1. Đặt vấn đề
Lịch sử bang giao giữa Việt Nam và Trung Hoa dưới triều Nguyễn (1802 – 1945) được phản ánh trong nhiều bộ sử biên soạn dưới triều Nguyễn, trong đó, bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (KĐĐNHĐSL) và bộ Đại Nam thực lục (ĐNTL) là những bộ sử ghi chép đầy đủ nhất về những nhân vật, sự kiện, điển lệ… liên quan đến quan hệ ngoại giao giữa triều Nguyễn và triều Thanh như: thể thức sai sứ, tiếp sứ; ngày tháng cử sứ thầìn sang Thanh và đón sứ thần nhà Thanh sang ta; danh mục phẩm vật sứ bộ mang đi và mang về; danh tính các sứ thần và số lượng thành viên trong mỗi sứ bộ; lộ trình và diễn tiến đi sứ…
KĐĐNHĐSL, phần Chính biên, gồm 262 quyển do Nội các nhà Nguyễn khởi biên từ năm 1843 triều Thiệu Trị, hoàn tất vào năm 1851 triều Tự Đức. Đây là bộ sách ghi chép về các điển lệ, các hoạt động trên mọi phương diện đối nội, đối ngoại, chính trị, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, khoa cử… trong khoảng thời gian từ đầu triều Gia Long đến đầu triều Tự Đức. Toàn bộ các hoạt động đối ngoại được phản ánh trong mục Bang giao, từ quyển 128 đến quyển 130, trong đó, quyển 128 đã liệt kê những sứ bộ được triều Nguyễn phái sang Trung Hoa từ năm Gia Long nguyên niên (1802) đến năm Tự Đức tam niên (1850), một năm trước khi hoàn tất bộ sách này.1
ĐNTL là bộ biên niên sử do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn dưới triều Tự Đức (1848 – 1883), bổ túc vào các triều Duy Tân (1907 – 1916) và Khải Định (1916 – 1925), ghi chép những sự kiện quan trọng xảy ra trên khắp nước ta, từ thời các chúa Nguyễn (phần Tiền biên) đến triều Khải Định (phần Chính biên)2, nhất là những sự kiện diễn ra trong cung đình Huế. Vì thế, phần ghi chép về các sứ bộ sang Thanh được phản ánh trong ĐNTL nhiều hơn so với KĐĐNHĐSL.
Tuy nhiên, những ghi chép về các chuyến đi sứ sang Thanh trong KĐĐNHĐSL và ĐNTL trong cùng khoảng thời gian từ năm 1802 đến 1850 lại không hoàn toàn thống nhất với nhau về năm tháng sai sứ và danh tính của sứ thần. Cụ thể như sau:
– Về số lần đi sứ: Từ năm 1802 đến 1850, KĐĐNHĐSL liệt kê 19 sứ bộ sang Thanh, nhưng theo ĐNTL trong cùng khoảng thời gian ấy chỉ có 15 sứ bộ sang Thanh. ĐNTL không đề cập các sứ bộ: sứ bộ do Nguyễn Du làm chánh sứ (gọi tắt là sứ bộ Nguyễn Du, đi sứ năm 1813), sứ bộ Nguyễn Xuân Tình (1819), sứ bộ Hoàng Văn Quyền (1825), sứ bộ Nguyễn Trọng Vũ (1829), sứ bộ Hồ Công Thuận (1817), sứ bộ Bùi Quỹ3 (1848) được ghi chép trong KĐĐNHĐSL. Ngược lại, so với ĐNTL, trong khoảng thời gian trên, KĐĐNHĐSL không liệt kê sứ bộ Hoàng Tế Mỹ (1841) và sứ bộ Trương Hảo Hợp (1845).
– Về thời điểm đi sứ: Không có sự thống nhất về năm đi sứ giữa KĐĐNHĐSL và ĐNTL đối với bốn sứ bộ sau: sứ bộ Hoàng Kim Hoán (KĐĐNHĐSL ghi năm 1825 nhưng ĐNTL ghi năm 1824); sứ bộ Hoàng Văn Đản (KĐĐNHĐSL ghi năm 1831, ĐNTL ghi năm 1830); sứ bộ Trần Văn Trung (KĐĐNHĐS ghi năm 1833, ĐNTL ghi năm 1832); sứ bộ Phan Tỉnh (KĐĐNHĐSL ghi năm 1849, ĐNTL ghi năm 1848.
