Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Đoàn ngự đạo hoành tráng

Thứ sáu - 26/08/2016 21:11 933 0

Long tượng dẫn đầu đoàn ngự đạo trong lễ tế Nam giao năm 1939

Long tượng dẫn đầu đoàn ngự đạo trong lễ tế Nam giao năm 1939
Hằng năm, vào quãng tháng 3, khoảng thời gian người Âu đón lễ Phục sinh, nhà vua làm một lễ tế mà người An Nam gọi là Tế Nam giao (tế lễ hướng nam)
Long tượng dẫn đầu đoàn ngự đạo trong lễ tế Nam giao năm 1939. ẢNH: TƯ LIỆU
Long tượng dẫn đầu đoàn ngự đạo trong lễ tế Nam giao năm 1939. ẢNH: TƯ LIỆU
 
Hằng năm, vào quãng tháng 3, khoảng thời gian người Âu đón lễ Phục sinh, nhà vua làm một lễ tế mà người An Nam gọi là Tế Nam giao (tế lễ hướng nam).
Tế Nam giao là cuộc lễ trọng đại và trang nghiêm nhất trong năm: người ta phô trương hết mức sự hoành tráng để làm nổi bật đoàn ngự đạo lộng lẫy của nhà vua.
Đàn tế, theo như chỉ dẫn của Khổng Tử, phải nằm về phía nam của kinh thành.
Để phục vụ cho ngày lễ tế, người ta huy động tất cả những thứ đẹp nhất từ kho tàng nội phủ triều đình như vũ khí, công cụ vật dụng cho đoàn rước hay trang trí. Nhà vua cho gọi về kinh, từ khắp các tỉnh thành, các thớt voi để bổ sung cho đoàn ngự đạo và thêm binh lính để tạo hàng rào từ cửa hoàng cung cho đến nơi tế lễ, trên một chặng đường đi kéo dài tối thiểu là sáu cây số.

 
Gần vùng núi đồi, nằm về hướng nam của kinh thành, giữa một rừng thông, là một kiến trúc theo hình nón có phần trên bằng phẳng, với những bậc cấp chung quanh. Mặt đáy kiến trúc rất rộng, thu hẹp lại dần theo chiều cao và dừng lại ở độ cao nhất định để tạo thành mặt bằng [đàn tế] chu vi khoảng 30 m. Trên đàn tế này có dựng lên một mái lều bằng vải màu xanh dương, tượng trưng cho trời: chính dưới mái lều này mà nhà vua sẽ dâng lễ vật tế trời.
Để cầu khấn trời ban nhiều phúc lành cho nhà vua và muôn dân, trước khi lên đàn tế lễ, nhà vua với tư cách chủ tế phải tự thanh tẩy kiêng cữ trong vòng hai mươi bốn giờ. Nhà vua phải ăn kiêng, chỉ có một bữa ăn nhẹ vào tối hôm trước; không ngủ trong chiếc giường lộng lẫy của vua, mà ra nằm trên chiếu trải ra sàn như một kẻ tội đồ ăn năn trước trời đất. Nhà vua cũng không được tiếp xúc với các quý phi và buộc phải ngăn cách với họ để tránh mọi cám dỗ. Do đó, nhà vua phải rời xa cung điện và chuyện cung cấm trong thời gian hai mươi bốn giờ để sống một nơi biệt lập, được dựng lên gần nơi đàn tế vào dịp tế lễ [trai cung].

 
Vào ngày trước hôm tế lễ, nhà vua rời cung điện để đến nơi ở tạm vào buổi sáng với một đoàn ngự đạo thật hoành tráng: đi trước và đi sau là một đoàn diễu hành đông đúc (như một đạo binh đủ sắc màu), mà phần đầu của đoàn rước là ở đâu tận bên kia sông, chờ nhà vua xuất cung để khởi hành.
Đoàn ngự đạo mở đầu gồm: hai hàng voi khoảng hai chục con, tạo thành một hàng rào mỗi bên; hai hay ba trăm lính cầm thương dài có trang trí cờ (cờ đủ kiểu dáng, bằng lụa đủ sắc màu, một số có ghi chữ Hán) đi đứng chen lẫn; chiêng và kèn [tù và] sừng trâu là những nhạc cụ tạo ra một thứ âm thanh khá chói tai, tương tự những âm thanh mà ở Pháp ta có thể nghe trong những dịp lễ hội lớn. Trong đoàn ngự đạo còn phải kể thêm nào trống nào kèn bát âm, những đội lính mang súng trường, một lá cờ lớn mang những dòng chữ Hán được níu lại bằng một thanh ngang gắn vào đầu mút của một cây cột: cột lại được dựng trên một bàn [kiệu] do bốn người lính khiêng đi; lại thêm hàng trăm cờ phướn như ở phần đầu của đoàn rước, và rồi bộ phận phía trước của đoàn ngự đạo khép lại với hai hàng voi.
Bên kia bờ sông, ở lối vào cung điện của vua, ta có thể thấy voi sắp thành hai hàng, mỗi hàng khoảng mười hai con, tạo thành một hàng rào. Bên trái, bên phải là hàng hàng lớp lớp binh lính đủ mọi binh chủng, xếp theo trật tự để nhập vào đoàn ngự đạo. Ở bờ sông, có ba cầu tàu bằng gỗ, nơi có những chiếc thuyền đáy bằng được ghép chung lại với nhau: thuyền rồi sẽ được kéo từ bờ này sang bờ kia với những dây thừng và tay quay đặt ở hai bên để đưa đoàn ngự đạo qua sông.

 
Mở màn cho bất cứ buổi lễ nào hay dù chỉ là một chuyến xuất hành bình thường của nhà vua thì luôn có tiếng đại pháo thông báo vua khởi hành (mỗi khi vua xuất cung, có bảy hay chín phát thần công báo tin việc khởi hành, bảy cho những chuyến đi bình thường, chín cho những cuộc lễ lớn. Ba phát súng thần công để báo tin vua đã hồi cung). Nhưng riêng đối với lễ tế Nam giao, tất cả đều phải im tiếng cho đến khi lễ tế kết thúc, cũng không có nhạc cụ nào được dùng để bắt nhịp đi của đoàn quân hành.
Chỉ đến khi giờ khởi hành đã điểm, người ta sẽ nghe hô lên vang dội và chói tai tiếng “dậy” (coi chừng). Voi bắt đầu cất bước và ta sẽ thấy đi ra mỗi bên hai hàng người, mỗi hàng mười hai vị thuộc hàng thế phiệt, với đồng phục giống nhau: áo dài bằng lụa xanh dương có thêu thùa, cài cúc sang một bên, tà áo dài tới bắp chân; trán thắt một dải màu đen bện bằng lông thú; đầu đội mão màu xanh dương đậm có hình vẽ nổi rõ, với một tấm huy hiệu hình tròn bằng bạc chạm lộng phía trước trán. Những vị này mang trên vai phải một thanh kiếm dài tra vào vỏ, họ chạy từng bước ngắn, giữ đúng khoảng cách và từng người từng hồi lại la to lên “dậy”.
 
 
 
 
 
 
 
 
Michel Đức Chaigneau
Trích từ Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau (Lê Đức Quang, Trần Đình Hằng dịch - NXB Thuận Hóa, Huế, 2016)
Khám phá Việt Nam - Phục sinh một huyền thoại

 

Nguồn tin: thanhnien.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây