“GIÓ ĐƯA CÂY CẢI VỀ TRỜI…”

Thứ sáu - 26/08/2016 21:11 864 0

“GIÓ ĐƯA CÂY CẢI VỀ TRỜI…”

Dù có cố để bôi nhọ tiền nhân thì họ cũng chẳng trở thành xấu xa, và dù có cố mà tạo dựng hình ảnh thánh thần cho một ai đó thì họ cũng chẳng tốt đẹp gì hơn...
"Gío đưa cây cải về trời..." (Tạp chí KTNN số 944)-
Vui lòng click vào hình để đọc. hay đọc tại đây !
Tìm hiểu ý nghĩa của câu ca dao “GIÓ ĐƯA CÂY CẢI VỀ TRỜI…”
Tìm hiểu ý nghĩa của câu ca dao “GIÓ ĐƯA CÂY CẢI VỀ TRỜI…”
                                                                                
Tôn Thất Thọ

            Trong lịch sử Việt Nam xuất hiện nhiều giai thoại có tính lịch sử. Đó là những tập truyền, là lời truyền khẩu về một câu chuyện đã xảy ra từ trước, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dần dần, in sâu vào tâm trí mọi người, cuối cùng cũng được ai đó ghi lại bằng văn tự.  Điều đó đã làm cho tập truyền “đáng tin” hơn và khi đọc nó, người đọc không cần phải kiểm chứng sự đúng đắn để tự hỏi điều đó có thật hay không ! Ở đây chúng tôi muốn đề cập đến một thoại đã được lưu truyền theo kiểu như thế. Sự việc được kể là dưới thời nhà Nguyễn, đồng thời  xem xét thử mức độ chính xác của nó đến đâu !
        Câu chuyện là giai thoại lịch sử  liên quan đến câu ca dao :

                                                              “ Gió đưa cây cải về trời
                                                        Rau răm ở lại chịu lời đắng cay !”

          Về ý nghĩa của câu ca dao này, những ai đã có dịp ghé thăm Côn Đảo, được hướng dẫn vào thăm một ngôi miếu nhỏ, ở đó, các hướng dẫn viên giới thiệu nơi đây đang thờ một bà vợ của vua Gia Long (1802-1820); có nguồn gốc từ một câu chuyện bi thương của một người phụ nữ tài sắc tên là Răm !.
 
 
http://ver2020.nguyenphuoctoc.info:443/mydata/news/2016/11/202401/image001.jpg
Miếu thờ bà Phi Yến (?) ở Côn Đảo   

        Đó là vào năm 1783, sau khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh mang cả vợ con cùng  đoàn tùy tùng của mình chạy ra đảo Côn Sơn (Côn Đảo). Tại đây, ông đã lập nên ba làng là An Hải, An Hội và Cỏ Ống. Để chống lại Tây Sơn, Nguyễn Ánh dự định gởi con cả là Hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện. Bà Răm (được Nguyễn Ánh ban tên thụy là Phi Yến) là vợ thứ của Nguyễn Ánh đã can ngăn chồng, đừng làm việc “ cõng rắn cắn gà nhà”. Nguyễn Ánh chẳng những không nghe lời khuyên của bà mà còn tức giận nghi bà thông đồng với Tây Sơn nên định giết bà, nhưng nhờ quân sĩ can xin (!) nên Nguyễn Ánh nhốt bà vào một hang đá trên đảo; về sau ngọn núi tại đây  được gọi là núi Bà. Ít lâu sau, Nguyễn Ánh rời Côn Sơn, bấy giờ có một hoàng tử tên là Cải, còn  có tên là hoàng tử Hội An, con của bà Răm mới 4 tuổi đòi mẹ đi theo cùng. Trong cơn tức giận, Nguyễn Ánh đã ném con xuống biển. Xác hoàng tử trôi dạt vào bãi biển Cỏ Ông, được dân làng mang chôn cất tử tế.  Bà Phi yến sau đó được một con vượn và một con hổ cứu ra khỏi hang và về  chung sống với dân làng. Một lần, sau khi bị kẻ xấu xúc phạm, bà đã tự tử để thủ tiết với chồng…!

          Bỏ qua những chi tiết huyễn hoặc hoang đường, theo sách Nguyễn Phúc Tộc thế phả, Nguyễn Ánh có tất cả 21 bà vợ; 13 hoàng tử và 18 hoàng nữ, nhưng không thấy bà vợ nào tên là Răm và người con nào tên  Cải (Hội An) cả. Hơn nữa, Nguyễn Ánh sinh năm 1762, năm 1775 theo chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765- 1777) chạy vào Nam  trước  sự truy đuổi của quân Trịnh, lúc ấy Nguyễn Ánh mới chỉ là cậu bé 13 tuổi.Không có tài liệu nào nói Nguyễn Ánh có đem theo một bà vợ  trong khi chạy trốn cả.Trong thời gian bôn tẩu, Nguyễn Ánh chưa ban tên thụy cho một ai, bởi lý do đơn giản là ông chưa phải là vua, vì thế không thể có chuyện ông đã ban tên thụy là Phi Yến cho bà Răm được.

       Nhưng quan trọng hơn cả là theo tác giả Đinh Văn Hạnh trên một bài viết phổ biến trên tạp chí Xưa & Nay đã chứng minh rằng: Nguyễn Ánh chưa bao giờ đặt chân đến Côn Đảo, mặc dù sự kiện Nguyễn Ánh đến tá túc tại Côn Đảo đã được các nhà viết sử nhà Nguyễn chép lại nhưng lại ghi thêm  là “chỉ nghe kể chép lại” !:

        “Sự nghi ngờ về sự kiện lịch sử ghi trong Đại Nam thực lục đã có từ những năm 40 của thế kỷ trước. Thời điểm đó tạp chí Tri Tân đặt ra tranh luận và giải quyết (số 67-7 Octobre 1942)…Họ đã đưa ra được những chứng cứ thuyết phục, kể cả việc phủ nhận tên gọi núi Chúa ở Côn Đảo, nó không liên quan gì đến Nguyễn Ánh cả. Nhưng các tác giả trên tạp chí Tri Tân cũng chỉ là người  đi sau. Sự nhầm lẫn của các sử gia triều Nguyễn chép lại quá trình bôn ba của Nguyễn Ánh đã được sử gia người Pháp Ch. Maybon đính chính rất rõ ràng trong cuốn Histoire moderne du pays d’Annam 1582-1820 ( Paris. Plon, 1919 ), rằng đảo Côn Lôn vốn chỉ được "nghe kế chép lại" trong Đại Nam thực lục chính là đảo Cổ Long ( Koh Kong ), một hòn đảo nhỏ nằm phía biển Campuchia, gần vùng biển Hà Tiên – Phú Quốc chứ không phải đảo Côn Lôn - Côn Đảo mà mọi người đã biết. Đây chỉ là sự nhầm lẫn khi chuyển chữ Koh Kong sang Hán tự.

        Trong gần 10 năm bị Tây Sơn truy lùng gắt gao nhất, Nguyễn Ánh chưa từng và cũng không thể đủ sức chạy ra Côn Đảo. Đến khi binh lực lớn mạnh thì ông lại bận rộn với việc truy kích quân Tây Sơn đến tận Phú Xuân và ở đó làm vua cho đến lúc qua đời mà chưa một lần đến Côn Đảo…”
     “…Cũng cần nói thêm, nếu người dân Côn Đảo quý trọng bà Phi Yến, căm ghét Nguyễn Ánh thì tại sao lại phải đặt tên ngọn núi cao nhất cho tên ông (là  núi Chúa, đồng thời lại có cả núi Bà !? )...”  (Trích “ Miếu Bà thờ ai ?” Đinh Văn Hạnh, tạp chí Xưa và Nay số 296, trang 26).
 
        Như thế đã rõ, chúa Nguyễn Ánh không có ai là vợ tên Răm, cũng không có con tên Cải, quan trọng nhất là ông ta chưa từng đặt chân đến Côn Đảo nên câu chuyện có liên quan đến lịch sử ở trên chắc chắn là một sự kiện không có thật.

  Ý nghĩa thật của câu ca trên

      Năm Duy Tân thứ 8 (1914), cụ Phó bảng Nguyễn Văn Mại (1852 - ?) bấy giờ đang đương chức Bố chánh sử tỉnh Thanh Hóa đã có công trình sưu tập, giải thích và biên soạn thành sách các thể loại phong dao dân gian gồm 100 câu chép bằng chữ  Hán. Tập sách có tựa là Cổ thư tác dịch Việt Nam phong sử. Câu ca dao trên được cụ giải thích ở trang 100b như sau 
            
Câu ca dao được giải thích trong Việt Nam phong sử
 
    “Gió đưa cây cải về trời/
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.
Thơ phong sử này thuộc tỷ.
Cải, rau cải có thể làm dưa, tháng mùa Đông bắt đầu gieo hột mà trồng. Trời, thiên triều, triều nhà Thanh bên Tàu. Nước ta trải qua các đời đều chịu triều đình Trung Quốc phong cho, cho nên gọi nước Trung Quốc là Thiên triều. Răm, thứ  rau có vụ cay, mọc ở chỗ đất thấp.
       Theo Sử ký, Nguyễn Thị Kim người ở làng Tỳ Bà, huyện Lương Tài là cung phi của vua Lê Mẫn Đế. (tức Lê Chiêu Thống-TTT)
 Lúc quân Tây Sơn chiếm cứ thành Thăng Long, vua Lê Chiêu Thống và Hoàng Thái hậu với Cung phi chạy lên Cao Bằng nếm mọi nỗi đắng cay.
      Đến khi vua Lê Chiêu Thống sai người sang cầu cứu với nhà Thanh thì trước hết bí mật khiến người hộ tống Thái hậu và Nguyên tử (con trai trưởng của vua) đi sang Tàu.
     Còn cung phi Nguyễn Thị Kim đi theo không kịp, phải buồn hận trở về âm thầm ẩn tránh trong dân gian, lo việc làm ruộng nuôi tằm và dệt vải để sống bằng sức lực của mình.
      Ngày xưa sống với phận sáp cung trang, ngày nay nàng trở thành người đàn bà quê với áo vải thoa gai, vua thì chạy đi, nước thì tan mất, nỗi đắng cay không xiết được, cho nên làm thơ phong dao để tự ví mình.
      Cải là thứ rau có vị đắng ví với Thái hậu. Rau Răm cũng có vị đắng ví với Cung phi.
 Nói Thái hậu đi xa sang Thiên triều chưa biết cam khổ ra sao; một mình Cung phi ở lại trong đất giặc chiếm đóng phải chịu những lời cay đắng ấy. Đấy cũng là lời than thở.
      Về sau vua Chiêu Thống ở Yên Kinh bị bệnh mà chết.
      Sau khi lấy được nước và định quốc đô, triều Nguyễn xin nhà Thanh đưa linh cữu vua Lê Chiêu Thống về nước.
       Cung phi Nguyễn Thị Kim đến trước linh cữu lạy khóc rồi uống thuốc độc mà chết.
       Thương thay! Trung thần liệt nữ từ xưa đều thế.
       Nay người đọc đến chương này thấy được lời trung nghĩa rõ ràng, tuy lão luyện về văn mặc nói cũng không thấu đạt được”. (Việt Nam phong sử, sđd, tr 226).

        Qua đó ta thấy ý nghĩa câu ca dao trên phù hợp với giai đoạn lịch sử xảy ra vào cuối đời vua Lê, và nhân vật tên Răm chỉ một Cung phi của vua Lê Chiêu Thống.

            Bàn về sự sai lạc của giai thoại, trong tập Phương pháp sử học, LM Nguyễn Phương đã viết như sau  :
    "Tập truyền thường sai lạc bằng những cách sau đây :
 Hoặc vì phóng đại tô điểm một nhân vật cho thành một người siêu phàm, hay là vẻ vời một sự việc cho có màu sắc huyền bí;
 Hoặc là vì tập trung những nét thâu thập được ở nhiều người để dồn vào trên một người, hay là ở nhiều chuyện để đúc lại thành một chuyện;
 Hoặc là vì lẫn lộn, đem những nét của đời sống người này ghép vào đời sống người khác, hay là những chi tiết của chuyện này đặt vào nội dung chuyện khác;
 Hoặc là vì trước không có mà sau thêm vào, như khi đã cho một người là anh hùng thì bất cứ gì cũng nghĩ rằng vị anh hùng dó có thể làm được tất cả;
 Hoặc là vì giải thích cho có lý, như khi cắt nghĩa tên của chính vị anh hùng hay là các địa danh khó hiểu…”
 (Phương pháp sử, sđd, tr 137).

         Đó là những lý do giải thích vì sao phần lớn nội dung của các giai thoại đều trở nên sai lạc. Thế nhưng oái ăm thay những sự giải thích theo lối “giả tưởng” như thế vẫn tồn tại cho đến mãi tận ngày nay !,

   ----------------------------------
Tài liệu tham khảo:
- Tạp chí Xưa&Nay (Hội KHLSVN), số 296, tháng 11/2007(Bài viết:  Miếu Bà thờ ai?-Đinh Văn Hạnh).
- Việt Nam phong sử, Nguyễn Văn Mại, Phủ QVK ĐTVH, Sài Gòn, 1972.
- Phương pháp sử , Nguyễn Phương, Đại Học Huế, 1974.
- Nguyễn Phúc Tộc thế phả, Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc, Nxb Thuận Hóa, 1995.

---------------------

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây