CHÂN DUNG & TRANG PHỤC CÁC VUA TRIỀU NGUYỄN: THẬT VÀ BỊA (*)

Thứ sáu - 15/07/2016 11:06 1.385 0
Gần đây có một bộ tranh chân dung của các vua triều Nguyễn được vẽ mới và phổ biến, thu hút được nhiều sự chú ý của người xem. Nếu chỉ thưởng thức các bức vẽ này như những ảnh vui mắt, đầy mầu sắc thì được. Nhưng các tranh này không có giá trị tài liệu và sử liệu về triều phục Việt Nam thời Nguyễn. Tất cả các chi tiết về áo, mão lẫn diện mạo đều do họa sĩ tưởng tượng. Trước hết hãy so sánh các bức ảnh nguyên gốc (bên trái) và các chân dung được họa sĩ phóng tác lại (bên phải).
CHÂN DUNG & TRANG PHỤC CÁC VUA TRIỀU NGUYỄN: THẬT VÀ BỊA (*)

CHÂN DUNG & TRANG PHỤC CÁC VUA TRIỀU NGUYỄN: THẬT VÀ BỊA (*)

Trịnh Bách

Gần đây có một bộ tranh chân dung của các vua triều Nguyễn được vẽ mới và phổ biến, thu hút được nhiều sự chú ý của người xem. Nếu chỉ thưởng thức các bức vẽ này như những ảnh vui mắt, đầy mầu sắc thì được. Nhưng các tranh này không có giá trị tài liệu và sử liệu về triều phục Việt Nam thời Nguyễn. Tất cả các chi tiết về áo, mão lẫn diện mạo đều do họa sĩ tưởng tượng. Trước hết hãy so sánh các bức ảnh nguyên gốc (bên trái) và các chân dung được họa sĩ phóng tác lại (bên phải).

Chân dung vua Gia Long. Bên trái là ảnh gốc do người Pháp vẽ. Bên phải là chân dung do họa sĩ đương đại phóng tác.

Chân dung vua Gia Long.

Vua Gia Long, bên trái là chân dung do người Pháp vẽ ước lệ theo ký ức. Nếu nhà vua mặc áo dài hay áo tấc đen (chỉ có hai loại áo này có cổ xây) thì không đội mão phác đầu (mũ cánh chuồn). Và nếu là mão phác đầu thì trong ảnh này thiếu cánh chuồn. Quan trọng là các vua không đội mũ cánh chuồn. Ảnh bên phải vẽ phỏng theo, với các sáng tác ngộ nghĩnh về trang phục. Vua được cho mặc cổ áo loại chi đó không rõ. Còn cái mão trong chân dung mới vẽ lại (bên phải) hoàn toàn không có trong trang phục cung đình của tất cả các nước trọng Khổng (còn gọi là các nước đồng văn) là Hoa, Nhật, Hàn và Việt, cả về hình dạng đến màu sắc, hoa văn…

Chân dung vua Minh Mạng.

Chân dung vua Minh Mạng.

Vua Minh Mạng, bên trái là chân dung cũng do người Tây phương vẽ lại theo ký ức. Họ muốn vẽ mão xung thiên của hoàng đế, nhưng vì nhớ không rõ nên vẽ thành hình dạng này. Hoa văn rồng trên áo kiểu trên áo cũng không có ở triều đình Á châu nào. Người vẽ phỏng lại tranh bên phải, do không hiểu, nên vẽ lại gần như nguyên bản cái mũ sai lạc đó. Do người Pháp nhớ không rõ cho nên vẽ cái cổ áo bàn lĩnh của hoàng bào to và thành hai tầng. Người họa sĩ Việt tưởng nhầm thành cái vân kiên phủ vai hoàn toàn không có trong triều phục thời Nguyễn ở Việt Nam.

Chân dung vua Tự Đức do người Pháp vẽ.

Chân dung vua Tự Đức do người Pháp vẽ.

Chân dung mới vẽ lại của vua Thiệu Trị (bên trái) và vua Tự Đức (bên phải)

Chân dung mới vẽ lại của vua Thiệu Trị (bên trái) và vua Tự Đức (bên phải)

Vua Thiệu Trị và vua Tự Đức hoàn toàn không để lại hình ảnh gì, ngoài một cái ảnh vẽ ước lệ vua Tự Đức nhìn ngang, trên đầu đội một cái mão đường cân được vẽ phỏng lại không chính xác dựa theo ký ức. Khổ nỗi là tác giả của bộ tranh mới lại cho hai vị hoàng đế này đội mão phác đầu (mũ cánh chuồn) của các quan. Hoàng đế không đội mão phác đầu. Và mão vẽ ở trong hai tranh này cũng không phải là mão phác đầu, vì sai cả hình dạng lẫn các vật trang trí. Bất cứ một họa tiết trang trí nào trên áo, mão triều phục cũng có luật lệ nghiêm ngặt. Dù chỉ là một con giao long nhỏ trên cái cánh chuồn cũng phải làm dựa theo luật định, vì màu sắc của chất liệu làm ra nó cũng ấn định phẩm cấp của người đội.

