Vua Gia Long xác lập chủ quyền Hoàng Sa qua tài liệu phương Tây

Thứ sáu - 26/08/2016 21:11 799 0

Vua Gia Long xác lập chủ quyền Hoàng Sa qua tài liệu phương Tây

Hội thảo Chủ quyền biển đảo VN trong lịch sử, do Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên-Huế tổ chức sáng 12.12.2016 tại TP.Huế, đã thu hút 27 báo cáo tham luận của các nhà nghiên cứu lịch sử, biển đảo trong cả nước.
 
Trong đó có các tác giả chuyên nghiên cứu về chủ quyền biển đảo như TS Nguyễn Nhã, TS Trần Đức Anh Sơn, GS-TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, Viện trưởng Viện VN học và khoa học phát triển, ĐHQG Hà Nội ...
TS Trần Đức Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP.Đà Nẵng, công bố 9 tài liệu của phương Tây, ghi chép về sự kiện vua Gia Long xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816. Cụ thể, Hồi ký Le mesmoire sur la Cochinchine (tiếng Pháp) của Jean Baptiste Chaigneau, một sĩ quan người Pháp, sau đó trở thành cận thần của triều Gia Long, xuất bản tại Paris năm 1820, viết: “Vương quốc Cochinchine (tên người phương Tây gọi VN lúc đó) mà vị vua hiện nay (Gia Long) tuyên xưng hoàng đế gồm xứ Nam Hà theo đúng nghĩa của nó, xứ Bắc Hà, một phần vương quốc Cao Miên, một vài đảo có dân cư ở không xa bờ biển và quần đảo Paracel (quần đảo Hoàng Sa) hợp thành từ những đảo nhỏ, bãi ngầm và mỏm đá không có người ở. Chỉ đến năm 1816, đương kim hoàng đế mới chiếm hữu hòn đảo này”.
Đại Nam nhất thống toàn đồ. Đây là bản đồ Việt Nam thời Nguyễn vẽ khoảng năm 1838, đã vẽ “Hoàng Sa”, “Vạn lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam, phía ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam.
Đại Nam nhất thống toàn đồ. Đây là bản đồ Việt Nam thời Nguyễn vẽ khoảng năm 1838, đã vẽ “Hoàng Sa”, “Vạn lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam, phía ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam.

Trong tập san Journal of an Embassy from the Governor - Ganeral of India to the Courts of Siam and Cochinchina (tiếng Anh) do John Crawfurd biên soạn, xuất bản tại London (Anh) năm 1830, có đoạn viết: “Năm 1816, vua Cochinchina đã chiếm một phần đảo không có người và hiểm trở bao gồm nhiều đá, đảo nhỏ, bãi cát... gọi là Paracels. Theo đó, nhà vua tuyên bố quần đảo này thuộc chủ quyền nước này mà hầu như sẽ không bị tranh chấp”.
An Nam Đại quốc họa đồ. Đây là bản đồ Việt Nam trong cuốn Từ điển La tinh - Việt Nam của Giám mục Jean Louis Taberd xuất bản năm 1838, khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong vùng biển Việt Nam.
An Nam Đại quốc họa đồ. Đây là bản đồ Việt Nam trong cuốn Từ điển La tinh - Việt Nam của Giám mục Jean Louis Taberd xuất bản năm 1838, khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong vùng biển Việt Nam.

Sách Die Erdkunde von Asien (tiếng Đức) của Carl Ritter, xuất bản tại Berlin (Đức) năm 1834, cũng đã miêu tả các đảo thuộc vương quốc Cochinchina, trong đó có Paracel như sau: “Những đảo nhỏ đầy cát và rong này vốn được hoàng đế Cochinchina tuyên bố chủ quyền từ năm 1816 và không gặp bất kỳ sự phản đối nào của các nước lân bang”...
Theo ông Sơn, sự kiện này trong sử sách triều Nguyễn, tuy được ghi chép khá mờ nhạt nhưng vẫn được thể hiện. Đại Nam thực lục - Chính biên do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, có chép: “Vào năm Gia Long thứ 15 (1816) nhà vua lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để xem xét, đo đạc thủy trình”.
“Những tài liệu trên đã khẳng định một sự kiện trọng đại, vào năm 1816, vua Gia Long đã (sai người) cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa và tuyên bố chủ quyền quần đảo này thuộc về lãnh thổ VN mà không gặp phải bất cứ sự phản đối hay tranh chấp nào. Xét ở góc độ pháp lý hiện nay, sự kiện này rất có ý nghĩa đối với vấn đề xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa nói riêng và lịch sử xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo VN nói chung”, TS Trần Đức Anh Sơn nói.
Bùi Ngọc Long
Vua Minh Mạng Khẳng Định Chủ Quyền Hoàng Sa - Trường Sa Thế Nào?

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây