Bài viết của ông Bảo Trâm, USA.
Ai là thân phụ ngài Nguyễn Kim?
Ai là thân phụ ngài Nguyễn Kim, đây là một nghi án lịch sử mà dóng họ Nguyễn Phước Tộc chưa có kết luận thống nhất, nên hiện nay mỗi Hội Đông Trị Sự Nguyễn Phước Tộc từng địa phương theo một tài liệu khác nhau để ghi vào gia phả.
Hội Đồng Nguyễn Phước Tộc Hải Ngoại ở Nam California, Hoa Kỳ ghi nhận Thân phụ Ngài Nguyễn Kim là ngài Nguyễn Hoằng Dụ, tức ngài Nguyễn Văn Lưu, Ông Nội ngài là ngài Nguyễn Văn Lang.
Sách Nguyễn Phước Tộc Thế Phả do Hội Đồng Trị SỰ Nguyễn Phúc Tộc Huế ấn hành năm 1995, trong phần Thủy Tổ phả ghi Thân phụ ngài Nguyễn Kim là Trừng Quốc Công Nguyễn Văn Lưu, Ông Nội ngài là phó Quốc Công Nguyễn Như Trác.
Một số Hội Đồng Nguyễn Phước Tộc Hải Ngoại ở các tiểu bang khác lại chỉ ghi là Trừng Quốc Công Nguyễn Văn Lưu và vài nơi còn ghi chú rõ không phải là ngài Nguyễn Hoàng Dụ.
Để làm sáng tỏ phần nào về nghi án này, chũng ta thử tìm hiểu để so sánh.
A- Những tài liệu xác nhận thân phụ ngài Nguyễn Kim là ngài Nguyễn Hoằng Dụ:
Đại Nam Thực Lục Tiền Biên của Quốc sử quán Triều Nguyễn ghi nhận về ngài Nguyễn Hoàng:" Ông nội là Trừng Quốc Công, húy là Dụ, lên 8 đã biết làm văn, 15 tuổi thông võ nghệ. Triều Hiến Tông nhà Lê, làm kinh lược sứ Đà Giang, đến khi Uy Mục vô đạo, về Tây Kinh giúp Lê Oanh khởi binh ở Thanh Hóa, mưu việc giữ yên xã tắc. Khi Oanh lên làm vua (tức Tương Dực Đế), được thông làm thái phó Trừng Quốc Công".
Việt Nam Sử Lược, q II, tr 120.
"Khi Mạc Đăng Dung làm sự thoán-đoạt thì các quan cựu thần trốn-tránh đi cũng nhiều. Thủa ấy có người con ông Nguyễn Hoằng Dụ, tên là Nguyễn Kim (hay là Nguyễn Hoằng Kim) là quan Hữu Vệ Điện Tiền Tướng quân An Thanh Hầu, trốn sang Ai Lao".
Cương Mục Tiết Yếu;" Kỷ sửu, 1529, An Thành hầu Nguyễn Kim (con Nguyễn Hoằng Dụ, Thanh Hoa hữu vệ điện tiền Tướng quân, Triều ta tôn là Triệu Tổ hoàng đế) khởi binh ở Ai Lao".
Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn nói về tổ tiên Nguyễn Kim (hay là Cam) như sau:"Con An Hòa Hầu là Nguyễn Kim chức Hữu vệ Tướng quân An Thanh Hầu".
Sử gia Phan Khoang trong Việc Xử Sứ Đàng Trong:"Con Nguyễn Hoằng Dụ là Nguyễn Kim, làm hữu vệ diện tiền tướng quân An Thành Hầu. Ghi thêm trong phần chú thích:" Xem sách Việt Nam khai quốc chí truyện, thì ông Nguyễn Kim tức là ông Nguyễn Hoằng Kim, là con ông Nguyễn Hoằng Dụ, cháu ông Nguyễn Văn Lang đều là quan nhà Lê cả".
Nguyễn Phước Tộc Giản Yêu của BAn Liên Lạc Nguyễn Phước Tộc tại thành Phố HCM.
"-Ông Nguyễn Văn Lang sinh Nguyễn Hoằng Lựu (có tên là Hoằng Dụ) Thái phó Trừng Quốc Công, triều Lê Chiêu Tông. -Ông Nguyễn Hoằng Lựu, sinh Nguyễn Kim và Nguyễn Tôn Thái".
Triều Nguyễn của Hội Đông Hoàng Tộc Nguyễn Phước Hải Ngoại, 2009, ghi nhận Trừng Quốc Công Nguyễn Hoằng Dụ tức ngài Nguyễn Văn Lưu sinh ngài Nguyễn Kim.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của triều Lê-Trịnh, được soạn xong năm Chánh Hòa thứ 18, Đinh Sửu, 1697, đời vua Lê Hy Tông [1676-1704] có đoạn nói:" Bấy giờ, bọn Thanh Hoa Hữu vệ điện tiền tướng quân An Thành hầu Nguyễn kim (người Bái Trang, huyện Tống SƠn, có thuyết nói là con của Hoằng Dụ) dẫn con em chạy sang ai lao".
B- Những tài liệu xác nhận Nguyễn Kim là anh/em của ngài Nguyễn Hoằng Dụ và là con của ngài Nguyễn Văn Lưu:
Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn soạn năm Kỷ Tỵ, 1759: Vào năm 1529 "Hữu vệ điện tiền tướng quân An Thanh hầu Nguyễn Kim ở Thanh Hoa, là em Nguyễn Hoằng Dụ, một vị vốn có danh vọng, đem con em chạy sang nước Ai Lao, có chí mưu đồ khôi phục". Trái với trong Phủ Biên Tạp Lục của chính Lê Quý Đôn.
Hoàng Tộc Lược Biên của Tôn Thất Cổn, 1943:"ngày Trước, Triêu Nguyên chúng ta là họ Nguyễn Văn. Xem như Ngài Trừng Quốc Công thân sinh ra Đức Triệu Tổ Tịnh Hoàng Đế (Nguyễn Kim), húy là Nguyễn Văn Lưu"
Nguyễn Phúc Tốc Thế Phả do Hội Đòng Trị Sự Nguyễn Phúc Tộc Huế soạn năm 1995 cho biết ngài Nguyễn Kim là con đâu của Trừng Quốc Công Nguyễn Văn Lưu. Ngài Nguyễn Văn Lưu là con của ngài Nguyễn Như Trác.
Trong Nhìn Lại Lịch Sử, 2003. TS Đinh Công Vĩ cho biết sau khi nghiên cứu 7 nguồn gia phả của Nguyễn Hữu Tộc phả, được ghi nhận như sau,
(1) So với chính sử (2)
Nguyễn Công Duẫn Nguyễn Công Duẫn
Nguyễn Như Trác Nguyễn Đức Trung
Nguyễn Văn Lưu, Nguyễn Văn Lang,
Trừng Quốc Công Nghĩa Quốc Công
Nguyễn Kim, Nguyễn Hoằng Dụ, An Hòa Hầu, Trừng Quốc Công Nguyễn Kim
Tác giả Đinh Công Vĩ ghi nhận thêm:"Ở Triệu miều (Huế) và Nguyên miều (Gia Miêu ngoại trang) chỉ thờ Nguyễn Văn Lựu là cha đẻ thực của NGuyễn Kim mà không thờ Nuyễn Hoằng Dụ-cha Nguyễn Kim như sử chép. Mặt khác, mộ cha Hoằng Dụ là Nguyễn Văn Lang ở làng Tam Quy xã Hà Tân, Hà Trung, Thanh Hóa chỉ do con cháu chi 5, nay đã đổi ra họ Đỗ Nguyễn trông nom, họ Nguyễn Phúc không có nhiệm vụ trông nom mộ Nguyễn Văn Lang. Trong các nguồn gia phả, có cuồn do Quỳnh Sơn hầu Nguyễn Lữu là em ruột của Nguyễn soạn năm 1515, khi đó những người đề cập còn sống".
Theo thông tin từ đó, Hoàng Hậu Trường Lạc Nguyễn Thị Hằng là chị học công thần Nguyễn Văn Lang thời vua Lê Tương Dực và ngài Nguyễn Kim là anh học của Nguyễn Hoằng Dụ.