Chân dung vua Hiệp Hòa

Chân dung vua Hiệp Hòa, bên trái là do con cháu vẽ theo tưởng tượng, bên phải là chân dung mới phóng tác

Vua Hàm Nghi.

Chân dung vua Hàm Nghi.

Chân dung vua Kiến Phúc (bên phải mới vẽ lại), còn ảnh gốc bên trái thật ra là ảnh vua Duy Tân

Chân dung vua Kiến Phúc (bên phải mới vẽ lại), còn ảnh gốc bên trái thật ra là ảnh vua Duy Tân

Vua Đồng Khánh. Ảnh gốc bên trái do họa sĩ đương thời vẽ trực tiếp, chuẩn xác

Chân dung vua Đồng Khánh do họa sĩ đương thời vẽ trực tiếp, chuẩn xác bên trái và chân dung mới mới phóng tác ở bên phải.

Vua Thành Thái (ảnh gốc bên trái mặc áo long trấn, đầu đội đường cân).

Chân dung vua Thành Thái (ảnh gốc bên trái mặc áo long trấn, đầu đội đường cân).

Đối với bức chân dung vua Thành Thái, người vẽ phóng tác không hiểu biết, cho nên vẽ nhà vua mặc long bào tay rộng, nhưng lại đội đường cân. Đường viền dưới gấu áo của ảnh bên phải không có trong hệ thống triều phục Việt Nam.

Vua Duy Tân ngày tấn phong. Lên ngôi còn bé và gấp quá không kịp làm áo, mão và hia.

Vua Duy Tân ngày tấn phong. Lên ngôi còn bé và gấp quá không kịp làm áo, mão và hia. Bên phải là chân dung mới phóng tác.

Vua Khải Định.

Chân dung vua Khải Định.

Vua Bảo Đại.

Chân dung vua Bảo Đại.

Thật tội cho ba vua Hàm Nghi, Khải Định và Bảo Đại được người vẽ cho mặc áo dài của thái giám. Thái giám trong nội cung mặc áo dài mầu lam hay lục dệt hoa văn chữ thọ và hoa cỡ nhỏ mầu trắng, bạc độc sắc… Tất cả các khăn vấn hay khăn xếp đội đầu ngày xưa của phái nam theo đúng lệ đều mầu đen, chứ không theo màu áo dài như bây giờ. Riêng hoàng đế vấn hay đội khăn vàng hoặc đen tùy trường hợp.

Hoa văn vạn thọ trên áo dài bằng vải đoạn mầu quan lục của vua Bảo Đại.

Hoa văn vạn thọ trên áo dài bằng vải đoạn mầu quan lục của vua Bảo Đại.

Các hoàng đế mặc áo dài gấm, đoạn, sa dệt hay thêu hoa văn trang trí họa tiết vạn thọ. Nền vải chuộng các màu vàng, đen, bửu lam (lam đậm), hay quan lục (xanh nõn chuối) dệt hoa văn thất thể (7 màu). Các quan mặc áo dài với họa tiết dệt bách thọ, tứ thời, tứ tiết, và mầu sắc với hoa văn dệt ngũ thể. Họa tiết hoa văn nhỏ dệt đơn sắc trong các tranh vẽ tưởng tượng ba vị hoàng đế ở đây chỉ dành cho quân hầu và thái giám.

Hoàng đế khi mặc hoàng bào ngự lễ đại triều thì đội mão xung thiên. Khi ra ngoài duyệt binh, ngự lễ tịch điền, v.v., thì mặc áo long trấn tay chẽn, đội mão Đường cân. Khi mặc áo cổn để tế Giao thì đội miện bình thiên có 24 tua rủ (gọi là châu), 12 phía trước và 12 đằng sau. Với cả ba trang phục này các hoàng đế đều đi hia bằng đoạn đen, thêu nổi rồng mây bằng chỉ kim tuyến vàng và gắn kim sa vàng.

Khi thiết đại triều hoàng đế cầm trấn khuê làm bằng ngọc mầu trắng mỡ. Các quan lớn cầm hốt ngà và các quan nhỏ cầm hốt gỗ bạch. Không bao giờ có hốt mầu đỏ viết chữ đen như ở các tranh này.

Long bào Đại triều của hoàng đế (hiện vật gốc - Bảo tàng Lịch sử TPHCM).

Long bào Đại triều của vua triều Nguyễn (hiện vật gốc ở Bảo tàng Lịch sử TPHCM).

Cái áo long bào này được các vua Nguyễn mặc truyền nối từ thời Minh Mạng đến Đồng Khánh. Chỗ cột thủy (sọc dọc đa sắc dưới gấu áo) được gấp lên hoặc hạ xuống tùy chiều cao của người mặc và đính vào phía trong áo, không được cắt. Hoàng đế đội mão xung thiên với trang phục này. Tay các loại áo lễ luôn phải dài bằng gấu áo, chứ không ngắn ngang cổ tay như thấy trong các phim truyền hình dài tập Trung Quốc.

Áo bằng sa thâm khoác bên ngoài áo cổn tế Giao của hoàng đế (hiện vật gốc tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế).

Áo bằng sa thâm khoác bên ngoài áo cổn tế Giao của vua triều Nguyễn (hiện vật gốc tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế).

Áo tế Giao của hoàng đế (phía sau).

Áo tế Giao của vua triều Nguyễn (phía sau).

Long trấn của hoàng đế (hiện vật gốc tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM).

Long trấn của vua triều Nguyễn (hiện vật gốc tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM).

Mão Xung thiên Đại triều của vua triều Nguyễn.

Mão Xung thiên Đại triều của vua triều Nguyễn.

Mão xung thiên ở ảnh bên trái được vẽ trực tiếp với đầy đủ các chi tiết chính xác. Mão bên phải là mão phục chế hiện trưng bầy tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội với vài vật trang trí còn sót lại từ mão gốc. Mão gốc có lớp ngoài làm bằng ô sa, trong lót lớp mã vĩ (lông đuôi ngựa). Mão có 31 con rồng vàng; cùng với các viên ngọc đỏ (hỏa tề), trắng (thủy soạn), trân châu, mây vàng và lửa vàng.

Miện Bình thiên của vua triều Nguyễn (phục chế, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội).

Miện Bình thiên của vua triều Nguyễn (phục chế, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội).

image027
Hia của vua (hiện vật gốc ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế). Hia này bị mất hết các hạt kim sa, cũng như lớp vải đoạn lót mầu vàng bên trong.

Hia của vua (hiện vật gốc ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế).

Hia này bị mất hết các hạt kim sa, cũng như lớp vải đoạn lót mầu vàng bên trong.

Vua Khải Định trong trang phục tế Giao (trái). Vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương (phải).

Vua Khải Định trong trang phục tế Giao (trái). Vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương (phải).

Ảnh bên trái là vua Khải Định mặc tế phục Nam Giao, đầu đội miện, tay cầm trấn khuê. Treo rủ xuống trước bụng là tấm tế tất (phất tất). Ngoài ra còn các phụ kiện khác bị áo che phủ, như các giải ngọc đeo rủ xuống từ thắt lưng hai bên tế tất gọi là tạp bội và tiểu thụ, với 200 viên châu ngọc các loại cùng các phiến ngọc khắc hình khánh, dơi, tiền… Và có thêm một tấm đoạn thêu gọi là thiên thụ treo từ thắt lưng phía sau áo.

Ảnh bên phải là vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương trong ngày hôn lễ. Nhà vua mặc long bào (hoàng bào), đầu đội mão xung thiên, tay cầm trấn khuê. Hoàng hậu mặc phượng bào (nữ bào) và xiêm, đầu đội mão thất phụng, chân đi hài phượng. Hôm hôn lễ hoàng hậu Nam Phương mặc áo nữ bào mầu hỏa hoàng (da cam), nhưng sau này khi đã sinh được tự quân rồi thì đổi sang mặc áo bào sắc vàng.

Vua Đồng Khánh (phải) và vua Kiến Phúc (trái).

Vua Đồng Khánh (trái) và vua Kiến Phúc (phải).

Ảnh trái là vua Đồng Khánh trong phút thư giãn. Vua mặc áo tấc, đầu vấn lửng sơ sài khăn kiểu chữ nhất theo lối võ ban (khi mặc lễ phục hay vấn khăn, các hoàng đế đều theo quy chế võ ban). Chân đi văn hài.

Ảnh phải là vua Kiến Phúc dạo chơi bằng long xa. Vua vấn khăn chữ nhất, mặc long trấn. Một tay cầm cung, tay kia chống súng và kiếm. Sau xe treo cờ tiết mao của Thiên tử…

Giải thích kỹ như thế nhưng vẫn còn rất qua loa so với các điển lệ phức tạp nhưng chặt chẽ của một hoàng triều. Người ta chỉ cần nhìn mầu áo của một vị quan, hay hình dạng mão, hoa văn bổ tử, để biết cấp bậc của vị quan. Ngay cả đến chất liệu làm trang trí trên một cánh chuồn trên mão và hình dạng cánh chuồn, cũng như chất liệu của các vật trang trí đó cũng đều có quy định phân biệt rõ ràng cho mỗi phẩm cấp. Ngoài ra còn các lệ về cách đeo đai (thắt lưng) cho mỗi loại triều phục, hay cách đeo các loại khánh, bài, bội… cũng phải theo luật lệ nghiêm ngặt.

Khi muốn phục dựng hay vẽ lại những gì thuộc văn hóa cổ của dân tộc, có ảnh hưởng đến sự hiểu biết của giới trẻ sau này, thì phải kỹ lưỡng, không nên tùy tiện.

T.B.

(*) Tựa bài do Trần Đức Anh Sơn đặt.

Tác giả: Trịnh Bách

Nguồn tin: anhsontranduc.wordpress.com

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây