề, thần Hà Tông Quyền vâng mệnh đọc duyệt.
Vâng mệnh đọc duyệt thần Thân Văn Quyền ký.
Đương trực đối chiếu Trương Đăng Quế ký.
1.3. Hai châu bản ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835)[15]
Đây là hai bản tấu của Nội các, trình tấu nhiều nội dung, trong đó có việc nhà vua sai bộ Công và bộ Hình điều tra viên Cai đội Phạm Văn Nguyên cùng các viên chức trong vệ Giám thành được phái ra Hoàng Sa đo đạc, vẽ bản đồ nhưng trở về quá hạn, bản đồ vẽ không rõ ràng nên bị cách chức và phạt đòn. Sau khi điều tra, xét thấy những người này không có biểu hiện tư tệ, dù công việc không hoàn thành như ý nhưng họ đã tận lực thực thi việc công nên Nội các trình tấu nhà vua miễn hình phạt và phục chức cho Cai đội Phạm Văn Nguyên; tha tội cho những người vẽ bản đồ là Giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoằng; ban thưởng tiền phi long loại nhỏ cho những người dẫn đường là Vũ Văn Hùng và Phạm Văn Sênh; thưởng cho các viên binh và dân phu được triều đình sai phái tham gia chuyến công cán lần này mỗi người 1 quan tiền, đồng thời xem xét miễn trừ thuế thân cho họ theo lệ của triều đình.[16]
Nguyên bản (tờ 94, tập 54): (Xem ảnh 09, 10, 11 và 12)
Dịch nghĩa:
Ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 16.
Nội các [tâu]:
Bộ Hộ dâng một tập trình bày về sự thiệt hại lúa vụ hè và xét nghĩ bàn miễn giảm một phần cho 2 tỉnh Hải Dương, Thái Nguyên. Bộ thần vâng mệnh chiếu xét theo lệ là phù hợp. Kính xin chỉ ban cho chuẩn y lời tâu.
Lại 3 bản sách thẩm tra của Gia Định, Quảng Nam. Kính xin ban chỉ giao cho tam pháp ty cùng nhau xem xét, rồi tấu trình lại đầy đủ.
…
Lại hôm trước, Nội giám Nguyễn Ân chuyển truyền cật vấn bề tôi [Nội] các về việc lần này các viên binh tượng được sai phái đi Hoàng Sa trở về quá hạn. Viên cai đội Phạm Văn Nguyên cùng những người nào có hay không những tư tệ, cần phải nói thực. Nếu có tư tệ gì phải giao cho bộ Hình nghị tội, nếu không có tư tệ gì thì lập tức tha cho Phạm Văn Nguyên không phạt đòn 80 trượng và khôi phục lại chức cũ cho viên ấy. Viên Giám thành vẽ bản đồ không rõ ràng bị phạt đòn 80 trượng nhưng đều cho tha. Đích danh các viên dẫn đường mỗi viên được thưởng tiền bạc loại nhỏ 3 mai, binh đinh mỗi viên được thưởng tiền 1 quan. Dân phu [đi trong đợt này] nếu chưa được miễn trừ lệ thuế cũng được thưởng mỗi viên tiền 1 quan.
Bề tôi [Nội] các vâng mệnh chiếu xét: Trước đây đã có khoản vâng theo mệnh lệnh của nhà vua, bộ Công cùng bộ Hình đã vặn hỏi các viên binh đinh đi công cán Hoàng Sa. Nhưng hỏi 2 bộ này, 2 bộ đã trả lời rằng bộ đã tra hỏi nhưng họ không có tư tệ gì. Bề tôi [Nội] các lại sai thuộc viên Đỗ Bá Hồng cùng bộ Hình lại vặn hỏi đi, hỏi lại các viên binh tượng này, thì vẫn khai thực như trước, [họ] lại đưa ra cam kết đầy đủ, không có người nào có tư tệ gì. Vậy bề tôi [Nội] các cứ thực phúc trình đầy đủ, xin theo lời nghị bàn. [Bề tôi Nội các] vâng mệnh truyền dụ:
Cai đội Phạm Văn Nguyên được phái đi Hoàng Sa, khi trở về dềnh dàng quá hạn, đã có chỉ giao cho bộ [Hình] trị tội. Nhưng qua tra xét, chưa thấy có biểu hiện tư tệ. Vả lại, lần này được phái đi ra biển thực hiện công vụ chu đáo, rất đáng được dự thưởng. Duy Quản viên Phạm Văn Nguyên khi trở về, có sự tự mãn, đi lại rất không hợp cách, trước đã bị cách chức, bị bắt gông. Nay giao cho bộ [Hình] xét phạt đánh đòn 80 trượng nhưng gia ân tha, cho khôi phục lại chức cũ. Các viên có trách nhiệm vẽ bản đồ nhưng chưa rõ ràng là Giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoằng cũng bị phạt 80 trượng nhưng đều chuẩn cho tha. Viên dẫn đường là Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh thì được ban thưởng tiền phi long loại nhỏ 3 mai. Các viên binh, tượng đi đợt này được thưởng tiền 1 quan, cho về đơn vị cũ, cục cũ. Các dân phu do tỉnh phái đi, trừ 2 viên đã được thưởng tiền, số còn lại đều được thưởng tiền mỗi người 1 quan để tỏ rõ sự ưu ái.
Lại chiếu xét, các dân phu đi trong đợt này chưa được miễn trừ thuế thân, lại tra xét năm trước, những dân phu này được phái đi, khi trở về, cũng được thưởng tiền một quan. Vậy xin tấu trình.
Thần Nguyễn Đức Hoạt vâng mệnh soạn thảo.
Thần Hà Tông Quyền vâng mệnh đọc duyệt.
Vâng mệnh đọc duyệt Nguyễn Văn ký.
Đương trực đối chiếu Hà Duy Phiên ký.
Nguyên bản (tờ 92, tập 54): (Xem ảnh 13 và 14)
Dịch nghĩa:
Ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 16.
Bề tôi Nội các là Hà Tông Quyền, Hoàng Quýnh vâng mệnh truyền dụ:
Cai đội Phạm Văn Nguyên được phái đi Hoàng Sa, khi trở về dềnh dàng quá hạn, đã có chỉ giao cho bộ [Hình] trị tội. Nhưng qua tra xét, chưa thấy có biểu hiện làm việc riêng tư. Vả lại, lần này được phái đi ra biển thực hiện công vụ chu đáo, rất đáng được dự thưởng. Duy Quản viên Phạm Văn Nguyên khi trở về, có sự tự mãn, đi lại rất không hợp cách, trước đã bị cách chức, bị bắt gông. Nay giao cho bộ xét phạt đánh đòn 80 trượng nhưng gia ân cho tha, khôi phục lại chức cũ. Còn các viên có trách nhiệm vẽ bản đồ chưa rõ ràng là Giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoằng cũng bị phạt 80 trượng nhưng đều chuẩn cho tha. Viên dẫn đường là Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh thì được ban thưởng tiền phi long loại nhỏ 3 mai. Các viên lính trong tượng, cục đi đợt này được thưởng tiền 1 quan, cho về đơn vị cũ, cục cũ. Các dân phu do tỉnh phái đi, trừ 2 viên đã được thưởng tiền, số còn lại đều được thưởng tiền mỗi người 1 quan để tỏ rõ sự ưu ái. Hãy tuân mệnh.
Bộ Hình giữ bản giấy đỏ và sao chép gửi Nội các để chiểu theo thi hành.
1.4. Châu bản ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836)[17]
Đây là bản phúc trình của bộ Công, phản ánh việc bộ này tiếp nhận công văn của Nội các, vâng mệnh vua sai Cai đội thủy quân đem binh thuyền ra Hoàng Sa khảo sát và cắm cọc mốc bằng gỗ để đánh dấu. Bộ Công đã sai tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương chuẩn bị số cọc gỗ theo lệnh của triều đình. Người được cử ra Hoàng Sa lần này là Chánh đội trưởng Thủy quân Phạm Hữu Nhật, đưa thuyền từ cửa Thuận An ở Huế đi vào tỉnh Quảng Ngãi nhận số cọc gỗ nói trên đưa ra Hoàng Sa cắm mốc.[18]
Nguyên bản: (Xem ảnh 15)
Dịch nghĩa
Ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17.
Bộ Công phúc trình: Nay tiếp nhận công văn của Nội các vâng mệnh giao cho Bộ thần [trong đó] có châu phê: Các thuyền được phái đi Hoàng Sa, mỗi thuyền mang 10 cọc gỗ khắc sâu dòng chữ to: “Năm Minh Mạng thứ 17, Bính Thân, họ tên [viên] cai đội thủy quân vâng mệnh đi Hoàng Sa khảo sát. Đến đó thì cắm mốc đánh dấu. Hãy tuân mệnh.
Lần này, viên Chánh đội trưởng Thủy quân được cử đến Hoàng Sa là Phạm Hữu Nhật, giờ Mão hôm trước đã đi thuyền từ cửa Thuận An đến tỉnh [Quảng] Ngãi. Bộ thần xin chuẩn bị gấp số cọc gỗ theo số lượng, gửi công văn khẩn cho tỉnh Quảng Ngãi, chuyển ngay [số cọc gỗ ấy] cho viên này.
Vậy xin phúc trình.
[Châu phê]: mỗi cọc dài 4 đến 5 thước, dày 1 tấc.
[Châu phê]: thuyền nào đến chỗ nào lập tức dựng cọc làm mốc.
1.5. Châu bản đề ngày 11 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18 (1837)[19]
Đây là bản tấu của bộ Hộ, trình tấu nhiều nội dung, trong đó có việc bộ này tiếp nhận sách tâu của tỉnh Quảng Ngãi đề nghị quyết toán số tiền gạo đã cấp phát cho dân phu được cử đi công vụ ở Hoàng Sa theo lệnh của triều đình. Bộ Hộ xin nhà vua cho thời hạn 5 ngày để kê cứu, rồi sẽ tấu trình lại để thỉnh thị ý chỉ về việc quyết toán số tiền gạo này cho tỉnh Quảng Ngãi.[20]
Nguyên bản: (Xem ảnh 16, 17, 18 và 19)
Dịch nghĩa:
Ngày 11 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18.
Bộ Hộ [tâu]:
Các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên đều dâng sớ trình bày giá gạo trong tháng và kèm theo bản tường trình về tình hình thời tiết nắng mưa, cũng như công việc nhà nông. Bộ thần cung kính xin ban chỉ.
[Châu phê]: Biết rồi. Hãy tuân mệnh.
…
Lại có sách tâu của tỉnh Quảng Ngãi trình bày việc vâng mệnh chi tiền gạo thuê dân phu đến xứ Hoàng Sa thực hiện công vụ, xin cho được quyết toán. Việc này bộ thần xin trong 5 ngày để kê cứu, rồi tấu trình lại.
Thần Nguyễn Bảo vâng mệnh soạn thảo.
Thần Đào Chí Phú, thần Nguyễn Đắc Trí vâng mệnh đọc duyệt.
1.6. Châu bản ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18 (1837)[21]
Đây là bản tấu của bộ Công, trình tấu việc xử phạt các viên Thủy sư và dân phu dẫn đường được phái đi công cán Hoàng Sa nhưng trở về quá hạn. Những binh đinh[22] và phu thuyền hoàn thành nhiệm vụ thì được thưởng tiền và trả về nơi cũ. Riêng viên Giám thành Trương Viết Soái có trách nhiệm vẽ bản đồ nhưng không hoàn thành nên đã bị tuyên phạt án “trảm giam hậu”.[23] Nay bộ Công trình xin ý kiến của vua về việc xử tội Trương Viết Soái sắp tới. Vua phê: “Cho về làm lính, đợi sai phái tiếp”.[24]
Nguyên bản: (Xem ảnh 20 và 21)
Dịch nghĩa:
Ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18.
Bộ Công [tâu]:
Các viên Thủy sư Phạm Văn Biện do Kinh (triều đình Huế) sai phái, viên dẫn đường Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh, lái thuyền Lưu Đức Trực do tỉnh sai phái đi Hoàng Sa trở về quá hạn, đã có chỉ trách phạt, đánh đòn. Tất cả binh, dân thuyền được sai phái đi, Quảng Ngãi 2 thuyền, Bình Định 2 thuyền, đều cho về đơn vị cũ, nơi chốn cũ. Duy có việc bộ thần đã xem xét công việc năm ngoái, các viên quản suất, dẫn đường được sai phái đi Hoàng Sa thực hiện công vụ, khi trở về không mang theo bản đồ bị trách phạt, còn binh, đinh được thưởng 1 tháng lương tiền, dân phu được thưởng tiền 2 quan.
Lần này trở về, trừ 4 viên là bọn Phạm Văn Biện đã bị trách phạt không cần nghị bàn thêm, còn các viên binh dân chiếu theo lệ ban thưởng gia ân, nhưng việc bàn thưởng do bề trên quyết định, bộ thần không dám nghĩ bàn, duy có viên Giám thành Trương Viết Soái mắc tội quân, đã được sai đi hiệu lực, năm ngoái lại được sai phái đi hiệu lực ở Hoàng Sa, khi trở về không mang theo bản đồ để dâng trình, vâng theo chỉ chuẩn cho giữ nguyên án phạt trảm giam hậu, lần này xét xử viên đó thế nào, xin tâu trình đợi chỉ.
Thần Nguyễn Văn Hựu vâng mệnh soạn thảo.
Thần Hà Duy Phiên, thần Lý Văn Phức vâng mệnh đọc duyệt.
[Châu phê]: Cho về làm lính, đợi sai phái tiếp.
1.7. Châu bản ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18 (1837) [25]
Đây là tờ dụ do Nội các vâng mệnh vua Minh Mạng truyền dụ cho các bộ về việc xử phạt 4 người là 1 viên Thủy sư suất đội, 2 người dẫn đường và 1 người lái thuyền được sai đi công vụ ở Hoàng Sa nhưng trở về quá hạn, đồng thời khen thưởng cho những binh đinh và dân phu đã vất vả trong quá trình đi công cán Hoàng Sa. Trường hợp viên Giám thành Trương Viết Soái mắc tội chưa chu đáo trong việc đi khảo sát các đảo ở Hoàng Sa để vẽ bản đồ nên đã bị tuyên phạt án “trảm giam hậu”, nhưng do đã bị đi đày làm việc khổ sai nhiều lần và đã thành tâm hối cãi nên vua truyền dụ gia ân miễn tội chết, cho về làm lính ở vệ Giám thành. Tờ dụ cũng công bố họ tên của 20 viên Thủy sư, 2 viên Giám thành, 22 binh đinh và 31 dân phu sẽ được điều động đi công cán Hoàng Sa đợt tới.[26]
Nguyên bản: (Xem ảnh 22 và 23)
Dịch nghĩa:
Ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18.
Thần Hà Duy Phiên, thần Lý Văn Phức vâng mệnh truyền dụ:
Trước đây đã phái Thủy sư, Giám thành cùng binh dân thuyền 2 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi đến khảo sát Hoàng Sa. Nay [đoàn] đã trở về. Trừ viên Thủy sư suất đội Phạm Văn Biện do Kinh phái đi về quá hạn, viên dẫn đường do tỉnh phái đi là Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh, lái thuyền Lưu Đức Trực tất cả gồm 4 người đã có chỉ trách phạt, đánh đòn, còn binh dân cùng đoàn lênh đênh trên biển khơi cũng rất vất vả, nên xét ban ân binh đinh mỗi viên thưởng cho 1 tháng lương tiền, dân phu mỗi viên thưởng 2 quan tiền, trong đó các viên phu thuyền do tỉnh sai phái đi cho về quê làm ăn, riêng viên Biền chức Giám thành phạm lỗi là Trương Viết Soái trước là Đốc biện trông coi việc luyện thuốc súng đã có sơ suất mắc lỗi bị xử phạt trảm giam hậu, năm ngoái được sai phái đi Hoàng Sa và đi hiệu lực xây dựng thành Gia Định để chuộc tội. Nay lại được sai phái đi khảo sát Hoàng Sa. Tuy đã đến khảo sát 11 nơi bãi cát và các đảo, việc đo vẽ bản đồ chưa thật chu đáo nhưng nhiều lần bị đày đi làm việc khổ sai và cũng biết hối cải, nên gia ân tha cho viên Trương Viết Soái, cho về làm lính ở vệ Giám thành, đợi sau tùy việc sai phái để cho viên đó chuộc lỗi cũ. Hãy tuân mệnh.
Lại vâng mệnh ghi rõ 22 họ tên các viên binh đinh, 20 viên Thủy sư, 2 viên Giám thành và 31 dân phu đi Hoàng Sa đợt này, đính kèm phía sau.
Thần Nguyễn Văn Hựu vâng mệnh soạn thảo.
Thần Hà Duy Phiên, thần Lý Văn Phức vâng mệnh đọc duyệt.
1.8. Châu bản ngày 2 tháng 4 nhuận năm Minh Mạng thứ 19 (1838)[27]
Đây là bản tấu của bộ Công, trình tấu việc cử người ra khảo sát và vẽ bản đồ toàn bộ xứ Hoàng Sa, đi vào hạ tuần tháng 3 đến hạ tuần tháng 6 sẽ trở về. Bộ Công đã truyền dụ đến 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, điều động nhân sự và thuyền bè đầy đủ, chờ ngày lên đường. Tuy nhiên do có gió đông thổi liên tục trong nhiều ngày, không tiện cho việc ra khơi nên đã sang tháng 4 mà vẫn chưa khởi hành đi Hoàng Sa được. Vì thế bộ Công trình tấu sự việc lên vua.[28]
Nguyên bản: (Xem ảnh 24 và 25)
Dịch nghĩa:
Ngày 2 tháng 4 nhuận năm Minh Mạng thứ 19.
Bộ Công [tâu]:
Vâng mệnh chiếu xét khoản cử người đến Hoàng Sa, bộ thần đã bàn xin đến hạ tuần tháng 3 ra khơi đến [Hoàng Sa] đo vẽ khảo sát toàn bộ xứ đó, đến hạ tuần tháng 6 thì trở về. Vâng theo sự phê chuẩn của nhà vua, [bộ thần] đã sao gửi cho 2 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi thực hiện và tuyển chọn các viên Thị vệ, Khâm thiên giám thành cùng Thủy sư, binh thuyền phái đi trước. Nay tiếp nhận được tờ tư của tỉnh Quảng Ngãi trình bày cụ thể từng mục rằng binh thuyền ở kinh được phái đi, ngày 21 tháng 3 đã đến. Dân thuyền tỉnh Bình Định ngày 3 tháng 4 cũng đã đến. Viên dẫn đường Phạm Văn Sênh ngày 9 tháng đó cũng đã đến. Theo sự trình bày chi tiết của phái viên thì từ ngày 10 đến ngày 26 tháng 4, gió Đông liên tục thổi, không tiện cho việc ra khơi. Viên Cai tỉnh quan sát cũng thấy như vậy và khẩn thiết xin đợi đến khi có gió Nam thổi thì thuận tiện cho việc đưa thuyền ra khơi ngay và tiếp tục báo về.
Bộ thần vâng mệnh chiếu xét: Việc đi khảo sát đo đạc ở Hoàng Sa đã có hạn định rõ ràng là hạ tuần tháng 3 thì xuất phát ra khơi, nhưng vì hướng gió và con nước chưa tiện, kéo dài [hạn định] đến hạ tuần tháng 4 mà vẫn chưa ra khơi được là quá hạn. [Bộ thần] căn cứ vào sự thực tấu trình đầy đủ.
Thần Lê Văn Côn vâng mệnh soạn thảo.
Thần Hà Duy Phiên, thần Phạm Thế Trung vâng mệnh đọc duyệt.
1.9. Châu bản ngày 6 tháng 4 nhuận năm Minh Mạng thứ 19 (1838)[29]
Đây là bản tấu của bộ Công, trình tấu việc bộ này đã nhận được tờ tư (công văn) của tỉnh Quảng Ngãi thông báo thuyền đi Hoàng Sa đã nhổ neo ra khơi tại cửa tấn Sa Kỳ (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Quan thuyền tấn Sa Kỳ đã hộ tống đoàn thuyền đi Hoàng Sa qua cửa tấn.[30]
Nguyên bản: (Xem ảnh 26)
Dịch nghĩa:
Ngày 6 tháng 4 nhuận năm Minh Mạng thứ 19.
Bộ Công [tâu]:
Nay tiếp nhận tờ tư của Quảng Ngãi trình bày rằng vâng mệnh đi xem xét 4 chiếc thuyền đi Hoàng Sa. Giờ Mão ngày 3 tháng này [thuyền] đã nhổ neo ra khơi tại tấn Sa Kỳ. Tấn này hiện đã hộ tống thuyền qua biển ổn thỏa.
Vậy [bộ xin] tấu trình đầy đủ.
Thần Hoàng Văn Sự vâng mệnh soạn thảo.
Thần Hà Duy Phiên, thần Phạm Thế Trung vâng mệnh đọc duyệt.
1.10. Châu bản ngày 21 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 19 (1838)[31]
Đây là bản tấu của bộ Công, trình tấu việc tiếp nhận các viên chức đi công cán Hoàng Sa trở về. Những người này báo tin đã khảo sát được 25 hòn đảo thuộc 3 trong 4 vùng trong xứ Hoàng Sa.[32] Việc khảo sát vùng thứ 4 không thực hiện được do nơi này ở khá xa về phía nam, lại gặp lúc gió nam thổi mạnh, nên chưa thể đến được, xin đợi đến năm sau sẽ cử thuyền đến đó khảo sát. Đoàn khảo sát trở về đã dâng lên 4 tờ 3 đồ, gồm 1 bản vẽ tổng quát toàn vùng và 3 bản vẽ riêng từng vùng, cùng 1 bản nhật ký chưa được tu sửa hoàn chỉnh. Bộ Công cũng trình tấu những người đi Hoàng Sa lần này đã thu được 1 khẩu đại bác bọc đồng, nhiều san hô đỏ, các loại chim và rùa biển. Tất cả đã được mang về kinh đô Huế.[33]
Nguyên bản: (Xem ảnh 27 và 28)
Dịch nghĩa:
Ngày 21 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 19.
Bộ Công [tâu]:
Nay tiếp nhận các viên Đỗ Mậu Thưởng, Thị vệ Lê Trọng Bá thuộc ty của bộ thần [đi công vụ ở Hoàng Sa] đã trở về. Bộ thần đã hỏi qua, các viên đó trình bày lần này [đoàn khảo sát] đã đến được 25 đảo thuộc 3 vùng, trong đó hàng năm [các đoàn] lần lượt đến được 12 hòn đảo, chưa từng đến được hòn đảo thứ 13. Nhưng theo viên dẫn đường Vũ Văn Hùng thì toàn bộ xứ Hoàng Sa có 4 vùng, lần này khảo sát được 3 vùng, còn một vùng ở phía nam, nơi này cách nơi kia khá xa, gió Nam lại thổi mạnh, việc khởi hành đến đó không tiện, phải đợi gió thuận thì muộn, xin đợi đến sang năm [cử thuyền] đến đó. Lại xem xét 4 bản đồ mang về, có 3 bức vẽ riêng từng vùng, một bức vẽ chung, cùng một bản nhật ký cũng chưa được tu sửa hoàn chỉnh, xin cho bộ thần thẩm tra kỹ và sức cho họ chỉnh sửa hoàn thiện để dâng trình.
Lại theo những người này tường trình thì trong chuyến đi này họ đã thu được 1 súng đại bác bọc đồng, các loại đá san hô đỏ, các loại chim, rùa biển. Nay đã mang về.
[Chúng thần] dám xin làm tờ tâu trình đại thể.
Thần Thang Huy Thận vâng mệnh soạn thảo.
Thần Hà Duy Phiên, thần Lý Văn Phức vâng mệnh đọc duyệt.
1.11. Châu bản ngày 19 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 19 (1838)[34]
Đây là bản tấu của quan Bố chính tỉnh Quảng Ngãi, trình tấu việc xin miễn trừ các hạng thuế thuê thuyền đi làm việc công ở Hoàng Sa. Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi đã vâng mệnh vua, thuê 2 thuyền của tỉnh này cùng 2 thuyền của tỉnh Bình Định, điều động dân phu và dân thuyền đi công cán ở Hoàng Sa từ tháng 3 đến tháng 6. Nay thuyền và người đều đã trở về, nên tỉnh Quảng Ngãi xin vua miễn trừ thuế thuyền hàng năm cho 2 thuyền thuê quá lệ đã được điều động. Tờ tấu ghi tên tuổi và quê quán của 2 chủ thuyền thuê quá lệ, cùng số tiền thuế 2 chủ thuyền này phải nộp để xin miễn thuế cho họ. Bản tấu gửi ngày 19 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 19, đến ngày 4 tháng 8 thì Nội các vâng mệnh truyền chỉ của vua Minh Mạng: “Y lời tâu. Hãy tuân mệnh”[35] viết trực tiếp vào bản tấu và đóng dấu Ngự tiền chi bửu bằng mực đỏ.
Nguyên bản: (Xem ảnh 29, 30 và 31)
Dịch nghĩa:
Ngày 19 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 19.
Quan Bố chính sứ tỉnh Quảng Ngãi được ghi công 7 lần là Đặng Đức Thiệm kính cẩn tấu trình việc xin miễn trừ các hạng thuế thuê thuyền đi làm việc công, cúi mong bề trên soi xét.
Ngày tháng Giêng năm nay, tiếp nhận lệnh sai người đi lo liệu việc công ở Hoàng Sa của bộ Công trong đó có một khoản: Năm nay kỳ hạn sai người ra khơi đến xứ Hoàng Sa để khảo sát, đo vẽ toàn bộ vùng đó, thời gian định vào hạ tuần tháng 3 đến hạ tuần tháng 6 thì về thẳng cửa Thuận An đến Kinh. Bộ thần ấy còn gửi tư lệnh cho tỉnh thần thuê, điều động trước 2 thuyền cùng dân phu và dân thuyền để chuẩn bị cho việc sai phái, thay người.
Vâng theo chỉ chuẩn của nhà vua, lần này thần đã thuê, điều động 2 chiếc thuyền lớn tại bản hạt cùng với 2 thuyền của tỉnh Bình Định đang neo đậu tại đấy theo phái viên đến Hoàng Sa thực hiện công vụ.
Nay thuyền đã trở về, thần xin đem số thuyền thuê quá lệ để xin miễn trừ thuế năm nay. Thuế khóa của thuyền bè là rất quan trọng, thần xin làm tờ tấu trình, cúi mong nhận được chỉ chuẩn.
Tất cả các hạng thuyền phải nộp thuế cả năm là bao nhiêu cùng tên, tuổi, quê quán của chủ thuyền, theo từng khoản cung kính ghi phía sau. Thần kính cẩn tấu trình.
Vâng mệnh điều động 2 thuyền lớn, theo lệ thuế tiền là 35 quan.
Tên Tín, tức Nguyễn Văn Còm, sinh năm Bính Ngọ, 53 tuổi, người ấp Phổ An phía dưới tổng Nghĩa Hà, huyện Chương Nghĩa, phủ Tư Nghĩa. Một thuyền lớn (biển số 22), dài 2 trượng 7 thước; rộng 6 thước 7 tấc; sâu 2 thước 1 tấc. Lệ thuế tiền 20 quan
Tên Ân, tức Trần Văn Đức, sinh năm Canh Tí, 59 tuổi, người xã... Một thuyền lớn (biển số 89), dài 2 trượng 1 tấc; rộng 6 thước 7 tấc; sâu 2 thước, 3 tấc. Lệ thuế tiền 15 quan.
[Tờ tấu] gửi ngày 19 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 19 đến ngày 4 tháng 8, thần Hà Duy Phiên, thần Vũ Đức Khuê, thần Phan Thanh Giản, thần Đoàn Khiêm Quang vâng mệnh truyền chỉ: Y tấu, hãy tuân mệnh.
Thần Đặng Đức Thiệm ký.
1.12. Châu bản ngày 26 tháng Giêng năm Thiệu Trị thứ 7 (1847)[36]
Đây là bản tấu của bộ Công, trình tấu việc vào tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) triều đình có ban sắc chỉ cho bộ Công hoãn cử binh thuyền ra khảo sát Hoàng Sa trong năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Nay bộ Công trình tấu nhà vua xin chỉ thị về việc có phái người ra Hoàng Sa trong năm nay (1847) hay không? Vua phê: “Dừng lại”.[37]
Nguyên bản: (Xem ảnh 32 và 33)
Dịch nghĩa:
Ngày 26 tháng Giêng năm Thiệu Trị thứ 7
Bộ Công [tâu]:
Vâng sắc giao cho bộ lưu giữ hồ sơ ghi ngày tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) hoãn việc phái [người] đi thăm dò, khảo sát Hoàng Sa, đến năm sau phúc trình lại đợi chỉ. Hãy tuân mệnh.
Nay [bộ thần] xin phúc tâu việc có nên phái người đi [thăm dò, khảo sát Hoàng Sa] nữa hay không? [Bộ thần] tâu trình đợi chỉ.
Thần Nguyễn Đình Phượng vâng mệnh khảo.
Thần Đào Sĩ Huống vâng mệnh soạn tấu.
Thần Lâm Duy Nghĩa, thần Nguyễn Văn Điển, thần Trương Quốc Dụng phụng mệnh đọc duyệt.
[Châu phê]: Dừng lại.
1.13. Châu bản ngày 28 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847)[38]
Đây là bản tấu của bộ Công, xin chỉ dụ của vua về việc phái binh thuyền đi Hoàng Sa vào năm sau. Theo bộ Công, “xứ Hoàng Sa là bờ cõi trên biển của nước ta, hàng năm có phái binh thuyền đến thăm dò để thuộc lộ trình đường biển”. Tuy nhiên vào tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) đã có chỉ dụ của vua tạm hoãn việc phái binh thuyền ra khảo sát Hoàng Sa, nay bộ Công gửi tấu trình nói việc khảo sát Hoàng Sa cần phải có thời gian chuẩn bị chu đáo, nhưng do năm nay việc công quá bận rộn nên gửi tấu trình xin tạm hoãn việc đi khảo sát Hoàng Sa vào đầu năm như thông lệ, xin vua chỉ thị để thực hiện. Vua phê: “Dừng lại”.[39]
Nguyên bản: (Xem ảnh 34 và 35)
Dịch nghĩa:
Ngày 28 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 7
Bộ Công [tâu]:
Chiểu theo lệ, xứ Hoàng Sa là bờ cõi trên biển của nước ta, hàng năm có phái binh thuyền đến thăm dò để thuộc lộ trình đường biển. Ngày tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), vâng theo lời huấn thị: năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), hoãn việc phái binh thuyền [đi khảo sát], đến năm sau phúc trình lại. Hãy tuân mệnh.
Ngày tháng Giêng năm nay, bộ thần đã phúc trình đầy đủ, được châu phê: Dừng lại.
Đầu xuân, đã đến kỳ đi khảo sát. Điều cần thiết là phải chuẩn bị đầy đủ trước. Nhưng xét thời gian này việc công quá bận rộn, xin dừng việc đi khảo sát đầu xuân năm nay, đợi năm sau phúc trình lại. Vậy xin tâu trình đợi chỉ, [để] chiểu theo thi hành. Vậy xin tấu trình.
Thần Nguyễn Hữu Độ phụng mệnh khảo.
Thần Nguyễn Trực phụng mệnh soạn thảo.
Thần Nguyễn Văn Điển, thần Trương Quốc Dụng, thần Nguyễn Đình Hưng phụng mệnh đọc duyệt.
Châu phê: Dừng lại.
II. CHÂU BẢN CHỮ VIỆT
2.1. Châu bản ngày 15 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (3.2.1939)[40]
Đây là tờ phiến do Ngự tiền văn phòng đệ trình vua Bảo Đại, đính kèm bản sao văn thư của Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil viết bằng tiếng Pháp gửi cho Tổng lý Ngự tiền văn phòng, có chữ ký sao lục của Thương tá Ngự tiền văn phòng Trần Đình Tùng. Nội dung 2 văn bản này có liên quan mật thiết với nhau, đề cập sự việc sau: Ngày 2.2.1939, Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil gửi thư cho Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Quỳnh đề nghị cơ quan này tâu xin vua Bảo Đại truy tặng huy chương Long tinh của triều Nguyễn cho ông Louis Fontan, Chánh Cai đội hạng nhất của đội lính Khố xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa, vừa qua đời tại Huế ngày 2.2.1939 do nhiễm phải bệnh sốt nguy hiểm trong thời gian công tác ở Hoàng Sa.
Nhận được thư của Khâm sứ Trung kỳ, Tổng lý Phạm Quỳnh giao cho quan chức dưới quyền là Thương tá Trần Đình Tùng sao y nguyên văn. Ngày 3.2.1939, Ngự tiền văn phòng trình tờ phiến có chữ ký của Tổng lý Phạm Quỳnh kèm theo bản sao văn thư của Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil lên vua Bảo Đại, đề nghị vua truy tặng huy chương “tứ hạng Long tinh” cho ông Louis Fontan vì đã có công phòng thủ đảo Hoàng Sa. Vua Bảo Đại chấp thuận đề nghị của Tổng lý Ngự tiền văn phòng, bút phê: “Chuẩn y” và ký tắt 2 chữ “BD” (Bảo Đại) bằng bút chì màu đỏ ở lề trái tờ phiến. [41]
Nguyên bản: (Xem ảnh 36 vả 37)
- Nội dung châu bản:
Huế, ngày 15 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13
(3.2.1939)
Ngự-Tiền Văn-Phòng kính tâu:
Nay Văn-Phòng chúng tôi có tiếp thơ số 68-sp, ngày 2 tháng 2 năm 1939, của Quí Khâm-Sứ Đại-thần thương xin thưởng tứ-hạng Long-tinh cho M. FONTAN, Louis, Garde principal de 1ère classe de la Garde Indigène, vừa tạ thế ở nhà thương Huế; và nhờ chúng tôi tâu lên Hoàng-đế ban Chuẩn. Phí-ngân cấp-chỉ và thiệt-chất huy-chương ấy sẽ do ngân-sách Trung-kỳ đài-thọ.
Vậy chúng tôi xin sao nguyên-thơ của Quí Khâm-Sứ Đại-thần, phụng đính theo phiến nầy, kính tâu lên Hoàng-Đế Tài-Định[42], hậu Chỉ lục tuân.[43]
Nay kính tâu,
Tổng-lý Đại-thần.
Thần: Ký tên [Phạm Quỳnh]
- Nội dung văn thư đính kèm (dịch từ chữ Pháp)
Huế, ngày 2.2.1939
Khâm sứ Trung kỳ
Huân chương Bắc đẩu Bội tinh
Kính gửi Ngài Tổng lý Ngự tiền Văn phòng, Huế.
Thưa Ngài,
Tôi kính nhờ Ngài vui lòng tâu lên Đức Kim thượng xin phê chuẩn cho một đề nghị là truy tặng Long tinh của Nam triều cho ông Louis Fontan là Chánh cai đội hạng nhất của ngạch lính Khố xanh, vừa tạ thế vào ngày hôm nay tại Nhà thương lớn ở Huế sau khi bị bệnh sốt “typhus” mà ông đã nhiễm phải trong thời gian công tác ở đảo Hoàng Sa.
Trong trường hợp lời đề nghị này được chấp nhận, tôi sẽ rất biết ơn Ngài nếu Ngài gửi thật gấp bằng khen và huy chương ấy cho tôi qua trương mục ngân sách địa phương.
Ký tên: Graffeuil
Sao y nguyên bản
Thương tá Ngự tiền Văn phòng.
Ký tên [Trần Đình Tùng]
2.2. Châu bản ngày 27 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (15.2.1939)[44]
Đây là tờ phiến do Ngự tiền văn phòng đệ trình vua Bảo Đại. Nội dung phản ánh việc Khâm sứ Trung Kỳ gửi thư cho Ngự tiền văn phòng vào ngày 10.2.1939 đề nghị cơ quan này tâu xin vua Bảo Đại ban thưởng huy chương “ngũ hạng Long tinh” cho ngạch lính Khố xanh ở Trung kỳ do họ đã có nhiều công lao trong việc dẹp loạn ở cao nguyên và lập đồn phòng thủ ở Hoàng Sa. Nhận được thư này, Tổng lý Ngự tiền văn phòng soạn tờ phiến đệ trình vua Bảo Đại xem xét. Vua Bảo Đại ngự phê “Chuẩn y” và ký tắt 2 chữ “BD” bằng bút chì màu đỏ ở lề trái tờ phiến, đồng ý khen thưởng cho ngạch lính Khố xanh này.[45]
Nguyên bản: (Xem ảnh 38)
Nội dung châu bản:
“Huế, ngày 27 tháng 12 năm Bảo-Đại thứ 13 (15 Février 1939)
Ngự-Tiền Văn-Phòng kính tâu:
Nay Văn-Phòng chúng tôi có tiếp thơ số 177s-sp, ngày 10 tháng 2 năm 1939, của Quí Khâm-Sứ Đại-thần thương rằng ngạch binh Thanh- khố Trung-kỳ có nhiều công-lao trong việc dẹp yên các miền man-di dấy loạn và việc lập đồn phòng-thủ ở đảo Hoàng-Sa, nghĩ nên thưởng ngũ-hạng Long-tinh cho Hiệu-kỳ ngạch ấy và nhờ chúng tôi tâu lên Hoàng-Đế ban Chuẩn.
Phí-ngân cấp-chỉ và thiệt-chất huy-chương ấy sẽ do ngân-sách Trung-kỳ đài-thọ.
Chúng tôi có phụng nghĩ giạng-bản Dụ-ngữ ban Chuẩn huy-chương ấy cho ngạch binh Thanh-khố Trung-kỳ, kính tâu lên Hoàng-Đế tài-định, như mông Du-doãn, hậu Chỉ lục tuân.[46]
Nay kính tâu.
Tổng-lý Đại-thần,
Thần: ký tên [Phạm Quỳnh]
Như vậy, nội dung của 2 châu bản này đã chứng tỏ vào năm 1939, dù triều đình nhà Nguyễn lúc đó đang phụ thuộc vào sự bảo hộ của người Pháp nhưng vẫn quan tâm đến việc thực thi chủ quyền và phòng thủ ở Hoàng Sa. Vì thế, triều đình đánh giá cao công lao của những người lính đã có công bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa và trọng thưởng họ, bất kể người Việt hay người Pháp. Điều này khẳng định rằng ngay cả khi đất nước đang lâm vào thế yếu, nhưng triều Nguyễn vẫn tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển đảo nằm trong hải giới của Việt Nam.
* * *
Tóm lại, châu bản triều Nguyễn là nguồn tư liệu gốc, là các văn bản hành chính đặc biệt của triều Nguyễn, ghi nhận triều đại này đã kế tiếp các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây trong hoạt động xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo Việt Nam, thông qua các hoạt động thực tế như: liên tục cử người ra Hoàng Sa - Trường Sa (và những vùng biển đảo khác trên Biển Đông) để khảo sát, cắm mốc và đo vẽ bản đồ; thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn đối với thuyền bè của Việt Nam và thuyền bè nước ngoài gặp nạn trên vùng biển Việt Nam; ban hành và thực hiện các chính sách ưu đãi đối với những người được triều đình cử đi thực thi công vụ ở Hoàng Sa; ban thưởng cho những người đã chịu đựng gian khó hoặc lập được công lớn và xử phạt những người trễ nãi, không hoàn thành nhiệm vụ khi đi công cán ở Hoàng Sa...
Những châu bản này là văn bản chính thức của nhà nước phong kiến Việt Nam liên quan đến quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào thời Nguyễn.
Đây chính là những bằng chứng xác thực chứng minh Việt Nam đã có quá trình chiếm hữu, xác lập và thực thi chủ quyền một cách liên tục và hòa bình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
T.Đ.A.S.
-----------
CHÚ THÍCH:
[1]. Ngự lãm: vua xem. Ngự phê: vua phê bằng mực đỏ trên châu bản. Bút tích mà vua ngự phê gọi là châu phê, gồm 6 hình thức: châu điểm, châu phê, châu khuyên, châu mạt, châu sổ và châu cải.
- Châu điểm là nét son được chấm lên đầu văn bản hoặc một vấn đề thể hiện sự đồng ý của nhà vua.
- Châu phê là 1 đoạn, 1 câu hay 1 vài chữ do đích thân nhà vua viết, có thể ở đầu, ở cuối hoặc chen vào giữa các dòng trên văn bản thể hiện quan điểm hoặc cho ý kiến chỉ đạo.
- Châu khuyên là vòng son được nhà vua khuyên lên điều khoản, tên người hoặc vấn đề được nhà vua chấp thuận.
- Châu mạt là nét son được phẩy lên tên người hoặc vấn đề nào đó thể hiện sự lựa chọn hoặc không chấp thuận của nhà vua.
- Châu sổ là nét son được gạch sổ trực tiếp lên những chỗ cần sửa chữa hoặc không được chấp thuận.
- Châu cải là chữ / câu / đoạn viết cạnh những chữ đã sổ bỏ nhằm sửa lại hoặc thể hiện quan điểm của nhà vua.
[2]. Dẫn theo: Bộ Ngoại giao - Ủy ban Biên giới Quốc gia, Tuyển tập các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Collection of Official Documents of the Nguyen Dynasty on the Exercise of sovereignity of Vietnam in over Hoang Sa (Paracels) & Truong Sa (Spratlys) Archipenlagoes - Collection des documents officiels de la dynastie des Nguyen prouvant la souveraineté du Vietnam surles archipels de Hoang Sa (Paracels) et de Truong Sa (Spratleys) - 关于越南对黃沙群島和长沙群島行駛主权的硃本选集, (Hà Nội: Tri Thức, 2013), 5.
[3]. Tuyển tập các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Bộ Ngoại giao - Ủy ban Biên giới Quốc gia, Sách đã dẫn, Nxb Tri Thức, Hà Nội, 2013) giới thiệu 19 châu bản, nhưng sau khi thẩm định các văn bản này, chúng tôi xác nhận chỉ có 15 châu bản chữ Hán có nội dung liên quan đến Hoàng Sa và 1 châu bản về việc chọn người vào làm việc trong Quốc sử quán triều Nguyễn không liên quan đến Hoàng Sa. 3 văn bản còn lại không phải là châu bản, mà là 2 bản sao tấu trình do Nội các lập và 1 văn bằng do quan Bố chính tỉnh Quảng Ngãi cấp cho những người đảm nhận việc dẫn đường và lái thuyền theo các phái viên của triều đình đi Hoàng Sa.
[4]. Các văn bản số 3 và số 5 trong sách Tuyển tập các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Nxb Tri Thức xuất bản năm 2013.
[5]. Văn bản số 7 trong sách nói trên.
[6]. Các văn bản số: 2, 4, 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18 và 19 trong sách nói trên.
[7]. Văn bản số 1 trong sách nói trên.
[8]. Xem: Phan Thuận An, “Một tờ châu bản thời Bảo Đại liên quan đến đảo Hoàng Sa”, Nghiên cứu và Phát triển, Số 4(75).2009, tr. 84-87 và Phan Thuận An, “Phát hiện thêm một tờ châu bản liên quan đến đảo Hoàng Sa”, Nghiên cứu và Phát triển, Số 5(76).2009, 61-65.
[9]. Châu bản triều Nguyễn, tập 43, tờ 58 và tờ 59, lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1. Dẫn theo: Bộ Ngoại giao - Ủy ban Biên giới Quốc gia, Sách đã dẫn, (Hà Nội: Tri Thức, 2013), 52-53, 68-69.
[10]. Hai châu bản số 58 và số 59 đều có châu phê của vua Minh Mạng: 覽 (lãm: đã xem) bằng mực đỏ. Phía dưới châu phê có đóng dấu Ngự tiền chi bửu.
[11]. Đây là văn bản số 3 và văn bản số 5 mà các tác giả sách Tuyển tập các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tưởng nhầm là châu bản.
[12]. Phần dịch nghĩa các châu bản được dẫn theo sách Tuyển tập các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng chúng tôi có bổ túc và hiệu đính một số nơi.
[13]. Châu bản triều Nguyễn, tập 49, tờ 230, lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1. Dẫn theo: Bộ Ngoại giao - Ủy ban Biên giới Quốc gia, Sách đã dẫn, (Hà Nội: Tri Thức, 2013), 84-87.
[14]. Châu bản số 230 có 3 châu điểm của vua tại những điều mà Nội các trình tấu, thể hiện sự chuẩn thuận của nhà vua với những trình tấu này.
[15]. Châu bản triều Nguyễn, tập 54, tờ 92 và tờ 94, lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1. Dẫn theo: Bộ Ngoại giao - Ủy ban Biên giới Quốc gia, Sách đã dẫn, (Hà Nội: Tri Thức, 2013), 106-109, 118-119.
[16]. Tờ 94 có châu phê bằng chữ 了 (liễu: rồi) và 3 châu điểm của vua Minh Mạng bằng mực đỏ, chuẩn thuận những điều Nội các trình tấu. Tờ 92 có đóng 10 dấu triện màu đỏ tại tên của những người được Nội các đề nghị gia ân, miễn tội, hoặc ban thưởng. Vua giao bộ Hình giữ châu bản giấy đỏ (tờ 92) và cho sao chép bản có châu phê của vua (tờ 94) để gửi cho Nội các thi hành.
[17]. Châu bản triều Nguyễn, tờ 26 (không rõ tập nào), lưu trữ tại Ủy ban Biên giới Quốc gia. Dẫn theo: Bộ Ngoại giao - Ủy ban Biên giới Quốc gia, Sách đã dẫn, (Hà Nội: Tri Thức, 2013), 126.
[18]. Trên châu bản số 26 này, cạnh chữ 木牌 (mộc bài: cọc gỗ) có châu phê của vua Minh Mạng ghi quy cách của các cọc gỗ (dịch nghĩa): “mỗi cọc dài 4 đến 5 thước, dày 1 tấc”. Gần cuối văn bản có châu phê của vua (dịch nghĩa): “thuyền nào đến chỗ nào lập tức dựng cọc làm mốc”.
[19]. Châu bản triều Nguyễn, tập 57, tờ 210, lưu trữ tại Ủy ban Biên giới Quốc gia. Dẫn theo: Bộ Ngoại giao - Ủy ban Biên giới Quốc gia, Sách đã dẫn, (Hà Nội: Tri Thức, 2013), 132-135.
[20]. Châu bản số 210 có 6 châu điểm của vua, tán thành những đề nghị của bộ Hộ.
[21]. Châu bản triều Nguyễn, tập 57, tờ 244, lưu trữ tại Ủy ban Biên giới Quốc gia. Dẫn theo: Bộ Ngoại giao - Ủy ban Biên giới Quốc gia, Sách đã dẫn, (Hà Nội: Tri Thức, 2013), 142-143.
[22]. Binh đinh là những người dân được triệu tập phục vụ việc binh trong một thời gian nhất định. Hết hạn nghĩa vụ thì họ được trở về nơi cũ, không phải là binh lính chính quy trong quân đội thường trực.
[23]. “Trảm giam hậu” là án chém đầu nhưng tạm giam đến mùa thu mới xử tội.
[24]. Châu bản số 244 có châu phê: 為兵再俟差派 (vi binh tái sĩ sai phái: cho về làm lính, đợi sai phái tiếp) bằng mực đỏ bên cạnh tên của Trương Viết Soái.
[25]. Châu bản triều Nguyễn, tập 57, tờ 245, lưu trữ tại Ủy ban Biên giới Quốc gia. Dẫn theo: Bộ Ngoại giao - Ủy ban Biên giới Quốc gia, Sách đã dẫn, (Hà Nội: Tri Thức, 2013), 150-151.
[26]. Châu bản số 245 có 2 châu điểm của vua Minh Mạng, xác thực những điều mà Nội các truyền dụ.
[27]. Châu bản triều Nguyễn, tập 68, tờ 21, lưu trữ tại Ủy ban Biên giới Quốc gia. Dẫn theo: Bộ Ngoại giao - Ủy ban Biên giới Quốc gia, Sách đã dẫn, (Hà Nội: Tri Thức, 2013), 158-159.
[28]. Châu bản số 21 có 1 châu điểm của vua Minh Mạng, xác nhận vua đã xem tấu trình của bộ Công.
[29]. Châu bản triều Nguyễn, tập 68, tờ 40, lưu trữ tại Ủy ban Biên giới Quốc gia. Dẫn theo: Bộ Ngoại giao - Ủy ban Biên giới Quốc gia, Sách đã dẫn, (Hà Nội: Tri Thức, 2013), 166.
[30]. Châu bản số 40 có 1 châu điểm của vua Minh Mạng, xác nhận vua đã xem tấu trình của bộ Công.
[31]. Châu bản triều Nguyễn, tập 68, tờ 215, lưu trữ tại Ủy ban Biên giới Quốc gia. Dẫn theo: Bộ Ngoại giao - Ủy ban Biên giới Quốc gia, Sách đã dẫn, (Hà Nội: Tri Thức, 2013), 172-173.
[32]. Trên châu bản có dòng chú thích cho biết mỗi năm đoàn khảo sát được 12 hòn đảo ở quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía nam Hoàng Sa. Công cuộc khảo sát Hoàng Sa dưới triều Minh Mạng bắt đầu từ năm 1833 và tiến hành hàng năm. Như vậy đến năm 1838, các đoàn đã khảo sát được 85 hòn đảo.
[33. Châu bản số 215 có 1 châu điểm của vua Minh Mạng, xác nhận vua đã xem tấu trình của bộ Công.
[34]. Châu bản triều Nguyễn, tập 64, tờ 146-147, lưu trữ tại Ủy ban Biên giới Quốc gia. Dẫn theo: Bộ Ngoại giao - Ủy ban Biên giới Quốc gia, Sách đã dẫn, (Hà Nội: Tri Thức, 2013), 180-181.
[35]. Nguyên văn: 旨依奏欽此 (Chỉ y tấu. Khâm thử: Y lời tâu. Hãy tuân mệnh), có dấu Ngự tiền chi bửu đóng trên 2 chữ 欽此.
[36]. Châu bản triều Nguyễn, tập 41, tờ 42, lưu trữ tại Ủy ban Biên giới Quốc gia. Dẫn theo: Bộ Ngoại giao - Ủy ban Biên giới Quốc gia, Sách đã dẫn, (Hà Nội: Tri Thức, 2013), 188-189.
[37]. Nguyên văn: 停 (đình: dừng lại), viết theo lối giản thể, do vua Thiệu Trị phê bằng mực đỏ ở phía trên câu đầu tiên của châu bản.
[38]. Châu bản triều Nguyễn, tập 51, tờ 235, lưu trữ tại Ủy ban Biên giới Quốc gia. Dẫn theo: Bộ Ngoại giao - Ủy ban Biên giới Quốc gia, Sách đã dẫn, (Hà Nội: Tri Thức, 2013), 196-197.
[39]. Nguyên văn: 停 (đình: dừng lại), do vua Thiệu Trị phê bằng mực đỏ ở phía trên câu đầu tiên của châu bản.
[40]. Châu bản do ông Phan Thuận An phát hiện vào năm 2009 và đã trao tặng cho Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao).
[41]. Xem: Phan Thuận An, “Phát hiện thêm một tờ châu bản liên quan đến đảo Hoàng Sa”, Nghiên cứu và Phát triển, Số 5(76).2009, 61-65.
[42]. Tài định: xét đoán để quyết định.
[43]. Hậu Chỉ lục tuân: đợi nhà vua ban chỉ để sao chép ra mà tuân hành.
[44]. Châu bản do ông Phan Thuận An phát hiện vào năm 2009 và đã trao tặng cho Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao).
[45]. Xem: Phan Thuận An, “Phát hiện tờ châu bản thời Bảo Đại liên quan đến đảo Hoàng Sa”, Nghiên cứu và Phát triển, Số 4(75).2009, 84-87.
[46]. Như mông Du doãn, hậu Chỉ lục tuân: nếu được ơn trên (nhà vua) chấp thuận, thì chúng tôi (Ngự tiền Văn phòng) sẽ đợi ban chỉ để sao chép ra mà tuân hành.
Tác giả: FB Anh Son Tran Duc