Sau đây là nguồn gia phả xác nhận thân phụ ngài Nguyễn Kim là ngài Nguyễn Văn Lưu, do ông Nguyễn Hữu Kúc là hậu duệ ngài Ly Nhân Công Nguyễn Hán (con ngài Nhuyễn Hoàng) cung cấp tài liệu như sau:
1- Phả Công tính chính chi tại Quý hương Gia miêu ngoại trang
Phả này của chị họ Nguyễn Hữu tại gia Miêu ngày nay, phả ghi rõ: Hoằng Quốc Công Nguyễn Công Duẫn sinh ra Phó Giám hầu Nguyễn Như Trác sinh ra Trưởng nam Thái tể Trừng Quốc Công Nguyễn Văn Lưu sinh ra Triệu Tổ Hoàng Đế.
Một phả nữa cũng của một chi họ Nguyễn Hữu tại Gia miêu cũng ghi: Thái bảo Hoằng Quốc công Nguyễn Công Duẩn sinh ra Phó Giám hầu Nguyễn Như Trác sinh ra Trưởng nam Thái tể Trừng quốc công Nguyễn Văn Lưu thụy Chân Tâm sinh ra Trưởng nam Chiêu Huân công Nguyễn Kim.
Hai chi họ này đều là con cháu Lỵ Nhân công Nguyễn Hán, trước đây cùng là Công tính chính chi, sau này tách ra làm hai chi họ Nguyễn Hữu như ngày nay.
2- Nguyễn Gia phả ký
Chi họ này thuộc chi thứ 5 của con cháu cụ Nguyễn Công Duẩn. Chi họ này có Hộ bộ thượng thư Quỳnh sơn hầu Nguyễn Lữ viết phả vào năm Hồng Thuận thứ 6 [1514], truyền đến về sau này do con cháu là cụ Nguyễn Gia Ngô, hậu duệ của Nguyễn Gia Thiều tiếp tục viết vào năm 1830. Phả này có đặc biệt là các cụ đã đi các nơi để khảo cứu và ghi chép tổng hợp đủ thế thứ của 7 chi phái con cháu cụ Nguyễn công Duẩn. Phả này ghi: Tiên tổ: Hoằng Quận công húy Công Duẩn, là con trai thứ tư của cụ Chiêu Quang hầu...sinh được 7 người con trai và 3 người con gái...
Con trai thứ tư: Phó Giám hầu húy Như Trác...sinh được 1 người con trai húy Như Lưu... Trưởng nam: Đăng quốc công húy Như Lưu...được bao phong là Tá quốc Trợ thuận Hiển trung Hoằng mô Phấn uy Dương dũng Cực phẩm Mậu tư Tuấn ký Tuấn vọng Huy vũ Chấn uy Trí dũng Vũ lược Thông minh Trợ thắng Phong công Vĩ tích Hoằng liệt Dự cửu Anh danh Tuy hòa Thái tể Quốc công, thụy Chân tâm... sinh được hai người con trai (con trai cả húy Kim, con trai thứ húy Thái).
Trưởng nam: Thái sư Hưng Quốc công húy Kim, tước An Thanh hầu, phù Lê diệt Mạc Trung hưng Khởi nghĩa công thần, được phong Thái tể, Thượng phụ Thái sư Hưng Quốc công...
3- Gia phả Đỗ đại tộc
Gia phả của họ Đỗ ở thôn Bồng Trung, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, Thanh hóa. Họ Đỗ thôn Bồng Trung này có mối quan hệ thông gia lâu dài và khăng khít với họ Nguyễn ở Gia miêu, Tống sơn. Quan hệ thông gia bắt đầu từ cụ Nguyễn Trừ (Sừ) kéo dài 7 thế hệ cho đến Lỵ Nhân công Nguyễn Hán. Phả ghi:
-Đỗ tướng công tự Viên Đạo...con gái thứ tư là Đỗ thị Hạnh gả cho người huyện Tống Sơn, Gia miêu ngoại trang, Phó giám tặng Hiển Quốc công, tên thụy là Đức Khánh phủ quân [Nguyễn Như Trác ]...
-Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Tây quân đô đốc chính thống lĩnh Thần sắc quân kiêm Giám thần võ quân thự quản thập hiệu Phấn dực quân Đổng lý bình nhung quận công, tặng Thái úy Cảnh Quốc công, nay là Sơn Nam xứ- thành quần xã Đại vương, Đỗ tướng công, húy Nhuận, tên thụy Hoạch, tên chữ Viên Tính...con gái thứ năm là Đỗ thị Đức lấy người huyện Tống sơn, Gia miêu ngoại trang, Thái tể Trừng Quốc công Nguyễn Văn Lựu...con gái thứ sáu là Đỗ thị Kính lấy người huyện Tống sơn- Gia miêu ngoại trang Hộ bộ thượng thư giữ chức Trưởng bộ sự Quỳnh Sơn hầu là Nguyễn Văn Lữ, tự là Tùng Sơn tiên sinh...
Ghi chú thêm:
“-Đỗ tướng công tự là Viên Đạo - con trưởng cụ Viên Thông, vợ là Trịnh thị, hiệu Từ Hành. Sinh được 5 người con...
....... Con trai thứ hai, cụ Viên Tính, tính mạng táo bạo...”.
Như vậy, cụ Viên Tính là con trai thứ hai cụ Viên Đạo.
-Con gái thứ tư cụ Viên Đạo lấy ngài Như Trác nhưng phả không nói cụ bà họ Đỗ này có phải là thân mẫu của Trừng quốc công hay không?
-Cũng tương tự như vậy, bà Đỗ thị Đức - con gái thứ 5 của cụ Viên Tính - lấy Trừng quốc công nhưng không rõ bà có phải là Thân mẫu của Triệu tổ không? Hay chỉ là Kế mẫu hoặc Thứ mẫu.
Theo như trên, ngài Nguyễn Văn Lưu kết hôn với con gái cụ Viên Tính tức là cháu gái gọi người dì ghẻ của ngài bằng cô ruột.
4- Nơi thờ tự tại Nguyên miếu
Tại Nguyên miếu có miếu thờ Trừng Quốc công, thân phụ của Triệu tổ...
5- Ghi chép trong chính sử
Đại Nam Thực lục cũng ghi rõ Ông nội của Thái tổ là Trừng Quốc công.
6- Một số bản chính sử sai ở chỗ nào?
Một số bản chính sử chép về tổ tiên Nguyễn Kim như sau:
Nguyễn Công Duẩn sinh ra Nguyễn Đức Trung sinh ra Nguyễn Văn Lang sinh ra Nguyễn Hoằng Dụ sinh ra Nguyễn Kim.
Sự thật không phải như vậy, ta lấy ba chi là con trai cụ Nguyễn Công Duẩn có liên quan là chi 1, chi 4 và chi 5 để xem xét.
Gia phả của các chi con trai cụ Duẩn chép thế này:
Chi 1: Trinh Quốc công Nguyễn Đức Trung sinh được 6 trai là Vĩnh, Quảng, Độ, Chiêu, Hộ, Hòa. Không có ai là Nguyễn Văn Lang, Nguyễn Hoằng Dụ.
Chi 4: Phó Giám hầu Nguyễn Như Trác sinh ra Trừng Quốc công Nguyễn Văn Lưu; Trừng Quốc công Nguyễn Văn Lưu sinh ra Nguyễn Kim và Nguyễn Tông Thái.
Chi 5: Sảng Quốc công Nguyễn Văn Lỗ sinh 8 trai, Con cả là Nguyễn Văn Lang, con thứ 8 là Hộ bộ thượng thư Quỳnh sơn hầu Nguyễn Lữ.
Nguyễn Văn Lang sinh ra Hoằng Dụ, Hoằng Uy, Nguyễn Điển và Nguyễn Thị Thanh
Hoằng Dụ sinh 5 trai là Thái, Tế, Tri, Công, Thi (không có ai là Kim).
Cụ Nguyễn Lữ viết phả vào năm 1514, Nguyễn Lữ là em ruột Nguyễn Văn Lang, là em con nhà chú đồng thời cụ Lưu và cụ Lữ hai anh em lại làm rể trong cùng 1 gia đình họ Đỗ, tất nhiên cụ Nguyễn Lữ phải biết rõ mối quan hệ anh em họ giữa Nguyễn Kim và Nguyễn Hoằng Dụ.
-Từ trước tới nay, họ Nguyễn Phước chưa bao giờ có trách nhiệm phải trông nom mộ cụ Nguyễn Văn Lang.
Hiện nay, cả 7 chi họ có tổ là 7 người con trai của cụ Nguyễn Công Duẩn đều biết rõ Tổ chi của mình, không thể có lẫn lộn.
-Nguyễn Hoằng Dụ làm quan triều Lê chỉ được phong đến tước An (Yên) Hòa hầu, chưa bao giờ được phong tước Trừng Quốc công.
Như vậy, từ các dẫn chứng và phân tích trên, Chúng ta khẳng định được Thân phụ của Triệu tổ là Thái tể Trừng quốc công Nguyễn Văn Lưu (có phả ghi là Nguyễn Lưu, Nguyễn Như Lưu, Lựu)
So Sánh hai nguồn tài liệu
Qua hai nguồn tài liệu A và B chúng ta thử so sánh thời gian hai nhận vật Nguyễn Hoằng Dụ và Nguyễn Văn Lưu xuất hiện có gì đặc biệt để nhận ra hai ngài là ai.
Hầu như tất cả chính sử đều xác nhận Ngài Nguyễn Hoằng Dụ là thân phụ ngài Nguyễn Kim với những thời gian xuất hiện của ngài Nguyễn Hoằng Dụ rất rõ ràng, chính sử của triều Nguyễn Đại Nam Thực Lục Tiền Biên của Quốc sử quán Triều Nguyễn ghi nhận về ông nội ngài Nguyễn Hoàng, con ngài Nguyễn Kim như sau: "Ông nội là Trừng Quốc công, húy là Dụ ".
Chúng ta cần chú ý thêm chi tiết là Quốc sử quán triều Nguyễn đã xác nhận như vậy và đồng thời Vua Gia Long đến Vua Minh Mạng, là hai vua chỉ dụ Quốc Sử Giám soạn bộ Đại Nam Thực Lục, đồng thời chỉ dụ cho xây miếu thờ ngài Trừng Quốc công được gọi là Trừng Quốc Công Miếu, vậy chúng ta phải xác định đó là nơi thờ ngài Nguyễn Hoằng Dụ.
Xin nhắc lại để so sánh:
Trong chính sử ghi nhận về ngài Trừng Quốc Công Nguyễn Hoằng Dụ:
Hầu như tất cà sử sách đếu ghi nhận vào năm 1510, ngài Nguyễn Hoàng Dụ được vua Lê Tương Dực phong An Hòa Hầu, cùng ghi nhiều chi tiết ngài Nguyễn Hoằng Dụ đem quân đánh giăc Trần Cảo để giúp vua Lê Tương Dực vào những năm 1510 đến 1518 là năm được ghi nhận ngài mất tích
Đại Nam Thực Lục Tiền Biên của Quốc sử quán Triều Nguyễn xác nhận về ngài Nguyễn Hoàng: " Ông nội là Trừng Quốc công, húy là Dụ, lên 8 tuổi đã biết làm văn, 15 tuổi thông võ nghệ. Triều Hiển Tông nhà Lê, làm kinh lược sứ Đà Giang, đến khi Uy Mục vô đạo, về Tây Kinh giúp Lê Oanh khởi binh ở Thanh Hoá, mưu việc giữ yên xã tắc. Khi Oanh lên làm vua (tức Tương Dực đế), được phong làm Thái phó Trừng Quốc công ".
Bảy nguồn gia phả của Tộc Nguyễn Hữu và sách Nguyễn Phước Tộc Thế phả của Hội Đồng Nguyễn Phước Tộc Huế, ghi nhận về ngài Nguyễn Văn Lưu không khác gì chi tiết đã được chính sử ghi nhận về ngài Nguyễn Hoằng Dụ như sau:
"Ngài giữ chức Kinh Lược Sử Đà Giang dưới triều vua Lê Hiến Tông (1497 -1504). Đến đời vua Tương Dực, (1509-1516), biến loạn nổi lên khắp nơi, giặc Trần Cao chiếm lấy Đông Đô. Ngài phải đem quân từ Thanh Hóa ra, chiếm lại Đông Đô rồi rước vua Tương Dực về. Ngài được phong làm Thái Tể Trừng Quốc Công",
Phổ hệ họ Nguyễn Cửu do ông Nguyễn Cửu Kiều mang từ Bắc theo vào Nam, được dịch và viết ra Quốc ngữ năm 1994 có đoạn cũng tương tự như sau:
"Phó Giám quận công Nguyễn Như Trác sinh: Thái phó Trừng quốc công (gia phong) Thất Đạo Đại Vương Nguyễn Lưu (thụy Chơn Tâm)
Ông từ nhỏ đọc sách. Tám tuổi đã làm văn, mười lăm tuổi võ nghệ đã nhuần nhuyễn. Triều Lê Hiến Tông, lấy thế nhà giữ nuôi binh lính, làm quan chức Kinh lược sứ ở Đà giang. Sau dấy binh ở Thanh hóa rước lập Tương Dực đế có công, làm quan đến chức Thái phó, được phong Trừng Quốc công lại gia phong Thất Đạo Đại Vương. Sinh hai con trai. Con Trưởng tức Triệu Tổ Tịnh Hoàng Đế của triều đại hiện nay, húy Kim. Con thứ hai: Thái phó Ng.Thái".
Vậy ra có hai người đều là hậu duệ của ngài Nguyễn Công Duẩn được mô tả giống nhau "lên 8 tuổi đã biết làm văn, 15 tuổi thông võ nghệ. Triều Hiển Tông nhà Lê, làm kinh lược sứ Đà Giang ", Cả hai đều đem quân đi đánh Trần Cảo để cứu vua Lê Tương Đực cùng thời kỳ, nhưng chính sử lại không hề biết tới Trừng Quốc Công Nguyễn Văn Lưu. Nhưng ghi rất rõ vị đó là Ngài Nguyễn Hoằng Dụ, An Hòa Hầu và sau này triều Nguyễn cũng xác nhận đó là Trừng Quốc Công và xây miếu thờ. Xin xác nhận lại lần nữa, Trừng Quốc Công Miếu do triều Nguyễn xây để thờ ngài Nguyễn Hoằng Dụ.
Đã được phong tới chức Trừng Quốc Công trong một giai đoạn nhiều biến động, thì phải có công trạng, nhưng tất cả sử cổ đều không có một chữ nào nhắc tới tên của ngài Nguyễn văn Lưu. Rõ ràng là trong thời kỳ này không có Trừng Quốc Công Nguyễn Văn Lưu, nhưng chỉ có một Trừng Quốc Công là ngài Nguyễn Hoằng Dụ.
Xét về các lăng miếu hiện nay ở Thanh Hóa, chúng ta cũng có thể hổ trợ cho kết luận này. Hiện chỉ có mộ ngài Nguyễn Văn Lang và Trừng Quốc Công Miếu được ghi là ngài Nguyễn Văn Lưu, không có mộ nào ghi tên ngài Nguyễn Hoằng Dụ, nhưng theo Chính sử nhà Nguyễn thì ta biết là Trừng Quốc Công Miếu để thờ ngài Nguyễn Hoàng Dụ.
TS Đinh Công Vỹ xác nhận Trừng Quốc Công miếu chỉ để thờ Ngài Nguyễn Văn Lưu mà không thờ ngài Nguyễn Hoằng Dụ là sai với ý của Vua Gia Long và Vua Minh Mạng khi chỉ dụ xây đền thờ Trừng Quốc Công. Bia truớc miếu hiện tại chi ghi tên ngài Nguyễn Văn Lưu là do sau này mới làm lại, chứ không phải là bia nguyên thủy được làm từ khi mới xây Trừng Quốc Công miếu. Ai đã sửa chi tiết này, trộm nghĩ vẫn cần làm sáng tỏ.
TS Đinh Công Vĩ còn xác nhận mộ ngài Nguyễn văn Lang và cũng xác nhận thêm chi này đã đổi sang họ Phạm Nguyễn. Lý do nào đổi? Việc đổi họ này có quan trọng và liên quan tới việc viết ra 7 cuốn gia phả kia không? Vì thời điểm này Mạc Đăng Dung đang đuổi tận giết tuyệt dòng họ ngài Nguyễn văn Lang và Nguyễn Hoằng Dụ, ngay cả đào mộ ngài Nguyễn văn Lang đem đốt.
Biết đâu vì sợ sẽ bị truy sát mà tất cả hậu duệ của họ Nguyễn Tống Sơn đã viết ra như thế, phải đưa ra một lý lịch khác để bảo vệ ngài Nguyễn Kim, những gia phả nói trên mang một bí ẩn sâu xa vể thân thế của ngài Nguyễn Kim, vì lúc đó Ngài Nguyễn Kim chưa thoát khỏi móng vuốt của Mặc Đăng Dung, còn phải ẩn tích trước khi có thể đủ sức kéo quân qua Ai Lao. Nếu trong thời gian từ năm 1515 đến năm 1529, suốt mười bốn (14) năm đó, nếu không có một kế hoạch tinh vi và thâm chí hoang đường để bảo vệ, ngài Nguyễn Kim đã khộng thể sống sót.
Các gia phả đó đều có ý biến đổi thân thế ngài Nguyễn Hoằng Dụ thành Ngài Nguyễn Văn Lưu, nhất là gia phả do cụ Nguyễn Lữ viết ra đúng vào năm 1517, lại càng có ý nghĩa liên quan tới vấn đề sinh tử này.
Vì vậy, chúng ta có thể tạm kết luận Ngài Nguyễn Hoằng Dụ, chính là ngài Nguyễn Văn Lưu.
Tuy vậy, vẫn còn một khúc mắc cần giải quyết, đó là xét kỷ hơn theo tuổi tác thì ngài Nguyễn Kim sinh năm 1468, ngài Nguyễn Hoằng Dụ sinh năm nào không rõ, nhưng mất tích từ 1518. Năm 1510, ngài Nguyễn Hoàng Dụ còn theo cha là Ngài Nguyển văn Lang giúp vua Lê Tương Dục lật đổ vua Lê Uy Mục.
Năm 1510 Ngài Nguyễn Kim đã 42 tuổi thì Ngài Nguyễn Hoằng Dụ, nếu là thân phụ của ngài Nguyễn Kim, ít nhất phải là 60, Ngài Nguyễn Văn Lang phải chừng 78. Nếu tính đến 18 tuổi là có con. Nhưng trong sử không hề gọi Ngài Nguyễn văn Lang vào năm 1510 là lão tướng, cũng không thể mô tả một lão tướng như sau:
"Văn Lang là người thông thao lược, giỏi binh pháp, khéo xem xét thiên thời, sức khoẻ có thể bắt được hổ. Bấy giờ (1510) Văn Lang đem bọn Chế Mạn làm nô lệ người Chiêm cùng Vũ Bá, Vũ Tiếp và người ba phủ nổi nghĩa quân ở thành Tây Đô, đem quân giữ ở cửa biển Thần Phù (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)"
Vậy vào năm 1510 cả hai cha con Ngài Nguyễn Văn Lang phải nhỏ tuổi hơn nhiều, ngài Nguyễn Hoằng Dụ không thể nào lớn tuổi như là thân phụ của Ngài Nguyễn Kim được.
Ngoài ra trong các tài liệu cổ, không thấy Ngài Nguyễn Hoằng Dụ được phong Trừng Quốc Công lúc nào mà chỉ được phong tới An Hòa Hầu. Chỉ một Sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên của Quốc sử quán Triều Nguyễn sau này ghi nhận về ông nội ngài Nguyễn Hoàng, con ngài Nguyễn Kim như sau: "Ông nội là Trừng Quốc công, húy là [Dụ]". Sách do Quốc Tử Giám, triều Nguyễn với nhiều sử gia cũng như những vị có uy tín biên soạn trong nhiều năm, mặc dù không ghi rõ xuất xứ các tin tức trong đó, nhưng chắc chắn đã được nghiên cứu cẩn thận trước khi khẳng định một chi tiết nào.
Hai thắc mắc này có thể có liên quan tới 7 ngưồn gia phả nêu trên.
Tuy nhiên hiện nay mỗi Hội Đồng Nguyễn Phước Tộc từng địa phương theo nhiều nguồn tài liệu trái ngược nhau để ghi trong gia phả của mình. Điều này càng làm rối rắm thêm cho đời sau khi muốn nghiên cứu về tộc họ Nguyện Phước.
Xin quý bậc trưởng thượng và bà con trong dòng họ lưu tâm đến vấn đề này, nghiên cứu thêm.
Bảo Trâm, Minnesota, cuối Đông 2011