Hệ quả của việc này đã dẫn đến những sai biệt gây tranh cãi trong các biên khảo của các tác giả hậu sinh như Vương Hồng Sển, Phạm Hy Tùng, Trần Đức Anh Sơn, Philippe Truong… khi họ bàn về năm đi sứ sang Thanh và tên của một số vị sứ thần thời Nguyễn4. Một số biên khảo khác như Các sứ bộ do triều Nguyễn phái sang nhà Thanh; Những ông nghè ông cống triều Nguyễn; Chân dung các vua Nguyễn; Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn; Sứ thần Việt Nam; Chuyện đi sứ- tiếp sứ thời xưa…5, trong phần viết về ngày tháng đi sứ và danh tính các vị sứ thần cũng không thống nhất với nhau.
Trong bài viết này, thông qua việc đối chiếu nhiều nguồn sử liệu với những biên khảo của các tác giả trong và ngoài nước, tôi muốn làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc nhà Nguyễn sai sứ sang Thanh; khảo đính danh tính và năm tháng đi sứ của một số sứ thần và bổ túc những sứ bộ từng đi sứ sang Trung Hoa dưới triều Nguyễn, mà vì một lý do nào đó, đã không được đề cập trong các sử liệu và biên khảo trước đây.
2. Thể thức sai sứ sang Trung Hoa dưới triều Nguyễn và mục đích các chuyến đi sứ
Theo một quy định do nhà Minh (1368 – 1644) ban hành vào năm Hồng Vũ thứ 7 (1374), cứ ba năm một lần, nước ta phải cử sứ bộ sang tuế cống6. Sau khi nhà Thanh diệt nhà Minh, năm 1663, vua nhà Thanh là Khang Hy cũng theo nếp cũ, định lệ tam niên nhất cống. Tuy nhiên, do đường sá xa xôi cách trở nên thể theo yêu cầu của triều đình nhà Lê, vào năm 1668, vua Khang Hy đổi lệ thành lục niên lưỡng cống nghĩa là sáu năm mới sai sứ đi cống một lần nhưng mang gộp lễ vật của cả hai kỳ tuế cống7. Đến năm 1792, vua Càn Long ban cho triều đình Tây Sơn một chỉ dụ khác về thời hạn tuế cống8 và nhắc lại thời hạn này trong một chỉ dụ ban hành vào năm 1803 sau khi vua Gia Long lập ra triều Nguyễn9. Các chỉ dụ mới này quy định như sau:
– Triều đình An Nam, sau này là Việt Nam (từ 1804 đến 1838), rồi Đại Nam (từ 1838 đến 1945) phải gửi đồ tuế cống cho Trung Hoa hai năm một lần và cứ bốn năm phải có một sứ bộ sang chầu.10
– Ngoài ra, phải có sứ bộ đến Bắc Kinh, mỗi khi có hoàng đế Trung Hoa thăng hà (để phúng điếu) và mỗi khi có hoàng đế mới đăng quang (để chúc mừng).
– Phía Việt Nam cũng cử sứ bộ sang Thanh trong các trường hợp sau: Báo tang một vị vua Việt Nam vừa mất; xin phong vương cho vị vua mới lên ngôi và sau đó phải có sứ bộ sang cám ơn về việc được nhà Thanh phong vương; để chúc mừng sinh nhật vua và hoàng gia nhà Thanh; đi mua sắm vật dụng cho triều đình; đi truy bắt tội phạm trong nước chạy sang Trung Quốc…
– Thời Tự Đức, triều đình còn cử người qua Trung Quốc cầu viện để chống phỉ, hay để do thám hoạt động của các nước Âu tây ở Hương Cảng (như các chuyến đi của Đặng Huy Trứ vào năm 1865 và các năm 1867 – 1868)11 và Thiên Tân (như chuyến đi của Phạm Thận Duật và Nguyễn Thuật vào năm 1882.12 Sau khi Kinh đô thất thủ (5/7/1885), phong trào Cần Vương nổ ra, vua Hàm Nghi còn cử người sang Trung Hoa cầu viện để chống Pháp (như các chuyến đi của Nguyễn Quang Bích vào năm 1885 và năm 1887).13
– Ngoài ra, triều đình còn cử người sang Trung Quốc chuyên trách việc mua hàng hóa, trong đó có việc đặt mua đồ sứ. Đối với những chuyến đi như trên, sử sách triều Nguyễn thường dùng chữ đi công vụ thay cho đi sứ.
3. Những sứ bộ do triều Nguyễn phái sang Trung Hoa
Như đã đề cập trên đây, các chuyến đi sứ và công vụ sang Trung Hoa dưới thời Nguyễn được phản ánh khá tường tận trong hai nguồn sử liệu chính thức của triều đình là KĐĐNHĐSL và ĐNTL, nhưng những ghi chép giữa hai bộ sử này có nhiều điểm không thống nhất với nhau.
Để làm rõ những khúc mắc trên, tôi đã tham khảo một nguồn tư liệu quan trọng khác là các tập thơ văn của các sứ giả sáng tác trong hành trình đi sứ, thường được gọi là sứ trình thi (thơ đi sứ). Các tập thơ văn này đã được khảo cứu và giới thiệu trong bộ sách Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu (DSHNTMĐY), gồm 3 tập, do Viện nghiên cứu Hán Nôm và Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp hợp tác xuất bản năm 1993, in song ngữ Pháp – Việt.14 Ngoài ra, tôi cũng tham khảo, đối chiếu thông tin trong một số biên khảo khác như: Các sứ bộ do nhà Nguyễn phái sang nhà Thanh, Sứ thần Việt Nam, Chân dung các vua Nguyễn (tập 1), Những ông nghè ông cống triều Nguyễn, Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn, Les ambassades en Chine sous la dynastie des Nguyễn (1804 – 1924) et les bleu de Hué để vấn đề thêm phần sáng tỏ.
Nhờ đối chiếu và phân tích các nguồn sử liệu trên, một số vấn đề liên quan đến các sứ bộ do triều Nguyễn cử sang Trung Hoa, trong khoảng thời gian từ lúc vua Gia Long lên ngôi (1802) cho đến năm 1884, là lúc nhà Nguyễn phá chiếc ấn do nhà Thanh phong15chính thức không làm phiên thuộc của nhà Thanh nữa vì “đã được nước Pháp bảo trợ”, đã được làm rõ. Cụ thể như sau:
– Về số lần đi sứ: Cả KĐĐNHĐSL và ĐNTL đều ghi chép không đầy đủ. Theo lệ, cứ bốn năm một lần, nhà Nguyễn phải cử sứ bộ mang cống vật đi triều cống nhà Thanh. Đó là các năm tị, dậu, sửu.16 Trừ những năm có chiếu chỉ nhà Thanh tư sang cho miễn lệ cống, như các năm Tân tị (1821) thời Minh Mạng,17 Tân sửu (1841) và tị (1845) thời Thiệu Trị18, các năm tị, dậu, sửu khác đều có sứ bộ đi cống nhưng không được hai bộ sách trên ghi chép đầy đủ. Đó là các chuyến đi cống vào những năm: Quý sửu (1853), Đinh tị(1857), Ất sửu (1865), Kỷ tị (1869), Đinh sửu (1877) và Tân tị (1881), đã không được ghi chép.19
Nhiều chuyến công vụ đến vùng Lưỡng Quảng, Vân Nam, không lên đến Bắc Kinh, hay các chuyến đi mua hàng ở Quảng Đông, Hương Cảng… cũng không được KĐĐNHĐSL và ĐNTL ghi chép, nhưng lại được phản ánh trong Châu bản triều Nguyễn và trong các tập thơ đi sứ, như:
+ Chuyến đi Quảng Đông mua hàng vào năm Minh Mạng thứ 6 (1825), do Cai đội Nguyễn Đắc Súy và Hàn lâm viện biên tu Trần Văn Trung chỉ huy về đến Đà Nẵng năm Minh Mạng thứ 7 (1826).20
+ Chuyến đi Triều Châu mua sắm vật dụng cho triều đình vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), do Thẩm Trung, thuộc Ty Hành nhân, chỉ huy.21
+ Thuyền Tuấn Đức Trang đi Quảng Đông mua hàng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826).22
+ Sứ bộ do Lý Văn Phức dẫn đầu sang Phúc Kiến vào năm 1831 để giao trả nhóm quan quân nhà Thanh là Trần Khải bị bão đánh giạt vào Bình Định.23
+ Hai chuyến đi sứ của Đặng Huy Trứ, lần đầu vào năm 1865 để “thám phỏng Dương tình” (do thám hoạt động của các nước phương Tây ở Hương Cảng)24 lần thứ hai vào các năm 1867 – 1868.25
+ Chuyến đi Hương Cảng mua hàng của Trần Đình Túc và Nguyễn Huy Tế để cung tiến trong dịp Lục Tuần Đại Khánh của Hoàng Thái Hậu Từ Dũ vào năm Tự Đức 21 (1868).26
+ Chuyến đi Hương Cảng mua hàng cho triều đình của Hoàng Văn Xưởng vào năm Tự Đức 30 (1877).27
+ Chuyến đi sứ của Trần Bích San vào năm 1870 để dò xét tình hình Trung Hoa trước sự xâu xé của các đế quốc Nga, Anh, Pháp, Mỹ… 28
– Về thời điểm đi sứ: ĐNTL luôn ghi thời điểm đi sứ sớm hơn một năm so với ghi chép của KĐĐNHĐSL. Nguyên nhân của việc này là do ĐNTL ghi ngày sứ bộ được triều đình triệu tập hoặc ngày sứ bộ rời kinh đô Huế lên đường đi sứ, còn KĐĐNHĐSL thì phản ánh thời điểm sứ bộ đã sang đến Trung Hoa. Thông thường hai mốc thời gian này cách nhau ít nhất là năm, bảy tháng, thậm chí cách biệt cả năm trời. Vì rằng, sứ bộ khi ra đến Hà Nội“phải có công văn gửi tỉnh Quảng Tây (Trung Hoa) hỏi rõ ngày vào của quan rồi chờ tỉnh ấy trả lời” 29 “lại chép sẵn tờ quốc thư, lối tự sự, lối biền ngẫu, mỗi hạng một bản, tư cho tỉnh Quảng Tây thẩm duyệt trước”.30 Thời gian chờ đợi này thường rất lâu vì các nhà chức trách tỉnh Quảng Tây phải xin ý kiến từ Bắc Kinh. Khi được trả lời mới tư sang cho biết sứ bộ Việt Nam có được phép qua ải hay không? Do vậy, thời gian đi sứ Trung Hoa của một sứ bộ nhà Nguyễn thường kéo dài hai, ba năm trời và đó là nguyên nhân gây ra sự sai biệt trong việc ghi chép thời gian đi sứ giữa hai bộ sử trên.
Đặc biệt, trong hai năm 1840 – 1841, việc đi sứ có nhiều rối rắm. Năm 1841 là năm Tân sửu, đến kỳ đi cống. Vì thế, từ năm Canh thân (1840), vua Minh Mạng đã “cho án sát Hải Dương là Hoàng Tế Mỹ, sung chánh sứ đi tiến cống hàng năm; Lang trung bộ Binh là Bùi Nhật Tiến, đổi bổ Thái thường tự thiếu khanh, sung làm giáp phó sứ; Viên ngoại lang bộ Hộ là Trương Hảo Hợp, gia hàm Hàn lâm viện thị giảng học sĩ sung làm ất phó sứ”.31 Năm 1841 cũng là năm vua Đạo Quang nhà Thanh tổ chức Lục Tuần Đại Khánh Tiết, vì thế triều đình nhà Nguyễn cũng cử thêm một sứ bộ do Nguyễn Đình Tân làm chánh sứ; Phan Tỉnh, Trần Huy Phác làm phó sứ đi mừng thọ vua Đạo Quang. Cả hai sứ bộ này đều rời kinh đô Huế từ năm 1840, đến Hà Nội, chờ ngày mở cửa ải để sang Thanh.32 Trong khi hai sứ bộ đang chờ ở Hà Nội thì vua Minh Mạng băng hà (ngày 29/1/1841), triều đình cử một sứ bộ khác do Lý Văn Phức làm chánh sứ, Nguyễn Đức Hoạt và Bùi Phụ Phong làm phó sứ tức tốc rời kinh sang Thanh báo tang vua Minh Mạng và xin phong cho vua Thiệu Trị. Nhà Thanh được tin đã tư sang cho biết vua Thanh chỉ chấp thuận sứ đoàn sang cáo phó, đình chỉ hai sứ đoàn đi nộp cống và đi mừng thọ vua Thanh, đồng thời có chỉ dụ cho miễn cống nộp luôn cả hai kỳ Tân sửu và Ất tị.33 Trước tình hình đó, triều đình cho gọi các quan: Phan Tỉnh, Trần Huy Phác, Bùi Nhật Tiến, Đặng Huy Thuật, quay về kinh đô Huế; riêng Hoàng Tế Mỹ và Nguyễn Đình Tân thì phải ở lại Hà Nội chờ đợi.34 Sau khi sứ đoàn của Lý Văn Phức qua ải ít lâu, một sứ bộ mới do Hoàng Tế Mỹ làm chánh sứ, Nguyễn Đình Tân làm phó sứ cũng lên đường sang Trung Quốc.35Philippe Trương trong bài khảo cứu Les ambassades en Chine sous la dynastie des Nguyễn (1804 – 1924) et les bleu de Hué và các tác giả sách Sứ thần Việt Nam, có lẽ, do không hiểu hết sự phức tạp trong việc thay đổi nhân sự năm này, chỉ căn cứ vào tên của các vị chánh, phó sứ do triều đình tuyển chọn từ năm 1840, được ĐNTL ghi lại, nên đã liệt kê sai tên của một số vị chánh, phó sứ trong hai sứ đoàn đi sứ năm 1841,36 cũng như cho rằng năm các sứ bộ này sang Trung Quốc là năm Canh tí (1840). Thực ra, năm 1840 họ chỉ mới rời kinh đô Huế ra Hà Nội nằm chờ, chứ chưa sang Trung Quốc. Vả lại, vua Minh Mạng thăng hà vào tháng Chạp năm Canh tí (tháng 1/1841), nên sứ bộ Lý Văn Phức không thể đi báo tang vào năm 1840 như thông tin trong sách Sứ thần Việt Nam.37
Ngoài ra, tên họ của một số vị sứ thần cũng có những khác biệt giữa bản dịch bộ KĐĐNHĐSL của Viện Sử học (do Nxb Thuận Hóa xuất bản năm 1993) với bộ bản dịch bộ ĐNTL, cũng của Viện Sử học (do Nxb KHXH xuất bản từ năm 1962 đến năm 1978) do phiên âm không chính xác, dẫn đến việc một số công trình khảo cứu sau này cũng nhầm lẫn theo. Xin đơn cử một số trường hợp:
+ Tên của vị chánh sứ trong sứ bộ đi năm Giáp tí (1804) là 黎 伯 品. Bản dịch ĐNTL (do Nxb KHXH xuất bản) phiên âm Lê Bá Phẩm là đúng, còn bản dịch KĐĐNHĐSL (do Nxb Thuận Hóa xuất bản) phiên âm là Lê Bá Khản là sai.
+ Tên của vị giáp phó sứ trong sứ đoàn đi năm Mậu thân (1848) là 王有光.Bản dịch KĐĐNHĐSL (do Nxb Thuận Hóa xuất bản) phiên âm là Dương Hữu Quang là sai và tên của vị ất phó sứ trong sứ bộ này là 阮 nhưng cả hai bản dịch KĐĐNHĐSL và ĐNTL nói trên đều phiên âm Nguyễn Du là sai. Phiên âm đúng là Nguyễn Thu.38
+ Tên của vị phó sứ trong sứ đoàn đi năm Kỷ dậu (1849) là 阮文超 bản dịch ĐNTL do Nxb KHXH xuất bản, phiên âm là Nguyễn Văn Siêu là đúng, nhưng bản dịch KĐĐNHĐSL do Nxb Thuận Hóa xuất bản, phiên âm là Nguyễn Văn Diêu là sai.
Từ các nguồn sử liệu và những biên khảo nêu trên, tôi đã cho rằng có ít nhất là 42 sứ bộ đã được phái sang Trung Hoa dưới các triều vua: Gia Long (1802 – 1820), Minh Mạng (1820 – 1841), Thiệu Trị (1841 – 1847), Tự Đức (1848 – 1883) và Khải Định (1916 – 1925) với những mục đích khác nhau (Bảng 1: Xem sách Huế – Triều Nguyễn: Một cái nhìn). Các triều vua từ Dục Đức đến Duy Tân (từ năm 1883 đến năm 1916), không phái sứ bộ sang Trung Hoa vì nội tình đất nước rối ren, phải đối phó với họa xâm lăng của thực dân Pháp. Từ sau Hòa ước Giáp Thân (1884), quan hệ ngoại giao giữa Đại Nam và Trung Hoa đã thực sự chấm dứt do áp lực của thực dân Pháp. Những sứ bộ sang Trung Quốc vào các năm 1921, 1924 và 1925 dưới triều Khải Định không phải là những sứ bộ ngoại giao. Họ chỉ đến Quảng Đông để đặt mua đồ sứ.
Để độc giả tiện tham khảo, tôi xin liệt kê danh mục gồm 42 sứ bộ được nhà Nguyễn phái sang Trung Hoa thời gian từ năm 1802 đến năm 1925. (Bảng 2: Xem sách Huế – Triều Nguyễn: Một cái nhìn)
Nghiên cứu lịch sử bang giao giữa nhà Nguyễn với nhà Thanh là một công việc phức tạp, cần phải đầu tư nhiều thời gian và công sức. Bài viết này chỉ cung cấp một số tư liệu và kiến giải nhằm làm rõ những vấn đề liên quan đến các chuyến đi sứ dưới thời Nguyễn. Kính mong quý độc giả chỉ giáo thêm.
T.Đ.A.S.